Mắc áo thép của Việt Nam tiếp tục chịu thuế chống bán phá giá cao tại Hoa Kỳ
Do không có doanh nghiệp Việt Nam nào tham gia rà soát nên DOC quyết định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế 220,68%...
Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã đăng công báo về kết luận cuối cùng của đợt rà soát hoàng hôn lần thứ hai lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam.
Tại kết luận này, do không có doanh nghiệp Việt Nam nào tham gia rà soát nên DOC quyết định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế 220,68% (trừ ba công ty được áp dụng thuế suất riêng là 157%).
Bộ Công Thương nhận định, mức thuế này không thay đổi so với mức thuế hiện hành (áp dụng từ tháng 02 năm 2013).
Ngoài ra, sản phẩm mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam cũng đang bị DOC áp dụng thuế chống trợ cấp với mức thuế 31,58% (trừ một công ty bị áp dụng thuế suất riêng là 90,42%).
Vụ việc khởi xướng từ ngày 29 tháng 12 năm 2011, khi các nguyên đơn đại diện cho ngành sản xuất trong nước của Hoa Kỳ đã nộp đơn kiện lên DOC, cáo buộc các doanh nghiệp Việt Nam đã bán phá giá mặt hàng mắc áo bằng thép và cáo buộc Chính phủ Việt Nam đã có những khoản trợ cấp dành cho doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này.
Ngày 18 tháng 1 năm 2012, DOC chính thức khởi xướng điều tra chống trợ cấp và chống bán phá giá đối với mặt hàng mắc áo bằng thép nhập khẩu từ Việt Nam.
Ngày 29 tháng 5 năm 2012, DOC đưa ra kết luận sơ bộ về biện độ trợ cấp trong điều tra chống trợ cấp (CVD).
Ngày 26 tháng 7 năm 2012, DOC đưa ra kết luận sơ bộ về biên độ phá giá trong điều tra chống bán phá giá (AD).
Ngày 18 tháng 12 năm 2012, DOC công bố quyết định cuối cùng trong vụ điều tra chống trợ cấp (CVD) và chống bán phá giá đối với mặt hàng nêu trên.
Theo số liệu thống kê của Hoa Kỳ, nước này nhập khẩu sản phẩm mắc áo từ Việt Nam với trị giá lần lượt là khoảng 19,5 triệu USD, 29 triệu USD và 32 triệu USD trong giai đoạn từ 2009-2011.
Tại Quyết định này, DOC kết luận rằng các nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam được hưởng lợi từ khoản trợ cấp xuất khẩu. Do đó, DOC áp dụng thuế chống trợ cấp với mức thuế 31,58%. Riêng đối với một bị đơn, do doanh nghiệp này đã rút lui vụ kiện tại thời điểm thẩm tra nên DOC đã sử dụng “dữ liệu sẵn có bất lợi” để tính toán biên độ trợ cấp, nên doanh nghiệp này đã bị áp mức thuế rất cao là 90,42%.
Với vụ việc chống bán phá giá, mức thuế áp dụng cho 3 công ty là 157%; thuế suất toàn quốc áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp Việt Nam khác là 220,68%. Đối với mức thuế suất toàn quốc, DOC đã sử dụng “dữ liệu sẵn có bất lợi” để tính toán biên độ phá giá nên mức thuế rất cao.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, các nhà xuất khẩu mắc áo thép của Việt Nam khi thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ sẽ đồng thời phải chịu mức thuế chống bán phá giá là 220,68% và thuế chống trợ cấp là 31,58%.
Do đó, Cục Phòng vệ Thương mại khuyến cáo, các nhà xuất khẩu mới của Việt Nam (nếu có) cần liên hệ với DOC trước khi xuất khẩu để được tính toán mức thuế riêng, nếu không sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá là 220,68% và thuế chống trợ cấp là 31,58%. Đồng thời, doanh nghiệp có thể liên hệ với Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương để được hỗ trợ kịp thời.