Mở rộng cơ hội hợp tác giáo dục giữa Việt Nam – Hoa Kỳ
Đã có 10 thỏa thuận hợp tác được trao giữa đại diện cơ quan quản lý giáo dục, đại diện các cơ sở giáo dục, tập đoàn giáo dục hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ...
Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ diễn ra tại Hoa Kỳ vào chiều 21/9, nằm trong khuôn khổ chuyến công tác của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam tới Hoa Kỳ.
Diễn đàn có sự tham dự có hơn 150 đại biểu là các nhà quản lý giáo dục, đại diện cơ sở giáo dục, tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục của hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, giáo dục đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mọi quốc gia, mọi dân tộc trong mọi thời đại. Giáo dục phát triển đem lại sự phát triển con người của các quốc gia; tạo ra nguồn nhân lực có trình độ đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế của mỗi nước.
Thấu hiểu điều này, thời gian qua, Việt Nam coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục được xác định đóng vai trò là một trong 3 khâu đột phá để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Chia sẻ Việt Nam đã tích cực thúc đẩy hợp tác giáo dục với hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế như SEAMEO, ASEAN, ASEM, APEC, UNESCO, UNICEF..., Bộ trưởng thông tin, tính đến nay, Việt Nam đã thu hút được khoảng 500 dự án hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, với tổng số vốn đầu tư trên 4 tỉ USD.
Đã có hơn 600 chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam với các cơ sở giáo dục đại học của các nước, trong đó có 50 chương trình liên kết đào tạo với Hoa Kỳ.
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, có khoảng hơn 20.000 du học sinh nước ngoài học tập tại các trường đại học của Việt Nam và gần 200.000 du học sinh Việt Nam học tập tại nước ngoài. Trong đó, tại Hoa Kỳ có gần 30.000 du học sinh, đứng đầu trong các quốc gia, lãnh thổ mà du học sinh Việt Nam lựa chọn học tập.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết, để thực hiện mục tiêu tạo bước chuyển mạnh mẽ về phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam xác định cần tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục, đẩy mạnh thu hút đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam.
Vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật giáo dục đại học sửa đổi bổ sung năm 2018 và Luật giáo dục năm 2019. Hai Luật này là tiền đề để thúc đẩy hợp tác và đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đã được tự chủ rất cao về hợp tác quốc tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định quy định về hợp tác và đầu tư với nước ngoài - mở ra nhiều cơ hội để các đối tác nước ngoài hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục. Ví dụ như việc thành lập phân hiệu cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam, việc các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế hoạt động tại Việt Nam...
Riêng về hợp tác giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ, Bộ trưởng nhận định: Hoa Kỳ là đất nước có nền giáo dục phát triển, có nhiều trường đại học có chỉ số xếp hạng cao. Trong những năm qua, chúng ta chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ hợp tác giữa các trường đại học Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu.
Chính phủ Hoa Kỳ đã dành cho Việt Nam hàng trăm suất học bổng đại học và sau đại học thông qua Qũy VEF, hỗ trợ nâng cao năng lực tiếng Anh thông qua các chương trình Fellowship và Fulbright, hỗ trợ thiết thực nhằm tăng cường năng lực giáo dục đại học thông qua các dự án BUILT-IT, FURTHER do Cơ quan phát triển quốc tế USAID tài trợ.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã ký Bản Ghi nhớ hợp tác nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Đây là minh chứng rõ ràng cho những cam kết nhằm phát triển giáo dục và trao đổi hợp tác giữa hai nước về phát triển giáo dục đại học, nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, đầu tư của Hoa Kỳ trong lĩnh vực giáo dục còn thể hiện qua việc thành lập các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam (6 cơ sở giáo dục phổ thông và 1 trường đại học Fulbright tại TP Hồ Chí Minh). Ngoài ra, các doanh nghiệp của Hoa Kỳ đang hoạt động và đầu tư tại Việt Nam cũng đã phối hợp tốt với các bộ, ngành, thể hiện trách nhiệm xã hội, thúc đẩy hợp tác giáo dục ...
“Vì vậy, Diễn đàn ngày hôm nay với chủ đề là “hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ” với mong muốn kết nối các nhà đầu tư, các cơ sở giáo dục của hai bên để chia sẻ cơ hội hợp tác trong lĩnh vực giáo dục”, Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời tin tưởng Diễn đàn này sẽ đẩy mạnh hoạt động hợp tác trong lĩnh vực giáo dục vào Việt Nam, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ mở ra một cơ hội mới của hợp tác và triển vọng trong lĩnh vực giáo dục giữa hai nước sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid - 19 vừa qua.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã có những trao đổi, chia sẻ nhằm phát triển hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; đồng thời thảo luận một số vấn đề như: Chuyển đổi số trong giáo dục đại học; xây dựng tiếp cận quốc gia về giáo dục thông qua ứng dụng số đến chuyển đổi kinh tế và xã hội; hợp tác quốc tế và mô hình đầu tư thành công tại Việt Nam; chính sách đầu tư tại Việt Nam...
Cũng tại Diễn đàn, đã có 10 thỏa thuận hợp tác được trao giữa đại diện cơ quan quản lý giáo dục, đại diện các cơ sở giáo dục, tập đoàn giáo dục hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ.