Yêu cầu “thanh toán bằng Rúp” có thể dẫn tới cấm vận khí đốt Nga như thế nào?
Hiện tại, Nga vẫn đang thu về khoảng 1 tỷ Euro mỗi ngày từ việc bán năng lượng cho EU. Nếu châu Âu đáp ứng yêu cầu của Nga đòi các nước “không thân thiện” phải trả tiền mua khí đốt bằng đồng Rúp, thì chính châu Âu sẽ vi phạm các biện pháp trừng phạt của mình...
Liên minh châu Âu (EU) và Nga đang đứng trước khả năng kích hoạt một lệnh cấm vận không chính thức đối với khí đốt Nga, sau khi các luật sư của EU đưa ra một phát hiện sơ bộ cho thấy yêu cầu của Tổng thống Vladimir Putin về việc châu Âu phải thanh toán bằng đồng Rúp cho khí đốt mua từ Nga là một sự vi phạm các biện pháp trừng phạt mà EU áp lên Nga.
TRẢ BẰNG RÚP LÀ VI PHẠM TRỪNG PHẠT
Theo hãng tin Bloomberg, các quốc gia bao gồm Đức đang xem xét kỹ lưỡng đánh giá ban đầu nói trên của EU. Theo đánh giá này, nếu châu Âu đáp ứng yêu cầu của Nga đòi các nước “không thân thiện” phải trả tiền mua khí đốt Nga bằng đồng Rúp, thì chính châu Âu sẽ vi phạm các biện pháp trừng phạt mà họ đã triển khai đối với Nga nhằm trả đũa cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine.
Tuy nhiên, phía Nga vẫn có thể đưa ra những nội dung cụ thể hoá hoặc điều chỉnh sắc lệnh yêu cầu thanh toán bằng Rúp của Tổng thống Putin. Sự cụ thể hoá hay điều chỉnh như vậy có thể ảnh hưởng đến các bước đi tiếp theo của EU và các công ty năng lượng châu Âu.
Do mức độ phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga, châu Âu đến nay vẫn chưa đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào dầu thô và khí đốt của Nga. Trong gói trừng phạt thứ 5 và cũng là gói trừng phạt mới nhất đối với Moscow, EU ra quyết định tiến tới cấm nhập khẩu than từ Nga. Việc cắt giảm, tiến tới dừng nhập khẩu dầu Nga đang được khối này bàn thảo trong gói trừng phạt thứ 6.
Nếu châu Âu đáp ứng yêu cầu của Nga đòi các nước “không thân thiện” phải trả tiền mua khí đốt Nga bằng đồng Rúp, thì chính châu Âu sẽ vi phạm các biện pháp trừng phạt mà họ đã triển khai đối với Nga.
Hiện tại, Nga vẫn đang thu về khoảng 1 tỷ Euro mỗi ngày từ việc bán năng lượng cho EU. Nguồn thu này giúp Moscow chống chọi với những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây.
Nếu Nga thực hiện đúng lời cảnh báo là cắt cung cấp khí đối với những khách mua không trả bằng Rúp, đó sẽ là một mối đe doạ lớn đối với EU – khu vực với 40% tổng nhu cầu tiêu thụ khí đốt được đáp ứng bởi Nga. Khối này đang loay hoay tìm các nguồn cung năng lượng thay thế nhằm loại bỏ một đòn bẩy an ninh - chính trị quan trọng của Moscow. Tuy nhiên, việc chuyển đổi nguồn cung năng lượng đòi hỏi nhiều thời gian.
Theo một báo cáo mới đây do các viện nghiên cứu kinh tế của Đức phối hợp thực hiện, nước này có thể mất ngay lập tức 220 tỷ Euro, tương đương 238 tỷ USD, sản lượng kinh tế trong 2 năm tới nếu nguồn cung khí đốt Nga đột ngột bị cắt đứt. Con số này tương đương 6,5% sản lượng kinh tế hàng năm của Đức và có thể đẩy nước này vào một cuộc suy thoái kinh tế, với mức giảm hơn 2%, trong năm 2023.
