08:03 15/10/2024

Mở rộng hay thu hẹp cửa hàng truyền thống: Toan tính của các “ông lớn” bán lẻ

Băng Hảo

Thời đại “mua sắm trả thủ” sau đại dịch đã kết thúc. Doanh số bán lẻ khắp nơi trên toàn cầu đang chậm lại vì một số người mua sắm đang trở nên có ý thức hơn về chi phí và có chọn lọc hơn khi mua hàng...

Ảnh: CNET
Ảnh: CNET

Điều này đang tạo ra một môi trường đầy thách thức hơn cho các nhà bán lẻ. Một số chuỗi cửa hàng, hay các đại siêu thị bán lẻ, đã bắt đầu giảm giá để thu hút hơn người tiêu dùng. Những chuỗi khác đang tìm ra những cách sáng tạo để thu hút nhiều khách hàng hơn.

Mới đây, gã khổng lồ Amazon đã công bố kế hoạch bổ sung kho hàng vào các siêu thị Whole Foods, như là một phần trong nỗ lực thu hút nhiều người mua hơn đến các cửa hàng. Chia sẻ với CNBC, Amazon cho biết công ty này đang xây dựng một trung tâm hoàn thiện đơn hàng siêu nhỏ gắn liền với địa điểm của Whole Foods ở vùng ngoại ô Plymouth Meeting, Pennsylvania, Philadelphia. 

Tại buổi gặp báo chí, Anand Varadarajan - người đứng đầu bộ phận sản phẩm và công nghệ cho Amazon, đã trình bày bản mô phỏng về diện mạo của cơ sở đã hoàn thành. Một kho tự động nhỏ sẽ kết nối với cửa hàng Whole Foods của Amazon, nơi các robot sẽ lấy và vận chuyển các mặt hàng như tất, chai soda hoặc vợt tennis và đặt chúng vào túi để người mua đến nhận. 

Cải tiến này sẽ cho phép người tiêu dùng có thể mua sắm cả các mặt hàng chủ lực từ các thương hiệu không có tại chuỗi Whole Foods, đồng thời khai thác danh mục mặt hàng trực tuyến khổng lồ của Amazon, khiến khách hàng có thể mua đủ những thứ cần dùng chỉ qua một lần ghé cửa hàng hoặc một lần đặt đơn.

Amazon bổ sung kho hàng vào các siêu thị Whole Foods để thu hút nhiều người mua hơn đến các cửa hàng.
Amazon bổ sung kho hàng vào các siêu thị Whole Foods để thu hút nhiều người mua hơn đến các cửa hàng.

Amazon cho biết, họ đang tìm cách "loại bỏ những chuyến đi thêm" của người mua sắm đến các cửa hàng bán lẻ khác. Theo một nghiên cứu hồi tháng 4 do công ty nghiên cứu thị trường Drive Research tiến hành, trung bình người Mỹ mua sắm tại 2 cửa hàng bán lẻ khác nhau mỗi tuần, để mua nhiều loại sản phẩm hơn hoặc tận dụng các chương trình khuyến mãi khác nhau tại mỗi cửa hàng. 

Những khách hàng mua sắm tại Amazon Whole Foods Market hiện nay đang tìm kiếm các sản phẩm tự nhiên và hữu cơ. “Tuy nhiên, dữ liệu của chúng tôi cho thấy nhiều người trong số họ cũng ghé thăm các cửa hàng khác để hoàn thành nhu cầu mua sắm một số mặt hàng khác. Với việc bổ sung kho hàng, Amazon có thể giảm nhu cầu khách hàng phải đến các cửa hàng khác nhau, hoặc thực hiện nhiều đơn hàng trực tuyến", ông Varadarajan cho biết.

Trong khi đó, việc một “ông lớn” bán lẻ khác là Macy’s quyết định tiếp tục giảm mạnh số lượng cửa hàng bán lẻ cho thấy kênh bán hàng truyền thống tại Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn trong thời đại số. Đầu năm nay, “ông trùm” bách hóa Macy’s công bố kế hoạch đóng cửa khoảng 150 cửa hàng tới năm 2027. Tính đến đầu tháng 5/2024, chuỗi bách hóa Macy's còn lại 503 cửa hàng, gồm cả các địa điểm không nằm trong trung tâm thương mại.

Trong những năm qua, lĩnh vực bách hoá lại bị các đối thủ mạnh như Walmart hay Target vượt mặt; khi những thương hiệu bán lẻ này nhanh chóng thúc đẩy hoạt động kinh doanh, mở rộng thêm mặt hàng, dịch vụ cung cấp và hơn thế nữa là mang tới mức giá vô cùng hấp dẫn cho người tiêu dùng.

Kênh bán hàng truyền thống tại Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn trong thời đại số.
Kênh bán hàng truyền thống tại Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn trong thời đại số.

