16:06 12/04/2017

Mở tiệm sinh tố ngay tại nhà…

PV

Không chỉ là một loại thức uống giải khát hiệu quả, các loại nước ép trái cây, rau củ còn thực sự là một nguồn bổ sung vitamin và khoáng chất tự nhiên lý tưởng cho cơ thể bạn mỗi ngày. Việc mua một chiếc máy ép trái cây về dùng tại nhà vừa góp phần đảm bảo bạn có được món nước ép an toàn, sạch sẽ, đồng thời còn giúp phần nào… tiết kiệm kinh phí cho món đồ uống tuy rất bổ dưỡng nhưng cũng khá… “tổn hại ngân sách” này. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là bạn cứ thoải mái mua một chiếc máy ép trái cây bất kì là sẽ có ngay được một ly nước ép trái cây/rau củ siêu bổ dưỡng. Trên thực tế, chất lượng của những chiếc máy ép có sự ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của ly nước ép mà bạn có được. Chỉ những chiếc máy ép chất lượng tốt mới có thể giữ được giá trị dinh dưỡng có trong nước ép của các loại trái cây, rau củ. Vậy thì như thế nào là một chiếc máy ép chất lượng tốt? Rất tiếc là không có một chiếc máy ép nào tốt cho tất cả các nhu cầu của mọi người. Tuỳ theo thói quen, sở thích chọn loại trái cây, rau củ và số lượng của chúng để sử dụng cho mỗi lần ép, bạn sẽ cần đến những loại máy ép trái cây khác nhau cho phù hợp. 1.    Máy ép nhanh cỡ đại

Mở tiệm sinh tố ngay tại nhà… - Ảnh 1

Máy ép nhanh cỡ đại là loại máy ép được thiết kế với một mâm xay dạng tròn gồm nhiều lưỡi dao và lưới lọc để ép nước từ thực phẩm. Khi đưa rau củ, hoa quả vào ép, mâm xay sẽ xoay với tốc độ cao, mài nhỏ thực phẩm rồi tách nước ra khỏi phần bã nhờ lực ly tâm. Máy ép cỡ đại thường là máy có ngăn chứa bã thiết kế rời, dung tích lớn, có thể chứa được nhiều bã rau củ, trái cây cho mỗi lần dùng. Chính vì có ngăn chứa bã cỡ lớn, lắp rời nên máy tương đối cồng kềnh. Ưu điểm:
- Giá thành rẻ, chỉ với khoảng vài trăm ngàn đồng là bạn đã có thể mua được một chiếc máy mới với chất lượng tương đối tốt, đủ dùng cho cả gia đình đông người.
- Tốc độ ép nhanh và khoang chứa bã lớn tách rời giúp việc ép nước rau củ/trái cây với số lượng lớn trở nên nhanh chóng, tiện lợi. Khi lượng bã ép quá nhiều, bạn chỉ cần tháo khoang chứa bã đổ đi rồi lắp lại là có thể ép tiếp luôn, không cần phải tháo ráp cả máy.
- Có thể sử dụng để ép nhiều loại rau củ, trái cây khác nhau.
Nhược điểm:
- Không mấy hiệu quả với các loại rau lá (vì ép bã không kiệt nước).
- Do xay ở tốc độ cao nên nước ép dễ bị sủi bọt và nhanh bị oxy hóa. Khi nước ép bị oxy hóa, rất nhiều enzym sẽ bị tiêu diệt và những lợi ích của nước ép đối với sức khỏe sẽ giảm đi đáng kể.
- Phần mâm xay và lưới lọc rất khó vệ sinh, dễ bị tắc khi sử dụng cho những lần sau.
- Một số máy ép cỡ lớn kiểu cổ có ống nhồi thực phẩm rất bé nên bạn cần phải cắt trái cây thành những miếng nhỏ trước khi cho vào ép. Việc này nhiều khi làm mất khá nhiều thời gian chuẩn bị. Ngoài ra, khi miếng rau củ, trái cây bị cắt quá nhỏ so với ống nhồi thực phẩm, độ ma sát của chúng với mâm xoay sẽ bị giảm đi, máy sẽ không ép được hết nước, rất lãng phí.
- Tương đối cồng kềnh, chi tiết tháo lắp tương đối phức tạp.
- Phần lớn là máy hoạt động rất ồn.
TVTD khuyên bạn: Bạn nên mua sản phẩm này nếu gia đình bạn có đông người, bếp rộng thoải mái để đồ. 2.    Máy ép nhanh cỡ nhỏ

