Mirae Asset: Áp lực chốt lời nhóm vốn hoá lớn, Vn-Index có thể điều chỉnh ngắn hạn
Thị trường có thể điều chỉnh trong ngắn hạn do áp lực chốt lời sau khi VnIndexnđã tăng 4 tháng liên tiếp, đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa lớn đã có mức tăng vượt trội hơn so với thị trường chung và đang ở mức đỉnh lịch sử...
Báo cáo cập nhật triển vọng thị trường chứng khoán tháng 6/2021, Chứng khoán Mirae Asset nhấn mạnh, với đà tăng giá mạnh mẽ, sự lạc quan của thị trường và sự gia tăng thanh khoản đáng kể, kịch bản lạc quan nhất là VnIndex sẽ chinh phục ngưỡng 1.500 điểm trong năm nay. Cả phương pháp so sánh tương đối với các thị trường khác và thống kê lịch sử đều cho thấy mức định giá hiện tại của thị trường vẫn chưa “đắt”, do đó ủng hộ cho khả năng xảy ra kịch bản lạc quan này.
Tuy nhiên, thị trường có thể điều chỉnh trong ngắn hạn do áp lực chốt lời sau khi thị trường đã tăng 4 tháng liên tiếp (VN-Index tăng 26%), đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa lớn đã có mức tăng vượt trội hơn so với thị trường chung và đang ở mức đỉnh lịch sử.
Cụ thể, định giá theo phương pháp thống kê lịch sử, hiện tại, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 18 lần, đang nằm trong vùng từ đường trung bình cộng 1 độ lệch chuẩn lên 2 độ lệch chuẩn. Xem xét vùng đỉnh định giá trước đó được thiết lập vào tháng 4/2018 là tại mức P/E 22 lần, mức định giá hiện tại vẫn thấp hơn 21%. Thị trường chưa tạo đỉnh tại mức định giá này.
Đối với các thị trường khác, Singapore, Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines đang có mức định giá P/E vượt khỏi vùng định giá P/E trung bình 10 năm cộng 2 độ lệch chuẩn.
Thêm vào đó, mức định giá sẽ giảm với triển vọng tăng trưởng EPS lạc quan. Theo dữ liệu thống kê của Bloomberg về mức kỳ vọng tăng trưởng EPS năm 2021, mức dự báo đã được tăng lên đáng kể từ mức 28% vào cuối tháng 4 lên 30%. Điều đó cho thấy sự lạc quan của thị trường; trong khi đó, Mirae Asset vẫn thận trọng giữ mức dự phóng là 28%. Đáng chú ý, Ngân hàng, Nguyên vật liệu, và Bất động sản lần lượt là 3 nhóm ngành có đóng góp chính cho mức tăng trưởng của EPS chung toàn thị trường.
So sánh kỳ vọng của thị trường đối với nhiều thị trường trong khu vực và trên thế giới: Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam được kỳ vọng có mức tăng trưởng EPS vượt trội hơn trong năm 2021.
Với phương pháp định giá tương đối, đóng cửa cuối tháng 5 tại mức cao mới, VN-Index đã tăng hơn 20% kể từ đầu năm, vượt trội hơn hết so với nhiều thị trường khác như Đài Loan (+16%), Mỹ (+12%), Hàn Quốc (+11,5%), Singapore (11%), Thái Lan (+10%). Bên cạnh đó, chỉ số MSCI các thị trường phát triển tăng 12%, các thị trường mới nổi tăng 11%, các thị trường cận biên tăng 5%. Với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) vượt trội và tiềm tăng trưởng EPS cao, VN-Index lại đang được đinh giá trong vùng hấp dẫn.
Khả năng VnIndex chinh phục mốc 1.500 điểm theo Mirae Asset còn đến từ động lực chính như: Sự lạc quan của nhà đầu tư về khả năng kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, các gói hỗ trợ tài khóa, tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của doanh nghiệp không bị ảnh hưởng đáng kể bởi dịch bệnh; Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, kỳ vọng nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư sẽ chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán (có thể quan sát thông qua lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân); nhờ đó, thanh khoản trên thị trường sẽ tiếp tục dồi dào.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất ngân hàng thấp giúp kích thích tăng trưởng thông qua kích thích đầu tư, khôi phục sản xuất với chi phí vốn thấp hơn và thoái vốn nhà nước được thúc đẩy; câu chuyện nâng hạng thị trường lên nhóm các thị trường mới nổi…
Tuy vậy, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, với mức độ lây lan trên diện rộng. Do vậy, thời gian kiểm soát được dịch bệnh càng chậm, rủi ro đôi với nền kinh tế chung và thị trường chứng khoán nói riêng càng gia tăng. Trong kịch bản xấu, giãn cách xã hội phải kéo dài đến hết tháng 6, kết quả kinh doanh quý 2 của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng xấu.