Và hơn thế nữa, các cửa hàng bách hoá còn phải hứng chịu hậu quả từ việc người tiêu dùng chuyển sang mua hàng trực tuyến thay vì trực tiếp. Việc tiếp tục thu hẹp số lượng cửa hàng bán lẻ nhằm tạo cơ hội cho Macy’s tập trung phát triển khoảng 350 cửa hàng còn lại, đồng thời đầu tư tốt hơn vào chuỗi bách hóa cao cấp Bloomingdale’s và chuỗi cửa hàng làm đẹp Bluemercury.

Số liệu thống kê mà nhà phân tích Neil Saunders trích dẫn cho thấy, các cửa hàng bách hóa đã giảm từ mức 14,1% trong tổng doanh số bán lẻ của Mỹ năm 1993 xuống chỉ còn 9,8% mười năm sau đó, tiếp tục giảm xuống còn 5,7% vào năm 2013 và chỉ còn 2,6% vào năm 2023. Theo dự đoán từ Coresight Research, một công ty phân tích theo dõi lĩnh vực bán lẻ, tổng doanh thu của các cửa hàng bách hóa Mỹ dự kiến sẽ giảm từ 103 tỷ USD năm 2018 xuống chỉ còn 81 tỷ USD vào năm 2026. Michael Brown của nhà tư vấn Kearney cho biết: “Vào thời hoàng kim, mọi người đến vì những gì cửa hàng bách hóa cung cấp. Nhưng ngày này chúng lại trở nên quá đơn giản và nhàm chán”.

Tương tự với mô hình cửa hàng tiện lợi, hãng tin CNN cho hay công ty mẹ Seven & I Holdings của chuỗi siêu thị 7-Eleven trong báo cáo tài chính mới nhất đã tuyên bố đóng cửa 444 chi nhánh vì doanh số giảm, lượng khách đi xuống, áp lực lạm phát... Tuy nhiên theo các chuyên gia, mô hình kinh doanh dần lỗi thời của 7-Eleven mới là nguyên nhân chính khi nhiều người đến đây không phải vì hết thứ gì hay cần mua gấp thực phẩm gì mà chỉ để giải trí, thư giãn trong lúc bơm xăng hoặc đơn giản là để mua thứ gì đó không quan trọng.

Điều này khiến chiến lược phủ sóng dọc các trạm xăng ở Bắc Mỹ hay len lỏi vào từng ngóc ngách ở các thị trường Châu Á trở nên bất hợp lý. Chi phí mặt bằng tăng cao cùng sự sụt giảm tiêu dùng khiến 7-Eleven hụt hơi trong cuộc đua cùng các siêu thị khác. Seven & I Holdings thừa nhận nền kinh tế Mỹ dù đang phục hồi mạnh mẽ nhưng người tiêu dùng lại vẫn hạn chế chi tiêu do lạm phát dai dẳng, lãi suất cao còn cơ hội việc làm thì xấu đi. Những yếu tố trên đã khiến lượng khách đến 7-Eleven giảm 7,3% vào tháng 8/2024, đánh dấu 6 tháng giảm lưu lượng khách liên tiếp.

7-Eleven tuyên bố đóng cửa 444 chi nhánh vì doanh số giảm.
7-Eleven tuyên bố đóng cửa 444 chi nhánh vì doanh số giảm.

Trước tình hình trên, phía 7-Eleven cho biết sẽ chuyển hướng kinh doanh, chuyển sang đầu tư cho thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi. Năm 2023, tổng doanh số của 7-Eleven tại Mỹ là 17 tỷ USD, trong đó gần ¼ đến từ 315 triệu tách cà phê, 153 triệu ly si rô đá bào, 99 triệu chiếc pizza, 100 triệu chiếc xúc xích… Đây là lý do 7-Eleven đang hợp tác với nhà cung cấp thực phẩm Warabeya nhằm tạo nên chuỗi cung ứng đồ tươi sống nhiều lần trong ngày.

Thế nhưng chiến lược này cũng vấp phải nhiều nghi vấn. Nhiều chuyên gia lo ngại định vị thương hiệu của 7-Eleven tại Mỹ không phải là một siêu thị để khách hàng mua thực phẩm với mức giá cạnh tranh hay tìm kiếm các món đồ nhu yếu phẩm như Walmart hay Costco. Do đó để tạo lý do cho người tiêu dùng mua thêm thực phẩm ở đây là điều khó làm.

Tiếp đó, vấn đề giao hàng là thách thức thứ 2. Mảng giao hàng đang phát triển nhanh nhờ có lợi nhuận cao hơn nhưng người tiêu dùng không định vị thương hiệu 7-Eleven như một nơi bán hàng trực tuyến. Thay vào đó, mọi người chỉ đơn giản đến thẳng siêu thị được phủ sóng rộng khắp của 7-Eleven hoặc trong lúc bơm xăng để mua đồ. Một vấn đề nữa là khả năng bảo trì khi rất nhiều chi nhánh 7-Eleven xuống cấp hoặc không kham nổi tiền thuê mặt bằng trong bối cảnh hiện nay.