Mở tiệm sinh tố ngay tại nhà… - Ảnh 2

Cũng hoạt động như máy ép nhanh cỡ đại, máy ép nhanh cỡ nhỏ cũng là loại máy ép vận hành theo cơ chế mài nhỏ thực phẩm và quay ly tâm tách bã lấy nước. Vì là loại cỡ nhỏ nên máy thường được thiết kế với khoang động cơ, lưỡi dao, lưới lọc và khoang chứa bã liền khối để giúp tiết kiệm diện tích đặt để. Ưu điểm: 
- Với mức giá chỉ khoảng trên 1 triệu đồng là bạn đã có được sản phẩm chất lượng tốt để sử dụng.
- Tốc độ ép nước rất nhanh. Với những loại máy ép đời mới được thiết kế với ống nhồi thực phẩm cỡ lớn (có thể cho nguyên trái táo vào vừa), giúp bạn không cần phải cắt nhỏ thực phẩm trước khi ép thì lại càng giúp tiết kiệm thời gian ép.
- Đặc biệt phù hợp để sử dụng cho gia đình ít người hoặc chỉ cho nhu cầu cá nhân.
- Thiết kế một khối gọn gàng giúp máy đỡ chiếm diện tích đặt để trong gian bếp hơn.
- Máy phù hợp với những loại rau củ, trái cây có độ cứng như cà rốt, cần tây, trái ổi…
Nhược điểm:
- Không tiện dụng để ép lượng lớn thực phẩm vì không có khoang đựng bã riêng. Khi bã quá nhiều, bạn sẽ phải tháo cả máy ra vệ sinh mới có thể dùng tiếp.
- Nước ép dễ bị sủi bọt và nhanh bị oxy hoá.
- Cũng không hiệu quả để ép các loại rau lá.
- Rất ồn khi vận hành.
TVTD khuyên bạn: Bạn nên mua sản phẩm này nếu chỉ cần sử dụng cho cá nhân mình hoặc nếu nhà bạn không có nhiều thành viên, và nếu bạn cần chú trọng đến yếu tố gọn nhẹ, dễ tháo ráp của sản phẩm. 3.    Máy ép chậm trục ngang

Mở tiệm sinh tố ngay tại nhà… - Ảnh 3

Khác với máy ép nhanh, máy ép chậm không sử dụng mô tơ tốc độ cao với các lưỡi dao sắc bén để mài và quay ly tâm lọc bã lấy nước. Máy ép chậm sử dụng lực ép của trục vít đặc biệt và động cơ giảm tốc (vận tốc chỉ khoảng 45 – 85 vòng quay/phút) để từ từ nghiền nát hoa quả, rau củ và đẩy nguyên liệu vào lưới lọc mà không gây ra bất cứ lực ma sát hay lực ly tâm nào với nước ép, bộ phận tách bã sẽ đẩy bã ra ngoài để nước ép chảy ra một cách tự nhiên. Máy ép chậm trục ngang có thể coi là “tiền thân” của tất cả các loại máy ép chậm đang phổ biến trên thị trường ngày nay. Ưu điểm:
- Máy ép chậm trục ngang đặc biệt lý tưởng để dùng ép các loại rau ăn lá hoặc các loại thực phẩm đặc biệt như cỏ lúa mì. Với trục ép ngang nên bạn không cần phải cắt nhỏ các loại rau trước khi cho vào máy ép. 
- Trục ép không có gờ cạnh, trơn láng và dễ tháo rời giúp cho việc vệ sinh trục ép cũng dễ dàng hơn đồng thời thực phẩm cũng ít bị giắt xơ gây tắc nghẽn ống ép.
- Năng suất cao, có thể ép lượng lớn thực phẩm liên tục.
- Thực phẩm ít bị tác động oxy hoá nên được bảo toàn dưỡng chất tốt hơn. Nước ép từ thực phẩm có thể cất trữ để sử dụng trong vòng 72 giờ mà không làm ảnh hưởng đến hàm lượng dinh dưỡng.
- Nước ép không bị bọt.
Nhược điểm:
- Giá thường rất đắt.
- Miệng ống nhồi thực phẩm thường khá nhỏ, với những loại rau củ quả có kích cỡ lớn, bạn cần phải tốn nhiều thời gian để cắt nhỏ thực phẩm trước khi cho vào ép.
- Thời gian ép nước thực phẩm tương đối chậm, sẽ mất khá nhiều thời gian nếu bạn cần ép thực phẩm với số lượng lớn.
- Có thể không lọc được kĩ bã khi ép các loại củ quả, trái cây mềm, khiến nước ép có phần bị sánh đặc, khó uống. Lúc này, bạn sẽ cần sử dụng rây lọc lại để có nước ép sạch bã hơn.
- Kích cỡ máy tương đối cồng kềnh, tốn diện tích đặt để, cất trữ.
TVTD khuyên bạn: Bạn nên mua sản phẩm này nếu bạn là người thích dùng nước ép từ các loại rau ăn lá vì chúng có thể dễ dàng ép nước các loại rau lá mà không lo hay bị tắc/giắt bã xơ rau trong mỗi lần ép. Ngoài ra, máy rất dễ tháo ráp và dễ vệ sinh.  4.    Máy ép chậm trục dọc

