11:00 14/03/2017

Malaysia thờ ơ với ý tưởng “TPP không Mỹ”

Bình Minh

“Sức hút lớn nhất đối với chúng tôi chính là Mỹ”, Bộ trưởng Bộ Thương mại Malaysia Mustapa Mohamed phát biểu về TPP

Một tàu chở hàng của Malaysia chuẩn bị cập cảng Mỹ - Ảnh: Bloomberg.<br>
Một tàu chở hàng của Malaysia chuẩn bị cập cảng Mỹ - Ảnh: Bloomberg.<br>
Những nỗ lực nhằm cứu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang gặp trở ngại bởi hứng thú suy giảm của một số quốc gia thành viên như Malaysia - hãng tin Bloomberg cho biết. Thực tế này khiến giới quan sát không đặt nhiều kỳ vọng vào một cuộc gặp quan chức đến từ các nước thành viên TPP dự kiến diễn ra tuần này ở Chile.

Chỉ vài ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức rút Mỹ khỏi TPP, thỏa thuận tự do mậu dịch gồm 12 quốc gia thành viên. Sau động thái này của Mỹ, một số nước tham gia TPP chuyển trọng tâm chú ý sang các thỏa thuận tự do thương mại song phương, hoặc một thỏa thuận tự do mậu dịch châu Á khác do Trung Quốc khởi xướng. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà Trung Quốc đưa ra ý tưởng gồm 16 quốc gia thành viên, không bao gồm Mỹ, chiếm gần 30% nền kinh tế và khoảng một nửa dân số của toàn thế giới.

“Sức hút lớn nhất đối với chúng tôi chính là Mỹ”, Bộ trưởng Bộ Thương mại Malaysia Mustapa Mohamed phát biểu về TPP trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào tuần trước ở Manila, Philippines. “Chúng tôi vẫn cởi mở, nhưng ‘trừ một’ [TPP không có Mỹ] sẽ là một điều khó đối với chúng tôi. Đó là lý do vì sao mà RCEP quan trọng đối với chúng tôi”.

Từ khi còn là ứng cử viên Tổng thống Mỹ, ông Trump đã chỉ trích mạnh TPP. Kể từ khi lên nắm quyền, ông đẩy mạnh khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết”, đe dọa trả đũa các quốc gia mà ông cho là khiến Mỹ mất việc làm. Sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ ở Mỹ đang tạo ra cho Trung Quốc một cơ hội để thúc đẩy tự do thương mại và gia tăng ảnh hưởng toàn cầu.

Australia hiện đang nỗ lực thúc đẩy một TPP không có Mỹ, với lập luận rằng các quốc gia đã mất quá nhiều năm để đàm phán thỏa thuận này và đã tiến gần đến chỗ hoàn thành thỏa thuận đến nỗi không thể để thỏa thuận đổ vỡ. Một số nước thành viên TPP sẽ tham dự một cuộc họp diễn ra vào ngày thứ Ba và thứ Tư tuần này ở Chile, nơi tương lai của TPP - thỏa thuận bao phủ 40% nền kinh tế toàn cầu - sẽ được bàn thảo.

Australia và New Zealand sẽ cử Bộ trưởng Bộ Thương mại tới cuộc họp ở Chile. Tuy nhiên, Malaysia cho biết sẽ chỉ cử đại sứ tới dự họp.

Trung Quốc đang cân nhắc khả năng tham dự cuộc họp, dù nước này không phải là một thành viên TPP. Trung Quốc vẫn đang thúc đẩy RCEP, nhưng nhiều người tỏ ra hoài nghi về tốc độ đàm phán thỏa thuận này. Theo dự kiến, vòng đàm phán RCEP tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 5 ở Philippines.

“Tôi không cho rằng RCEP sẽ sớm tiến triển. Rất khó để đạt tới sự nhất trí của tất cả các bên và việc này sẽ mất thời gian. Các thỏa thuận thương mại sẽ bị hoãn lại”, ông Rahul Bajoria, chuyên gia kinh tế cấp cao thuộc Barclays Plc ở Singapore, nhận xét.

TPP được đánh giá là một thỏa thuận giá trị cao với các điều khoản về quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước, các tiêu chuẩn về môi trường và lao động. RCEP cũng bao gồm những vấn đề như sở hữu trí tuệ, nhưng thỏa thuận này mang tính “truyền thống” hơn bởi tập trung nhiều vào vấn đề thuế quan.

Ông Mustapa, Bộ trưởng Bộ Thương mại Malaysia, cho biết Malaysia cũng đang thúc đẩy thỏa thuận tự do thương mại với các quốc gia khác. Với tư cách là một khối tự do thương mại, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang nỗ lực gỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan nhằm đẩy mạnh thương mại nội khối, ông Mustapa cho biết.

Vị Bộ trường nói rằng các nước Đông Nam Á đang lo ngại trước sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ ở Mỹ thời Tổng thống Trump.

“Chúng tôi đang đi theo con đường mở cửa kinh tế, mà giờ đây lại có một số nước chuyển sang bảo hộ. Chúng tôi không đồng tình với điều này. Chúng tôi tin vào sự mở cửa. ASEAN đã hưởng lợi từ sự mở cửa. Khi người ta tỏ ra hướng nội, thì chúng tôi lo ngại vì chúng tôi được lợi từ sự mở cửa”, ông nói.

Ông Mustapa cũng nói rằng giới chức ở Đông Nam Á lo ngại Trump sẽ không thân thiết với ASEAN như cựu Tổng thống Barack Obama. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Obama đã thúc đẩy chiến lược tái cân bằng kinh tế và an ninh về phía châu Á, như một phần trong nỗ lực tạo đối trọng với Trung Quốc.

“Có một số lo ngại là dưới thời Trump, ASEAN sẽ không có được sự chú ý như trước đây. Obama rất gần gũi với ASEAN”, ông Mustapa phát biểu.