15:00 24/07/2009

Microsoft làm ăn “bết bát”

Kiều Oanh

Microsoft vừa trải qua năm tài khóa tệ chưa từng có kể từ khi trở thành công ty đại chúng vào năm 1986

Hệ điều hành Windows Vista bày bán tại siêu thị Best Buy tại Mountain View, Califonia, Mỹ - Ảnh: AP.
Hệ điều hành Windows Vista bày bán tại siêu thị Best Buy tại Mountain View, Califonia, Mỹ - Ảnh: AP.
Sau nhiều năm ròng chỉ biết tới những mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ấn tượng, Microsoft, “đại gia” số 1 trong làng công nghiệp phần mềm của thế giới, đã bị ghìm chân bởi suy thoái và những sai lầm do chính hãng gây ra.

Giảm và… giảm

Ngày 23/7, Microsoft cho biết, hãng vừa trải qua năm tài khóa tệ chưa từng có kể từ khi trở thành công ty đại chúng vào năm 1986. Trong đó, lợi nhuận quý 2/2009 của Microsoft đã lao dốc mạnh mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Tệ hơn nữa, tổng doanh thu trong năm tài khóa vừa kết thúc của Microsoft đã lần đầu tiên sụt giảm trong lịch sử 34 năm của hãng.

Trong quý 2/2009, tức là quý cuối cùng của năm tài khóa kết thúc vào ngày 30/6/2009, lợi nhuận ròng của Microsoft chỉ đạt có 3,05 tỷ USD, tương đương 0,34 USD/cổ phiếu. Mức lợi nhuận này đã giảm 29% so với mức 4,30 tỷ USD, tương đương 0,46 USD/cổ phiếu, mà Microsoft đạt được cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu quý 2/2009 của Microsoft cũng không đạt tới mức mong đợi của giới quan sát. Trong quý, hãng đạt doanh thu 13,10 tỷ USD, thấp hơn 1,27 tỷ USD so với dự báo trước đó, đồng thời giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu quý giảm thứ hai liên tục.

Tất cả các bộ phận của Microsoft trong quý 2 vừa qua đều chứng kiến sự giảm sút doanh thu và lợi nhuận. Trong đó, tệ nhất là doanh thu của bộ phận hệ điều hành Windows - sản phẩm hàng đầu và tưởng chừng là “bất khả chiến bại” của Microsoft - đã giảm 29% trong quý, chỉ còn 3,1 tỷ USD. Lợi nhuận của bộ phận này giảm 33% trong quý 2.

Doanh thu ở mảng doanh nghiệp, bao gồm bộ phần mềm Office, giảm 13% trong quý, còn 4,56 tỷ USD. Ở mảng phần mềm máy chủ, doanh thu giảm 6%, xuống còn 3,5 tỷ USD. Mảng giải trí, với máy chơi game Xbox, chứng kiến doanh thu giảm tới 25% trong quý 2, còn có 1,2 tỷ USD.

Tính chung cả năm tài khóa kết thúc vào cuối quý 2 vừa qua, doanh thu của Microsoft giảm 3% so với năm trước, còn 58,44 tỷ USD, khép lại năm suy giảm lần đầu tiên kể từ ngày thành lập hãng. Lợi nhuận ròng giảm tới 18%, còn 14,57 tỷ USD.

“Rõ ràng là Microsoft không hề miễn nhiễm với sự suy giảm tăng trưởng kinh tế”, nhà phân tích thị trường phần mềm Brendan Barnicle thuộc công ty chứng khoán Pacific Crest Securities nhận định. Thông tin doanh thu và lợi đáng buồn trên đã kéo giá cổ phiếu của Microsoft giảm giá tới trên 7% còn chưa đầy 24 USD/cổ phiếu trong phiên giao dịch điện tử ngày 23/7 trên thị trường chứng khoán Phố Wall.

Những lý do

Thời gian qua, nhiều công ty hàng đầu có liên quan tới ngành công nghiệp sản xuất máy tính cá nhân đã chứng kiên doanh thu “bốc hơi” tới 1/4 do các khách hàng, đặc biệt là đối tượng khách hàng doanh nghiệp, hạn chế sắm máy tính mới.

Trong khi đó, đóng góp phần nhiều vào doanh thu của Microsoft lại là hoạt động bán phầm mềm Windows cho các máy tính doanh nghiệp, thay vì máy tính hướng vào đối tượng người tiêu dùng. Một khi các doanh nghiệp bắt đầu tăng mua máy tính trở lại, doanh thu và lợi nhuận của Microsoft chắc chắn sẽ tăng.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế suy yếu không phải là lý do duy nhất khiến Microsoft lâm vào cảnh "thất bát”. Hệ điều hành Windows Vista mà Microsoft quảng cáo rầm rộ vào năm 2007 với tư cách là sản phẩm quan trọng nhất trong lịch sử của hãng đã không thu hút được nhiều khách hàng là doanh nghiệp như mong đợi, do những vấn đề về tính tương thích và tốc độ.