Mở tiệm sinh tố ngay tại nhà… - Ảnh 4

Là sự cải tiến từ máy ép chậm trục ngang, máy ép chậm trục dọc vẫn thừa hưởng thế mạnh của cơ chế vận hành ép chậm với trục vít và động cơ tốc độ chậm. Điểm khác biệt lớn nhất của máy ép trục dọc chính là trục ép được đặt dọc, dựng lên theo chiều dọc để tạo nên một thiết kế sản phẩm gọn gàng, một khối.  Ưu điểm:
- Là sản phẩm ép nước lý tưởng cho cả trái cây và các loại rau củ. Cơ chế vận hành ép chậm giúp giữ lại dưỡng chất trong nước ép tốt hơn.
- Thiết kế tương đối gọn gàng, đặc biệt là khi so sánh với máy ép chậm trục ngang.
- Giá thành hiện giờ là tương đối dễ chấp nhận (trung bình khoảng 2,5 – 3 triệu đồng/máy) nên mọi người có thể dễ dàng tiếp cận hơn.
Nhược điểm:
- Đường ống trục ép dọc đòi hỏi bạn nên cắt nhỏ thực phẩm, đặc biệt là với các loại thực phẩm có nhiều sợi xơ như rau cần tây hay rau ăn lá… trước khi cho vào ép vì nếu không chúng rất dễ gây tắc nghẽn đường ống.
- Năng suất ép chỉ ở mức trung bình vì tốc độ ép chậm.
- Không lọc bã được triệt để với các loại trái cây mềm như cà chua, trái dâu, việt quất…
- Nếu dùng để ép các loại rau lá thì vẫn có thể tạo ra nhiều bọt khí.
TVTD khuyên bạn: Bạn nên mua sản phẩm này nếu bạn có sở thích uống các loại nước ép pha trộn giữa rau lá, củ quả và trái cây. Chúng có thiết kế tương đối gọn nhẹ nên có thể phù hợp cả với những không gian bếp tương đối nhỏ hẹp. 5.    Máy ép chậm không dùng động cơ

Mở tiệm sinh tố ngay tại nhà… - Ảnh 5

Cơ chế vận hành của loại máy này về cơ bản chính là máy quay chậm trục ngang, chỉ có điều chúng không vận hành bằng máy móc cơ khí mà bằng… sức “quay tay” của bạn. Cơ chế vận hành này được coi là sự mô phỏng động tác “nhai lại” của bò nhai cỏ. Đây cũng là lý do mà nhiều khi chúng được gọi là dòng máy ép dành riêng để ép cỏ lúa mì -wheatgrass (vì chúng có khả năng ép cỏ ra nước kiệt bã rất hiệu quả). Ưu điểm:
- Không tốn điện, giá thành rất rẻ.
- Phù hợp để dùng khi bạn cần ép thực phẩm số lượng ít.
- Phù hợp để ép các loại rau lá và củ quả không quá cứng.
Nhược điểm:
- Sẽ rất mỏi tay khi bạn cần dùng để ép số lượng thực phẩm lớn.
- Khi cần ép các loại thực phẩm cứng, bạn cần phải cắt chúng thật nhỏ mới dễ “quay tay” để ép nước thực phẩm.
TVTD khuyên bạn: Bạn nên mua sản phẩm này nếu bạn không thường xuyên cần sử dụng nhiều nước ép rau củ, trái cây.
Bạn nên ưu tiên…
- Bạn nên chọn máy ép có ống nhồi thực phẩm cỡ lớn. Chúng sẽ giúp tiết kiệm thời gian và công sức cắt nhỏ rau củ, trái cây trước khi cho vào ép.
- Nên ưu tiên chọn loại có cây nhồi thực phẩm, giúp bạn có thể hỗ trợ tăng lực đẩy thực phẩm vào sâu ống ép của máy ép khi cần. Chúng cũng là để bảo vệ an toàn cho tay bạn trong quá trình ép rau củ quả.
- Nên chọn loại có thể điều chỉnh tốc độ vận hành máy. Chúng sẽ giúp bạn dễ dàng phân loại tốc độ vận hành của máy tuỳ theo chất liệu rau củ quả cần ép. Ví dụ, với các loại củ quả mềm như nho, dâu, việt quất… vận hành máy ép ở tốc độ chậm sẽ giúp tăng độ ma sát với mâm ép (rau củ quả không bị nảy vọt lên khi tiếp xúc với mâm ép). Còn với những loại rau củ quả cứng như cà rốt, ổi… thì bạn sẽ cần tốc độ nhanh để tăng lực ép lên…
- Bạn nên ưu tiên chọn những mẫu máy có thiết kế càng đơn giản càng tốt. Chúng sẽ giúp bạn dễ vệ sinh và tháo ráp máy hơn.
- Nếu có “điều kiện tài chính” tương đối rủng rỉnh, tốt nhất bạn nên ưu tiên chọn máy có độ ồn thấp. Khi sử dụng máy ép thường xuyên, bạn sẽ thấy điều này có ảnh hưởng rất lớn đối với tâm lý vào bếp của bạn đó.


Tâm An