"Miền Trung hoàn toàn có thể đi nhanh, đi đầu về kinh tế số"
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các tỉnh miền Trung hoàn toàn có thể đi trước, đi đầu, đi nhanh hơn về kinh tế số, xã hội số
Phát biểu tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung diễn ra hôm nay (20/8), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra những đề xuất cụ thể để hiến kế cho sự phát triển của kinh tế miền Trung.
Bộ trưởng cho rằng, các tỉnh miền Trung có lợi thế lớn nhất là nhân lực cần cù, ham học, học giỏi và có ý chí vươn lên. Chính nắng lửa gió cát và khó khăn đã cho miền Trung một tài nguyên vô giá đó chính là con người kiên cường.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cuộc cách mạng về công nghệ, nhất là công nghệ số, cái quyết định không phải máy móc mà là trí tuệ con người. Các tỉnh miền Trung rất phù hợp để xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển, các trung tâm phát triển công nghệ 4.0.
Bởi vậy tập trung cho đào tạo từ phổ thông đến đại học, khơi dậy tinh thần ham học, kêu gọi các tập đoàn, tổng công ty tới đây đầu tư, nghiên cứu phát triển có thể sẽ là con đường đi căn cơ cho miền Trung. Với các trường đại học chất lượng cao, miền Trung sẽ là nhân tố quan trọng.
Thứ hai, hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin là nền tảng của kinh tế số và xã hội số, do vậy cần được đầu tư đi trước. Các tỉnh miền Trung lại càng phải dựa vào đó để giải quyết các vấn đề của mình và để phát triển.
Đầu tư hạ tầng số chỉ khoảng 1/10 - 1/20 so với hạ tầng giao thông. Muốn làm trung tâm phát triển công nghệ thì điều kiện tiên quyết là hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin.
Các tỉnh miền Trung sẽ đi đầu về viễn thông và công nghệ thông tin. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo xây dựng miền Trung thành một "Hub" về ICT kết nối công nghệ, Bộ trưởng khẳng định.
Thứ ba, chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số, đô thị thông minh tiến tới xã hội số, chuyển đổi số tiến tới nền kinh tế số, xã hội số. Do đó, các tỉnh miền Trung hoàn toàn có thể đi trước, đi đầu, đi nhanh hơn về các nội dung trên và chỉ có như vậy, các tỉnh miền Trung mới bứt phá lên được.
Bộ trưởng lấy ví dụ, tỉnh làm đô thị thông minh và đạt kết quả tốt nhất đến thời điểm hiện tại là một tỉnh miền Trung: Thừa Thiên Huế. Các tỉnh miền Trung nên học hỏi nhau về các mô hình thành công.
Thứ tư, cuộc cách mạng 4.0 còn là cuộc cách mạng về chính sách và thể chế. Rất nhiều mô hình kinh doanh, mô hình quản trị mới xuất hiện. Các tỉnh miền Trung không có nhiều thứ để mất, vì vậy có thể chấp nhận cái mới nhanh hơn.
Chấp nhận cái mới thì nhân tài công nghệ, doanh nghiệp công nghệ sẽ về miền Trung. Đổi mới sáng tạo về cả công nghệ, về mô hình kinh doanh, mô hình quản trị sẽ giúp miền Trung bứt phá. Với thị trường 20 triệu dân đủ lớn để là cái nôi phát triển công nghệ mới, sản phẩm mới.
Cuối cùng, theo Bộ trưởng, chuyển đổi số sẽ cần rất nhiều doanh nghiệp công nghệ địa phương. Quy mô không cần lớn để tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, triển khai công nghệ, đưa công nghệ ứng dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội từ trung tâm thành phố tới các bản làng. Bởi vậy các tỉnh miền Trung nên có kế hoạch phát triển các doanh nghiệp công nghệ. Cứ 1.000 người dân thì phải có 1 doanh nghiệp công nghệ địa phương.