Mía đường chịu cạnh tranh không công bằng: Nên đàm phán lại, hay "quyết đấu"?
"Nếu được hội nhập công bằng, chúng tôi sẽ "đuổi" đường Thái Lan về nước"
"Nếu được hội nhập công bằng, chúng tôi sẽ "đuổi" đường Thái Lan về nước". Đây là phát biểu của ông Đặng Việt Anh - một doanh nhân của ngành mía đường tại tọa đàm "Làm gì để ngành mía đường vượt bẫy hội nhập?", được tổ chức ngày 1/6.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, trong Hiệp định ATIGA, mía đường là ngành được phép thực thi sau cùng so với mọi mặt hàng khác, lộ trình dỡ bỏ thuế lẽ ra phải tiến hành từ tháng 1/2018.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã kiên trì vận động từng nước ASEAN, cuối cùng họ đã đồng ý cho chúng ta kéo dài đến 1/1/2020. Đến thời điểm đó, nếu chúng ta tiếp tục vi phạm cam kết, không chịu dỡ bỏ thuế và bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường, khả năng rất cao là các nước trong khu vực sẽ trừng phạt thương mại.
Ông Lê Hồng Thái, Phó chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ bày tỏ: "Chúng tôi rất bất bình, vì suốt nhiều năm nay hình thành định kiến là ngành mía đường Việt Nam dù được bảo hộ nhưng mãi không chịu lớn. Đã đến lúc dư luận cần có một cách nhìn khách quan hơn".
Ông Thái khẳng định, 10 năm qua ngành mía đường đã đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng để cải tiến máy móc công nghệ nhằm đón đầu hội nhập. Đến nay, hầu hết các nhà máy đường trong nước đều có nền tảng công nghệ, kỹ thuật tự động và đạt tầm quốc tế. Nói ngành mía đường Việt Nam yếu kém, nhưng trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, giá đường của chúng ta cạnh tranh hơn tất cả các quốc gia, ngoại trừ Thái Lan.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Mía đường, trong số 120 quốc gia sản xuất đường trên thế giới, hầu như tất cả các nước đều bảo hộ và trợ giá cho ngành mía đường, đặc biệt là Thái Lan. Chính sách về đường của nước này trực tiếp chỉ đạo khu vực canh tác, cho vay ưu đãi, trợ cấp đầu vào cho các nhà sản xuất, trợ cấp xuất khẩu...
Ông Thái cho rằng, trước khi ký Hiệp định thương mại, Bộ Công Thương đã không có đánh giá đầy đủ về ngành mía đường, nên đã ký những điều khoản gây bất lợi cho nông dân trồng mía. Tất cả nông dân trồng mía cùng kiến nghị dừng hội nhập, đề nghị Nhà nước đàm phán lại ATIGA về lĩnh vực mía đường.
Ông Thạch Phước Bình, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Trà Vinh, chia sẻ, tại Trà Vinh trước đây, đời sống của người dân và công ty mía đường phát triển rất tốt và đây là một trong ngành mũi nhọn của tỉnh. Tuy nhiên, gần đây giá mía giảm sâu khiến đời sống bà con vô cùng khó khăn, diện tích trồng mía từ 4.500ha đã giảm xuống còn 3.500ha. Hiện bà con nông dân nợ ngân hàng đầm đìa, nhiều hộ phải cầm cố đất đai, xảy ra tình trạng người dân bỏ mặc mía đường vì càng đầu tư càng lỗ.
TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược nông nghiệp nông thôn (Ipsard) cho rằng, trong đàm phán, nhiều nước bảo vệ nông nghiệp trước, họ bảo vệ tới cùng, còn Việt Nam thì không. Chúng ta bảo vệ công nghiệp chứ không bảo vệ nông nghiệp trên bàn đàm phán. Vì thời điểm đó, chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2020 phải trở thành nước công nghiệp. Nhưng đến giờ, phần lớn người dân vẫn phải sống bằng nông nghiệp. Khi trở về từ bàn đàm phán, nhiều nước bảo nông nghiệp Việt Nam sẽ không đứng vững khi phải thực hiện các hiệp định thương mại. Nhưng ngược lại, chúng ta đã đứng vững và vươn lên trở thành nước xuất khẩu nông sản hàng đầu.
"Tôi cho rằng hạ tầng cơ sở là cơ chế thị trường thì thượng tầng cũng phải là cơ chế thị trường. Với ngành mía đường, bây giờ Nhà nước phải tập trung cứu nông dân trước, rồi hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp chết thì ngân hàng chết, ngân hàng chết thì Nhà nước khó khăn", ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Mía đường MK cho hay, ngành mía đường cứ lo sợ sẽ thua Thái Lan, nhưng thực chất cách hội nhập của doanh nghiệp họ là gian lận thương mại. Giá thành sản xuất đường của Thái Lan không thấp hơn Việt Nam, nhưng Thái Lan trợ cấp cho nông dân, trợ cấp cho đường xuất khẩu, khiến giá đường xuất khẩu của họ thấp hơn giá thành sản xuất. Brazil đã có đủ bằng chứng về việc này, họ đã kiện ngành đường Thái Lan lên WTO.
Ông Đặng Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Mía đường Kontum, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Tuy Hoà, cho biết: "Khi chúng tôi đến tiếp quản là một nhà máy thua lỗ. Chúng tôi đã chủ động đầu tư giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật... cho bà con. Trước đây, năng suất trồng mía bình quân là 40 – 45 tấn/ha, hiện nay, năng suất đã đạt 70 tấn/ha tại các vùng sâu, vùng xa. Thời điểm tiếp quản có 2.000 ha đất trồng mía, thì hiện nay đã có hơn 10.000 ha trồng mía. Điều này lần nữa khẳng định sản xuất mía đường chúng ta không thua kém bất cứ nước nào khác. Nếu được hội nhập một cách công bằng thì chúng tôi sẽ "đuổi" đường Thái Lan về nước".
Chủ trì tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết vấn đề như Hiệp hội Mía đường đặt ra, với chương trình hành động của các cơ quan quản lý Nhà nước, song như các chuyên gia nói, từ chương trình tới cuộc sống còn độ trễ. "Cùng với Bộ chuyên ngành, chúng tôi sẽ nắm bắt tình hình, nghiên cứu, căn cứ vào đó khuyến nghị cho cơ quan quản lý Nhà nước", ông Kiên nói.