08:05 19/10/2018

Mở ngân hàng 100% vốn tại Lào, cơ hội nào cho Vietcombank?

Hoàng Vũ

Ngân hàng con 100% vốn đầu tiên ở nước ngoài của Vietcombank chính thức khai trương tại Lào

Trụ sở Vietcombank Lào tại Thủ đô Viêng Chăn.
Trụ sở Vietcombank Lào tại Thủ đô Viêng Chăn.

Ngày 19/10, hơn một năm sau khi có chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) chính thức khai trương ngân hàng con 100% vốn tại Lào.

Trong 55 năm hoạt động, Vietcombank đã thiết lập sự hiện diện tại một số thị trường tài chính lớn trên thế giới, như văn phòng đại diện tại Paris (Pháp), Moscow (Nga), Singapore và Công ty Tài chính VINAFICO tại Hồng Kông.

Tại Lào, với ngân hàng con 100% vốn, đây mới là lần đầu tiên Vietcombank thiết lập hoạt động kinh doanh trực tiếp một cách tương đối đầy đủ và toàn diện tại một thị trường nước ngoài.

Theo Vietcombank, sự kiện này là bước chuyển mình trong mục tiêu đến năm 2020 đưa Vietcombank trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam; một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực; một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới và được quản trị theo các thông lệ quốc tế tốt nhất.

Vì sao chọn thị trường Lào?

Về câu hỏi trên, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Vietcombank kiêm Chủ tịch Ngân hàng TNHH một thành viên Ngoại thương Việt Nam tại Lào (Vietcombank Lào) đưa ra những lý giải.

Thứ nhất, nhìn trên góc độ ngoại giao, quan hệ hữu nghị Việt - Lào là mối quan hệ truyền thống, đoàn kết và hợp tác toàn diện từ lịch sử tới hiện tại giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn có những chủ trương và sử dụng tối đa nguồn lực có thể để hỗ trợ Lào trong công cuộc phát triển. Là một định chế tài chính lớn của Việt Nam, Vietcombank nhận thức rõ ràng trách nhiệm trong việc triển khai các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Đây là một trong những lý do để Vietcombank lựa chọn Lào là thị trường gần gũi, có quan hệ tốt đẹp để "xuất ngoại".

Thứ hai, nhìn trên góc độ địa lý, Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng, có đường biên giới dài khoảng 2.340 km, trải dài suốt 10 tỉnh của Việt Nam, giao thông đi lại khá tiện lợi giúp cho việc giao thương giữa hai thị trường dễ dàng.

Đồng thời Lào cũng là cửa ngõ quan trọng để thâm nhập vào thị trường của hơn 150 triệu dân tiểu vùng Mekong.

Thứ ba, nhìn trên góc độ kinh tế, Lào là một nước khá ổn định và đang phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao trong nhiều năm (tăng trưởng GDP trung bình 2013 - 2017 đạt 7,4%), thu nhập bình quân đầu người của Lào đến năm 2017 đạt 2.472USD/người.

Về lạm phát, theo Ngân hàng Trung ương Lào, trong ba năm gần đây nhất lạm phát của Lào ở mức dưới 1,6%.

Đồng thời đây cũng là quốc gia có tiềm năng lớn về khoáng sản, thủy điện, nông lâm nghiệp, cộng với nguồn lao động dồi dào, nhu cầu về vốn và các dịch vụ tài chính để phát triển kinh tế lớn.

"Việc nhanh chóng tham gia vào thị trường Lào sẽ góp phần đáp ứng được các nhu cầu trên và là một cơ hội đầu tư đầy tiềm năng, triển vọng đối với Vietcombank", ông Phạm Mạnh Thắng nói.

Thứ tư, nhìn trên góc độ tài chính ngân hàng, thị trường tài chính Lào hiện đang ở giai đoạn đầu của bước phát triển mới; thị trường vốn đã bắt đầu định hình và thị trường chứng khoán vừa chính thức hoạt động.

Đặc điểm của những thị trường mới khởi đầu đó được Vietcombank nhìn nhận là cơ hội mới để cung cấp các gói dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào, cũng như các doanh nghiệp tại Lào.

"Như vậy có thể nói xét về các phương diện ngoại giao, địa lý, thị trường, Lào là một đất nước phù hợp để chúng tôi lựa chọn mở rộng hoạt động kinh doanh phù hợp với chiến lược và tầm nhìn đến năm 2020 của Vietcombank", Chủ tịch Vietcombank Lào nhấn mạnh lại giá trị của cơ hội.

"Sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường"

Cơ hội mới, nhưng tại Lào, Vietcombank sẽ phải cạnh tranh với nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam đã đi trước một bước.

Tại thị trường này, nhiều năm qua, những nhà băng của Việt Nam như BIDV và VietinBank đã có thâm niên hoạt động trực tiếp và kinh doanh đầy đủ. Ngoài ra còn có những ngân hàng thương mại cổ phần năng động như SHB, Sacombank, MBBank.

Ông Phạm Mạnh Thắng cũng thừa nhận, sự cạnh tranh trong chính nội bộ các ngân hàng của Việt Nam tại Lào là khá lớn trong tương lai. Mặc dù Vietcombank đã khẳng định được vị thế thị trường trong nước, tuy nhiên đối với một thị trường mới là Lào thì việc triển khai quảng bá thương hiệu, cung cấp dịch vụ, tìm kiếm và chăm sóc khách hàng sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, ở đây, tất cả với Vietcombank mới chỉ khởi đầu, nhiều công đoạn mới chỉ bắt đầu hình thành như cơ sở hạ tầng, nhân lực, hệ thống công nghệ, mạng lưới bán hàng…

"Thách thức lớn nhất của Vietcombank trong quá trình triển khai là vấn đề thời gian, khi một mặt chúng tôi phải hoàn thiện bộ máy, cơ sở hạ tầng, vật chất, mặt khác phải đẩy nhanh quá trình này để có thể cung cấp dịch vụ đến khách hàng tại Lào nhanh nhất. Vietcombank đang chậm chân so với các ngân hàng của Việt Nam chứ chưa nói đến các ngân hàng nội địa của nước bạn", ông Thắng nhìn nhận.

Về đặc điểm thị trường, thách thức khác cũng đặt ra với Vietcombank, từ hệ thống luật pháp của Lào còn đang hoàn thiện; nền kinh tế dựa nhiều vào nông nghiệp và tài nguyên cùng các khoản đầu tư tài trợ từ nước ngoài.

Về hệ thống tín dụng, các ngân hàng thương mại quốc doanh Lào đóng vai trò quan trọng và chiếm thị phần lớn. Các hoạt động trên thị trường 1, thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) chỉ ở mức sơ khai với chỉ vài ngân hàng tham gia giao dịch nhỏ lẻ. Hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ ngân hàng còn ở mức chưa cao, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng mới chỉ trong giai đoạn thử nghiệm.

Dù vậy, tại thị trường mới này, Vietcombank có những "lung vốn" cần thiết để nhập cuộc, thậm chí sẽ sớm chiếm lĩnh thị trường như mục tiêu đặt ra.

Trước hết, bản thân Vietcombank là ngân hàng thương mại lớn tại Việt Nam, đã có những kinh nghiệm, những bài học trong bề dày 55 năm hoạt động. Những hệ thống đã sẵn có, những quy trình đã được xây dựng chuẩn, các sản phẩm dịch vụ đã được khẳng định trên thị trường Việt Nam là thuận lợi để nhanh chóng triển khai cho thị trường Lào.

Ông Thắng cũng cho biết, với việc thành lập ngân hàng con 100% vốn tại Lào, Vietcombank có thể tận dụng mạng lưới khách hàng hiện có với khoảng 40 doanh nghiệp với 46 dự án đầu tư sang Lào (có tổng quy mô vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD) đang có quan hệ tín dụng với Vietcombank.

Tựu trung, Vietcombank Lào được thừa hưởng uy tín và thương hiệu, nền tảng hạ tầng công nghệ, sản phẩm dịch vụ, hệ thống quản lý rủi ro, giám sát hoạt động từ ngân hàng mẹ.

Ông Thắng cho biết, nhằm mục đích tạo sức cạnh tranh với các ngân hàng khác, dự kiến Vietcombank Lào sẽ tập trung khai thác và phục vụ các đối tượng khách hàng có mối quan hệ vững chắc với ngân hàng mẹ tại Việt Nam. Đồng thời, không ngừng nghiên cứu đổi mới sản phẩm dịch vụ đảm bảo thích ứng và phù hợp với môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân tại Lào.

"Tận dụng tối đa sự hỗ trợ nguồn lực và mối quan hệ của Vietcombank tại Việt Nam, chúng tôi mong muốn Vietcombank Lào sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và khẳng định vị thế dẫn đầu tại các thị trường Vietcombank hiện diện", Chủ tịch Vietcombank Lào nói.