Hôm 31/3, ông Putin ban hành sắc lệnh quy định rằng những nước “kém thân thiện” mua khí đốt Nga phải mở hai tài khoản tại ngân hàng Nga Gazprombank, gồm một tài khoản ngoại tệ và một tài khoản Rúp. Gazprombank sẽ thực hiện việc đổi tiền từ tài khoản ngoại tệ của khách hàng sang tài khoản Rúp trước khi chuyển tiền Rúp đó để thay mặt khách hàng thanh toán tiền mua khí đốt cho Gazprom PJSC – công ty khí đốt quốc doanh Nga.
Theo phân tích sơ bộ do các luật sư của Uỷ ban châu Âu (EC) thực hiện, việc thanh toán tiền mua khí đốt bằng hệ thống trên sẽ vi phạm lệnh trừng phạt của EU đối với Nga – nguồn thạo tin tiết lộ. Các luật sư của Hội đồng châu Âu cũng đồng tình với đánh giá này – một nguồn tin khác cho biết.
SỰ THẬN TRỌNG CỦA ĐỨC
Uỷ ban châu Âu là bộ phận giữ vai trò điều hành của EU, còn Hội đồng châu Âu là cơ quan gồm lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên EU.
EC đã chuyển phân tích này tới các quốc gia EU trong tuần trước, đồng thời yêu cầu các nước thành viên thông báo cho 150 công ty đang có hợp đồng mua khí đốt Nga – theo nguồn tin. EU cũng có kế hoạch cung cấp thêm hướng dẫn về tình hình thực tế để hỗ trợ các nước và doanh nghiệp năng lượng trong khối.
Trong tuần trước, Hà Lan - một thành viên của EU - đã yêu cầu các cơ quan năng lượng của nước này từ chối yêu cầu thanh toán bằng đồng Rúp mà phía Nga đưa ra. Cơ sở của yêu cầu này là phân tích pháp lý nói trên của EU.
Đức cùng với Áo và Hungary vẫn đang thận trọng với dự kiến của EU trong gói trừng phạt thứ 6 về cấm vận dầu lửa Nga. Ngoài ra, EU khó có thể đưa ra quyết định cuối cùng trong vấn đề này trước khi diễn ra vòng thứ hai của cuộc bầu cử ở Pháp vào ngày 24/4.
“Chính phủ Hà Lan nhất trí với kết luận của Uỷ ban châu Âu”, một phát ngôn viên của Bộ Các vấn đề kinh tế và chính sách năng lượng Hà Lan nói với Bloomberg. “Điều này có nghĩa là các công ty Hà Lan không được phép tuân thủ các điều khoản mà phía Nga đưa ra về thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng Rúp”.
Tỷ trọng của Hà Lan trong xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu là khá thấp. Hà Lan chỉ chiếm 4% tổng lượng khí đốt mà Gazprom bán cho châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ trong nửa đầu năm 2021.
Trong một cuộc trao đổi với trang Politico, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck thừa nhận về phân tích của EC và nói thêm: “Chúng tôi không thể cho phép bất kỳ sự vi phạm trừng phạt nào”. Tuy nhiên, ông Habeck không tiết lộ gì về việc Chính phủ Đức có đồng tình với đánh giá đó hay không, và cũng không cho biết Berlin sẽ hành động như thế nào.
Trong số các nước EU, Đức là quốc gia có mức độ phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga. Một nửa nhu cầu khí đốt và than của nước này được đáp ứng bởi Nga. Nguồn thạo tin nói rằng Đức cùng với Áo và Hungary vẫn đang thận trọng với dự kiến của EU trong gói trừng phạt thứ 6 về cấm vận dầu lửa Nga. Ngoài ra, EU khó có thể đưa ra quyết định cuối cùng trong vấn đề này trước khi diễn ra vòng thứ hai của cuộc bầu cử ở Pháp vào ngày 24/4.