17:59 25/12/2023

Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện

Dũng Hiếu

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là chính sách bảo hiểm ưu việt, nhân văn, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, người dân sẽ được hưởng nhiều quyền lợi thiết thực, đặc biệt là khi hết tuổi lao động sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; người thân được nhận chế độ tử tuất khi chẳng may người tham gia bảo hiểm xã hội qua đời.

Người dân được tư vấn lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh: DH
Người dân được tư vấn lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh: DH

Khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, một số nhóm đối tượng được Nhà nước hỗ trợ từ 10%, 25%, 30% mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng bằng chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.

Chính sách hỗ trợ mức đóng này có thể lên tới tối đa 10 năm. Với những quyền lợi đó, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong việc đảm bảo an sinh xã hội và hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.

SỐ NGƯỜI THAM GIA CHIẾM TỶ LỆ NHỎ SO VỚI QUY MÔ LAO ĐỘNG

Năm 2017, trước thời điểm Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 28) ban hành, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của cả nước là 224 nghìn người. Từ khi triển khai Nghị quyết 28, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không ngừng tăng, kể cả trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Năm 2018 (năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 28) toàn quốc có hơn 277 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đến hết tháng 3/2023, con số này đạt gần 1,5 triệu người, gấp 5,4 lần so với thời điểm năm 2018. Tính đến ngày 30/11/2023, cả nước có hơn 17,523 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó, 16,015 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, 1,508 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Cùng với số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng, hệ thống tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và mạng lưới cộng tác viên được mở rộng, phủ khắp đến từng xã, phường, thị trấn với mạng lưới cộng tác viên được trải đều đến từng thôn, bản, tổ dân phố,… tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận chính sách và tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Những kết quả đó cho thấy, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong việc bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân của Ðảng, Nhà nước.

Tư vấn chính sách bảo hiểm xã hội đã đến từng ngõ, gõ từng nhà. Ảnh: DH
Tư vấn chính sách bảo hiểm xã hội đã đến từng ngõ, gõ từng nhà. Ảnh: DH

Tuy nhiên, so với quy mô lao động, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm tỷ lệ rất nhỏ, hiện mới đạt khoảng 3% lực lượng lao động trong độ tuổi. Dư địa phát triển của bảo hiểm xã hội tự nguyện còn rất lớn, lên tới hàng chục triệu người, nhưng số người tham gia chính sách chưa nhiều. Lý giải điều này, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng nguyên nhân là do lao động tự do không có việc làm và thu nhập không ổn định. Bên cạnh đó, thời gian tham gia để được hưởng lương còn dài (theo quy định hiện hành là 20 năm).

Vấn đề quyền lợi thụ hưởng cũng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến diện bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp. Với bảo hiểm xã hội bắt buộc, người tham gia được thụ hưởng 5 chế độ: hưu trí, tử tuất, ốm đau và thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và thất nghiệp; nhưng bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện hành chỉ cung cấp 2 chế độ hưu trí và tử tuất, khiến cho chính sách này kém hấp dẫn, không thu hút được nhiều người tham gia.

TĂNG HƠN NỮA TÍNH HẤP DẪN CỦA CHÍNH SÁCH

Để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân, Nghị quyết số 28/NQ-TW của Trung ương đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

 

Năm 2018 (năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 28) toàn quốc có hơn 277 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đến hết tháng 3/2023, con số này đạt gần 1,5 triệu người, gấp 5,4 lần so với thời điểm năm 2018. Tính đến ngày 30/11/2023, cả nước có hơn 17,523 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó, 16,015 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, 1,508 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Thể chế hóa chủ trương này, tại dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu từ 20 năm hiện nay, xuống còn 15 năm đối với cả nhóm người tham gia theo hình thức tự nguyện và bắt buộc. Đồng thời, cơ quan soạn thảo đã đề xuất bổ sung trợ cấp thai sản trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Theo đó, người tham gia tự nguyện sẽ được hưởng 3 chế độ là: lương hưu, thai sản và tử tuất. Trợ cấp thai sản do ngân sách nhà nước đảm bảo. Lao động nữ sinh con, lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội có vợ sinh con đều được thụ hưởng chính sách này. Người lao động để được hưởng quyền lợi thai sản phải đóng bảo hiểm xã hội đủ từ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Bên cạnh đó, từ phía đơn vị thực hiện chính sách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề xuất tăng mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người tham gia. Cụ thể, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất nâng mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo...

Việc bổ sung thêm các quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo nên tính toán mức hưởng chế độ thai sản căn cứ theo mức đóng của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo đảm cho người lao động có quyền lợi trong 6 tháng khi nghỉ sinh con, tương tự như người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Điều này góp phần chăm lo cho trẻ em từ lúc mới sinh, đồng thời, rút ngắn khoảng cách về quyền lợi giữa các nhóm tham gia bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, nên tích hợp thêm chính sách bảo hiểm y tế để khi người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì có luôn thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh. Những bổ sung này sẽ thu hút đông đảo người lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

 

Để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân, Nghị quyết số 28/NQ-TW của Trung ương đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Thực tế đã có nhiều giải pháp tăng số tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được các cấp, các ngành, trong đó có ngành bảo hiểm xã hội, tích cực triển khai. Hiện, cơ quan bảo hiểm xã hội các địa phương phối hợp các ngành, các cấp lập danh sách đối tượng tiềm năng chưa tham gia bảo hiểm xã hội để tập trung tuyên truyền, vận động; đa dạng hóa các hình thức truyền thông như tổ chức hội nghị, hội thảo, hội thi, tư vấn, đối thoại trực tiếp...; chú trọng tuyên truyền, vận động trực tiếp tại cơ sở theo các nhóm đối tượng, hoặc tổ chức hội nghị khách hàng.

Bên cạnh đó, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng chủ động kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các cơ quan, tổ chức đóng góp, hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, mua tặng sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 51-2023 phát hành ngày 18-12-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện - Ảnh 1