09:53 02/05/2007

Lý giải hiện tượng BMC

BMC hiện được coi là cổ phiếu đạt kỷ lục tăng giá liên tục nhiều nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam

BMC đã có một chu kỳ tăng giá mạnh mẽ với 50 phiên liên tục.
BMC đã có một chu kỳ tăng giá mạnh mẽ với 50 phiên liên tục.
Công ty Cổ phần Khoáng sản Bình Định (BMC) chào sàn ngày 28/12/2006 với giá khởi điểm 50.000 đồng/cổ phiếu, sau đó bắt đầu một chu kỳ tăng giá mạnh mẽ 50 phiên liên tục và đến ngày 16/3/2007 đạt mức 454.000 đồng/cổ phiếu.

Mặc dù thị trường vừa qua liên tục tăng giảm thất thường, giá của BMC cũng có chút ảnh hưởng nhưng đợt giảm giá nhiều nhất của BMC cũng chỉ 9,5% tính đến ngày 24/4, mức nhỏ hơn cổ phiếu "blue-chips"như FPT (-31,43%); BMP (-32,69%); REE (-23,78%)... BMC hiện được coi là cổ phiếu đạt kỷ lục tăng giá liên tục nhiều nhất.

Vậy lý do đâu mà thị trường đánh giá cao về cổ phiếu BMC?

Kết quả kinh doanh khả quan

Sản phẩm chính của BMC là Ilmenite, nguyên liệu chính để sản xuất bột màu titan dioxit (Ti02) và kim loại titan. Trong quá trình sản xuất công ty còn thu được sản phẩm phụ khác dùng trong ngành công nghiệp gạch men, que hàn.

Năm 2006 doanh thu thuần công ty đạt 52.759 triệu đồng tăng 31% so với năm 2005, lợi nhuận sau thuế 18.845 triệu đồng tăng 50,80% so với năm 2005, trên vốn đầu tư chủ sở hữu 13.144 triệu đồng là công ty có mức tăng trưởng lớn nhất trong ngành.

Một số chỉ tiêu tài chính cơ bản đánh giá hiệu quả hoạt động, hiệu quả sinh lời trong năm 2005- 2006 rất khả quan. Năm 2006 ROE là 41,2%; ROA là 33,98%. Cơ cấu vốn BMC rất an toàn, hệ số nợ nhỏ hơn 20%, hệ số thanh toán hiện thời lớn hơn 1,5 lần. Dự báo nhiều khả năng trong năm 2007 doanh thu và lợi nhuận của BMC tiếp tục được duy trì ở mức ổn định.

Trong năm 2007, BMC sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Trong tháng 2.2007 công ty đã hoàn thành việc nhập thiết bị của dự án nghiền mịn zircon, với tổng mức đầu tư khoảng 4 tỉ đồng. Hiện công ty đang lắp đặt hệ thống dây chuyền thiết bị để đi vào hoạt động. công ty cũng đang xúc tiến việc lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sỉ titan, với tổng mức đầu tư khoảng 55 tỉ đồng.

Cung quá thấp

Một nguyên nhân khác dẫn đến chu kỳ tăng giá dài là do lượng đăng ký giao dịch hiện tại của BMC rất ít: 1.311.400 cổ phiếu. Trong đó, số cổ phiếu sẵn sàng giao dịch chỉ khoảng hơn 600.000 cổ phiếu, do cổ đông nhà nước chiếm 668.620 cổ phiếu, tương ứng với 51%.

Trong các phiên giao dịch của BMC, khối lượng chuyển nhượng khá thấp so với bình quân của thị trường, lần giao dịch khớp lệnh lớn nhất của BMC cũng chỉ đạt 64.090 cổ phiếu, vì thế, việc cổ phiếu bị đẩy giá lên là không tránh khỏi.

Theo kết quả của cuộc họp Hội đồng Quản trị thông qua ngày 2/3/2007, việc BMC chủ trương phát hành cổ phiếu thưởng cho các cổ đông hiện hữu theo tỉ lệ 1:2 cũng là một trong những lý do khiến nhiều nhà đầu tư mong muốn được sở hữu cổ phiếu này.

* BMC là một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực khai thác sa khoáng tại tỉnh Bình Định. Vốn điều lệ 13.114 triệu đồng. Tỉ lệ sở hữu cổ đông nhà nước chiếm 51%, cổ đông trong công ty 18,01% còn lại là cổ đông bên ngoài 30,99%. Sản phẩn chính của BMC là ilmenite, zircon, rutil, monazite, magnetite.

Các chỉ số tài chính cơ bản:


Năm tài chính (kết thúc ngày 31/12)   2005 2006
Hệ số nợ/Vốn chủ sở hữu lần 0.18 0.21
Tỉ suất lãi ròng/Doanh thu % 31.27 35.72
Tỉ suất lợi nhuận/Tổng tài sản % 27.96 33.98
Tỉ suất Lợi nhuận ròng/Vốn chủ sở hữu % 33.09 41.20