15:02 09/01/2007

Mở room sẽ hạn chế các ngân hàng 100% vốn ngoại?

Minh Đức

Nếu mở room sở hữu cho nhà đầu nước ngoài thì có thể sẽ hạn chế được sự có mặt của các ngân hàng "ngoại" trong thời gian tới

Theo lộ trình gia nhập WTO, từ ngày 1/4 năm nay, các tổ chức tín dụng nước ngoài được phép thành lập và hoạt động dưới hình thức 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Theo lộ trình gia nhập WTO, từ ngày 1/4 năm nay, các tổ chức tín dụng nước ngoài được phép thành lập và hoạt động dưới hình thức 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Nếu mở room sở hữu cho nhà đầu nước ngoài thì có thể sẽ hạn chế được sự có mặt của các ngân hàng "ngoại" trong thời gian tới.

Nhận định này được ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) đưa ra tại hội thảo “Chiến lược và chính sách phát triển ngân hàng trong giai đoạn hậu WTO”, do Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tổ chức ngày 7/1 vừa qua.

Ông Nghĩa cho rằng, đối với lộ trình hiện diện của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, xét về lý thuyết sẽ có hai xu hướng: Nếu ngân hàng nhà nước mở rộng tỷ lệ đầu tư (hiện nay là 30%) đối với đầu tư nước ngoài thì các ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam sẽ hạn chế. Còn nếu không thay đổi thì các ngân hàng 100% vốn nước ngoài sẽ xuất hiện sớm hơn.

Nếu theo lý thuyết trên thì xu hướng thứ hai trở nên rõ nét hơn, khi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong ngân hàng nội sẽ vẫn được khống chế ở mức 30%. Thay đổi lớn nhất trong thời gian tới chỉ là việc nâng tỷ lệ cho phép của mỗi nhà đầu tư từ 10% lên 20%.

Như vậy, các ngân hàng "ngoại" sẽ theo hướng lập ngân hàng con 100% vốn trực thuộc tại Việt Nam. Một số nguồn tin cho hay hiện đã có ít nhất 10 bộ hồ sơ nằm trên bàn Ngân hàng Nhà nước theo hướng này.

Tuy nhiên, ông Nghĩa lại tin tưởng với một nhận định về một cuộc hội nhập chậm nhưng chắc. “Vấn đề đầu tư vào tài chính ngân hàng vốn hết sức nhạy cảm, hơn nữa các ngân hàng nước ngoài vốn rất thận trọng trong mở rộng thị phần, do đó khả năng ngân hàng Việt Nam bị ngân hàng nước ngoài thôn tính là khó xảy ra từ nay cho đến năm 2010”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa còn đưa ra một định hướng đáng chú ý là có thể xẩy ra những trường hợp các ngân hàng nội địa “thôn tính” lẫn nhau hoặc cùng liên kết thành lập những liên minh vững mạnh. Sự vững mạnh đó giúp cho các ngân hàng Việt Nam có được lợi thế khi tiếp cận những dự án đầu tư khả thi và đặc biệt là có khả năng trở thành những liên minh mẹ, có khả năng chi phối ngược lại thị trường và làm chủ lộ trình hội nhập.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết thêm, trong năm 2007, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành xây dựng một số dự thảo mang tính cải tổ, phù hợp với lộ trình hội nhập, như về phát triển thị trường tiền tệ thứ cấp, cải cách tổ chức ngân hàng trung ương, sửa đổi một số chính sách về hoạt động của ngân hàng thương mại, luật bảo hiểm tiến gửi và luật giám sát hoạt động ngân hàng…

Theo lộ trình gia nhập WTO, từ ngày 1/4 năm nay, các tổ chức tín dụng nước ngoài được phép thành lập và hoạt động dưới hình thức 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Sau 5 năm gia nhập WTO, các tổ chức tín dụng nước ngoài sẽ được hưởng các ưu đãi như ngân hàng nội địa.