12:06 19/04/2022

Malaysia muốn tranh thủ giá dầu tăng cao để trả bớt nợ nần

Điệp Vũ

Giá dầu thế giới tăng mạnh do cuộc chiến tranh Nga-Ukraine có thể giúp Chính phủ Malaysia cải thiện bảng cân đối kế toán, Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này cho hay...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Malaysia Zafrul Aziz - Ảnh: MalayMail.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Malaysia Zafrul Aziz - Ảnh: MalayMail.

Có vẻ như quốc gia Đông Nam Á này đã có thể thở phào sau một thời gian loay hoay khắc phục hậu quả của vụ bê bối tham nhũng gây chấn động ở quỹ đầu tư quốc gia 1MDB và đại dịch Covid-19.

Trong một cuộc trao đổi với tờ Financial Times, Bộ trưởng Bộ Tài chính Malaysia Zafrul Aziz nói chiến tranh ở Ukraine chỉ có ảnh hưởng tiêu cực “rất nhỏ” đối với nền kinh tế Malaysia và ông hy vọng giá dầu tăng sẽ giúp giảm bớt thâm hụt ngân sách và cải thiện tình hình tài chính của Chính phủ nước này. Malaysia là một nền kinh tế có độ phụ thuộc khá lớn vào xuất khẩu hàng hoá cơ bản, trong đó có dầu thô.

“Giá hàng hoá cơ bản tăng chắc chắn sẽ giúp ích Malaysia”, ông Zafrul nói. “Trong kế hoạch ngân sách năm nay, chúng tôi đã dự kiến giá dầu ở mức khoảng 66 USD/thùng. Nhưng giá dầu hiện nay cao hơn nhiều so với mức đó. Vì thế, vị thế tài khoá của chúng tôi có triển vọng được cải thiện”.

Những năm gần đây, Malaysia gặp nhiều khó khăn trong việc giảm nợ quốc gia. Tình hình nợ nần của nước này xấu đi sau khi hàng tỷ USD bị biển thủ khỏi quỹ 1MDB trong đại án tham nhũng bủa vây ông Najib Razak khi còn giữ chức Thủ tướng Malaysia vào năm 2014 và cả sau đó.

Đại dịch càng khiến bức tranh nợ nần của Malaysia thêm phần u ám. Sau khi chi hàng tỷ USD ngân sách để hỗ trợ nền kinh tế, Chính phủ Malaysia đối mặt thâm hụt tài khoá tương đương 6,4% tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong năm 2021, cao gấp đôi so với mục tiêu đề ra trước đại dịch.

Theo dữ liệu của Chính phủ Malaysia, nợ quốc gia của nước này tương đương 63,4% GDP vào thời điểm tháng 12/2021.

Tuy nhiên, giá dầu tăng cao đã mở ra một cơ hội bất ngờ cho Malaysia – nền kinh tế với 1/5 GDP đến từ dầu thô và khí đốt, theo dữ liệu của Chính phủ nước này. Ông Aziz cho biết ông dự kiến thâm hụt ngân sách của Malaysia sẽ giảm còn 6% GDP trong năm nay.

Trong một dấu hiệu cho thấy cú huých mà sự leo thang của giá dầu có thể mang lại cho nền kinh tế và doanh nghiệp Malaysia, giới đầu tư đang đổ mạnh tiền vào thị trường chứng khoán nước này. Chứng khoán Malaysia đã vượt trội so với thị trường toàn cầu trong bối cảnh khủng hoảng địa chính trị ở Ukraine, với chỉ số FTSE-Bursa Malaysia Kuala Lumpur Composite Index đã tăng 4,6% từ đầu tháng 2 đến nay.

Tuy nhiên, ông Zafrul cũng chi ra rằng lợi ích từ giá dầu cao hơn sẽ không thể bù đắp hoàn toàn tác động đối với nhu cầu toàn cầu mà chiến tranh gây ra.

“Chúng tôi là một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu, và bởi vậy, ổn định chính trị và tài chính tại các nước là đối tác thương mại và đầu tư có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Malaysia”, ông nói. “Đó là lý do vì sao chúng tôi cho rằng tăng trưởng GDP của Malaysia có thể giảm 0,2 điểm phần trăm vì tác động của chiến tranh Nga-Ukraine”.

Trong một báo cáo vào đầu tháng này, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nền kinh tế Malaysia tăng trưởng 5,5% trong năm nay, nhưng cũng có thể chỉ tăng 4,8% nếu các điều kiện kinh tế toàn cầu xấu đi do chiến tranh Nga-Ukraine, chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ và sự giảm tốc mang tính cơ cấu của nền kinh tế Trung Quốc.

Năm ngoái, WB dự báo kinh tế Malaysia tăng trưởng 5,8% trong năm 2022, so với mức tăng trưởng 3,1% đạt được trong năm 2021.

Dự báo trên của WB đối với kinh tế Malaysia vẫn cao hơn dự báo dành cho khu vực Đông Á-Thái Bình Dương nói chung. Định chế có trụ sở ở Washington dự báo GDP của Đông Á-Thái Bình Dương tăng 5% trong năm nay và có thể chỉ tăng 4%, so với mức dự báo tăng 5,4% đưa ra hồi tháng 10/2021.