Mở đường cho trái phiếu doanh nghiệp giao thông
Trong trường hợp các doanh nghiệp BOT phát hành kỳ hạn trái phiếu trên 10 năm cũng có thể được các quỹ đầu tư nước ngoài xem xét. Tuy nhiên, bên cạnh tính khả thi của dự án, doanh nghiệp cần có năng lực tài chính, danh tiếng, kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng, quy mô vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của doanh nghiệp phải hàng nghìn tỷ đồng trở lên....
Phát biểu tại Đối thoại chuyên đề: "Giải pháp đầu tư đường bộ cao tốc - Lựa chọn kênh tiếp cận" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 25/10/2021, ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc Ban Tài trợ dự án, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), thừa nhận rằng nhu cầu vốn cho các dự án BOT giao thông rất lớn, lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong khi việc tiếp cận tín dụng ngân hàng ngày càng khó khăn. Do đó, doanh nghiệp giao thông cần tìm đến các nguồn vốn khác, đặc biệt là vốn từ trái phiếu doanh nghiệp.
Đại diện đến từ BIDV đánh giá, doanh nghiệp BOT giao thông phát hành trái phiếu sẽ có nhiều mặt thuận lợi để thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư chuyên nghiệp như: kênh sinh lời ổn định và dài hạn; một trong những lĩnh vực được Nhà nước khuyến khích, tạo nhiều cơ tốt để phát triển...
Ngược lại, ông Hưng cũng chỉ ra một số điểm khó khăn vướng mắc cùng các kiến nghị mở đường cho trái phiếu giao thông. Điển hình là việc bất tương xứng giữa kỳ hạn phát hành trái phiếu với thời gian thu hồi vốn của dự án BOT.
Cụ thể, thời gian hoàn vốn dự kiến của dự án BOT thường kéo dài từ 15-20 năm hoặc hơn nữa. Còn trái phiếu đang được ưa chuộng thường có kỳ hạn 7 năm đối với ngân hàng và 5 năm đối với nhóm doanh nghiệp khác.
Trong trường hợp các doanh nghiệp BOT phát hành kỳ hạn trái phiếu trên 10 năm cũng có thể được các quỹ đầu tư nước ngoài xem xét. Tuy nhiên, bên cạnh tính khả thi của dự án, oanh nghiệp cần có năng lực tài chính, có danh tiếng, có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng, quy mô vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của doanh nghiệp phải hàng nghìn tỷ đồng trở lên.
"Về các điều kiện trên, theo tôi, các doanh nghiệp tham gia đầu tư BOT hiện nay chưa có năng lực tài chính mạnh. Do đó, Chính phủ cần có cơ chế, cần một quỹ đầu tư hạ tầng cùng tham gia vào dự án. Từ đấy, việc thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp trong và ngoài nước tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn", ông Hưng nói.
Đồng thời, ông Hưng nhấn mạnh rằng, bản chất của phát hành trái phiếu doanh nghiệp giống như việc đi vay vốn ngân hàng, cũng theo nguyên tắc phải hoàn trả gốc và lãi trong một thời hạn định trước. Thế nhưng trong thời gian qua, các khó khăn vướng mắc về phương án tài chính của doanh nghiệp BOT chưa được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tìm cách giải quyết tháo gỡ một cách thỏa đáng.
"Vì vậy, để mà có thể thu hút được việc mua trái phiếu thì các cơ quan Nhà nước cần phải xem xét giải quyết các vấn đề mà đang tồn đọng mà các doanh nghiệp BOT đang kiến nghị", ông Hưng chia sẻ.
Ngoài ra, doanh nghiệp BOT phát hành trái phiếu còn bị cản trở ở vấn đề chính sách. Bởi lẽ, theo Nghị định 28 của Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính cho dự án đầu tư theo phương án PPP, doanh nghiệp dự án PPP chỉ được phát hành trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi. Hiểu đơn giản, doanh nghiệp chỉ được phát hành trái phiếu trong một phạm vi hẹp, cho một đối tượng nhà đầu tư nhất định và không được phép chuyển đổi trái phiếu thành vốn cổ phần. Điều này sẽ làm mất tính hấp dẫn của trái phiếu, giảm khả năng phát hành thành công.
Riêng với trái phiếu công trình, ông Nguyễn Quốc Hưng cho hay, do đặc điểm kỳ hạn trên 10 năm, muốn huy động nguồn vốn từ dân thông qua trái phiếu này thì cần có bảo lãnh của các cơ quan chức năng hoặc Nhà nước tham vào việc chia sẻ doanh thu theo luật PPP mới.
"Cao tốc Bắc - Nam mặc dù đang được triển khai nhưng vì có chủ trương đầu tư từ trước khi PPP ra đời nên không được áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu. Dẫn tới việc, doanh nghiệp có phát hành trái phiếu công trình đối với các dự án các dự án BOT Bắc - Nam thì cũng chưa chắc nhà đầu tư cá nhân đã tham gia mạnh mẽ. Vì vậy, tôi kiến nghị Chính phủ xem xét áp dụng luật PPP cho cả dự án mà cao tốc đã có chủ trương quyết định trước cái thời điểm luật PPP ra đời", ông Nguyễn Quốc Hưng kiến nghị.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra nước ngoài thì cần công khai minh bạch, tạo niềm tin của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, kết quả xếp hạng tín nhiệm sẽ là cơ sở cho các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá thương vụ. "Ví dụ như ở Tập đoàn Điện lực, trước đây được vay vốn ODA rất nhiều, nhưng khi Chính phủ tính ODA vào trần nợ công thì tập đoàn này buộc phải tích cực huy động nguồn vốn nước ngoài thông qua trái phiếu. Và muốn huy động được rất cần các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá", ông Bắc diễn giải.
Với tình trạng doanh nghiệp BOT hiện nay, thường là một pháp nhân mới và chưa có lịch sử hoạt động trong một thời gian dài, theo ông Bắc, đây là một điểm khó.
"Giải quyết bài toán này, chúng ta có thể thành lập ra những pháp nhân có vốn điều lệ lớn, bằng cách là huy động nhiều nhà đầu tư nhỏ góp vốn. Bởi vì luật PPP không hạn chế số lượng nhà đầu tư góp vốn để thành lập đến doanh nghiệp dự án", đại diện Vụ Tín dụng nêu quan điểm.