Theo một nghiên cứu của hãng Forrester Research, 86% số máy tính doanh nghiệp hiện vẫn chạy trên hệ điều hành Windows XP ra đời cách đây 8 năm. Thêm vào đó, lợi nhuận của bộ phận Windows còn suy giảm do người tiêu dùng ngày càng thích thú hơn với những chiếc máy tính xách tay nhỏ gọn, giá rẻ với tên gọi netbook, chạy bằng Windows XP - hệ điều hành có giá mềm hơn Windows Vista.

Đầu tháng 7 này, “gã khổng lồ” tìm kiếm trực tuyến Google đã công bố kế hoạch đối đầu trực tiếp với Windows bằng hệ điều hành mang tên Chrome. Động thái này của Google đã được các hãng sản xuất máy tính cá nhân lớn hoan nghênh nhiệt liệt, và qua đó càng gây thêm áp lực phải giảm giá Windows đối với Microsoft.

Vấn đề lớn đang đeo đẳng Microsoft lúc này là liệu doanh thu từ những dòng sản phẩm lâu năm như Windows và Office sẽ tăng trở lại và cung cấp “năng lượng” cho hãng trong việc đột phá vào những lĩnh vực mới như tìm kiếm trên mạng, phần mềm di động và ứng dụng trực tuyến.

Microsoft bớt “mạnh mồm”

Sau loạt báo cáo kết quả kinh doanh với mức lợi nhuận sáng láng của nhiều hãng công nghệ hàng đầu như Apple hay Intel, kết quả kinh doanh đáng buồn này của Microsoft đe dọa phá hỏng sự lạc quan của thị trường về sự khởi sắc trong hoạt động chi tiêu vào công nghệ. “Như thể Microsoft đã phá hỏng một bữa tiệc vậy”, ông Brent Thill, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường phần mềm của Citigroup, nói.

Trên thực tế, Giám đốc điều hành (CEO) Steven Ballmer của Microsoft thời gian gần đây đã liên tục cảnh báo không nên kỳ vọng về sự tăng trưởng mạnh trở lại của hoạt động chi tiêu vào công nghệ khi kinh tế phục hồi. Ông cho rằng, một ngưỡng cản thấp đã được thiết lập cho hoạt động chi tiêu này, và các công ty trong lĩnh vực công nghệ cần điều chỉnh để thích nghi.

Với quan điểm này, cộng thêm với những bước tiến chưa thành công gần đây, đã khiến Ballmer tỏ ra thận trọng hơn trong những tuyên bố của mình. Khi nói về khả năng thúc đẩy gia tăng doanh số máy tính và phần mềm của hệ điều hành Windows 7 - dự kiến được công bố vào tháng 10 tới - ông Ballmer chỉ nói: “Có thể có, mà cũng có thể không”.

“Họ muốn kiềm chế những kỳ vọng vào Windows 7. Họ muốn giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát cho tới khi triển vọng kinh tế trở nên tốt đẹp hơn”, ông Israel Hernandez, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường phần mềm tại Barclays Capital, nhận xét.

Những tuyên bố “mạnh mồm” nhất trong thời gian gần đây của CEO Ballmer đều xoay quanh khả năng “chịu chi” của Microsoft. Ballmer khẳng định, Microsoft sẽ tiếp tục đổ tiền vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển cho tới khi đạt kỳ vọng ở các mảng tìm kiếm, phần mềm di động và phần mềm ảo hóa. Hiện Microsoft vẫn chi gần 10 tỷ USD mỗi năm cho nghiên cứu, nhiều hơn so với bất kỳ một hãng công nghệ nào khác.

Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn cho rằng, dù sao, Microsoft đã chống chọi đủ tốt với suy thoái kinh tế, vì chí ít, hãng đã làm ăn có lãi ở thời điểm mà các doanh nghiệp nghĩ tới chuyện lỗ nhiều hơn. Và cũng chính trong lần suy thoái này, Microsoft đã sa thải hàng ngàn nhân viên và cắt giảm chi phí mạnh hơn bình thường.

“Theo tôi, Microsoft đã trở thành một công ty mạnh hơn ở thời điểm cách đây một năm”, Giám đốc tài chính (CFO) Chris Liddell của Microsoft tuyên bố.

(Theo New York Times, Business Week)