19:00 04/12/2021

Mới đặt “nửa chân” vào mô hình nhà nước kiến tạo phát triển, Việt Nam thiếu hai yếu tố chưa thể "hoá rồng"

Ánh Tuyết

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Việt Nam mới bước một nửa chân vào nhà nước kiến tạo phát triển. Trong đó, thiếu đội ngũ hành chính công vụ tinh hoa và phát minh đột phá là hai yếu tố "cản bước" Việt Nam "hoá rồng"...

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Việt Tuấn.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Việt Tuấn.

Việt Nam có độ mở cửa nền kinh tế ở mức 200% GDP, là một trong những nền kinh tế “mở” nhất thế giới. Vì vậy, những chuyển động của thế giới chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam rất mạnh mẽ.

Chỉ rõ 5 biến đổi lớn của nền kinh tế thế giới tại đối thoại chuyên đề “Đổi mới mô hình tăng trưởng: Thoát bẫy thu nhập trung bình & bứt phá” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức chiều ngày 4/12, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng chính sách của Việt Nam phải phản ứng kịp thời và linh hoạt, như thế mới có thể đáp ứng nhu cầu phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 cũng như bứt phá để thoát “bẫy” thu nhập trung bình trong giai đoạn tới.

5 XU THẾ LỚN CỦA KINH TẾ THẾ GIỚI TẠO SỨC ÉP CHO VIỆT NAM

Thứ nhất, thế giới đối mặt với lạm phát toàn cầu tăng mạnh do nới lỏng chính sách tài khoá và tiền tệ.

Áp lực ở bên ngoài rõ rệt, giá cả đầu vào rục rịch tăng, nhưng giá sản phẩm đầu ra chưa chắc tăng bởi có thể người tiêu dùng có thể không chấp nhận mức giá mới.

Rõ ràng, phản ứng hợp lý nhất của doanh nghiệp là cắt giảm chi phí, để giữ mặt bằng giá cả hàng hóa. Nhà nước cũng phải đơn giản hoá thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Chúng ta cũng phải tính kế để không nhập khẩu lạm phát, làm mất ổn định kinh tế vĩ mô.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng (bên trái) đang trao đổi tại toạ đàm. Ảnh: Việt Tuấn.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng (bên trái) đang trao đổi tại toạ đàm. Ảnh: Việt Tuấn.

Thứ hai, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng.

Trong năm 2020, thành tích chống dịch của Việt Nam rất tốt dẫn đến xu hướng nhiều quốc gia chọn Việt Nam là điểm đến để dịch chuyển chuỗi cung ứng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng rất rõ rệt. Nhưng nhìn lại phương thức chống dịch năm 2021, xu hướng này có thể không rõ như trước, vì vậy, cần tính cách thu hút đầu tư về Việt Nam.

Bên cạnh đó, có những quốc gia ưu tiên chọn Việt Nam như Nhật Bản, vì vậy, phải có phản ứng chính sách phù hợp để tiếp cận với doanh nghiệp Nhật, hiệp hội doanh nghiệp của Nhật và công luận của Nhật, để xu hướng này được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Thứ ba, xu thế bảo hộ.

Khi toàn cầu hoá rõ nét, nhiều quốc gia coi trọng thương mại quốc tế, tại Mỹ và nhiều nước phát triển, một số đối tượng trong xã hội không có việc làm bởi việc làm xuất khẩu sang các quốc gia khác. Rõ ràng, phản ứng chính trị tại các quốc gia này, người dân sẽ bầu lực lượng coi trọng bảo hộ nhằm duy trì việc làm cho người dân trong nước.

Trước những chuyển động của hệ thống chính trị, Việt Nam phải có những phản ứng chính sách để giữ thị trường đã có, không để đổ vỡ thị trường khi bảo hộ và có phương án quản trị rủi ro.

 
"Tài nguyên lớn nhất của thời đại sắp tới đó là dữ liệu. Không số hoá chúng ta làm sao có dữ liệu. Với dữ liệu, chúng ta mới phản ứng chính sách đúng đắn. Doanh nghiệp có các giao dịch thuận lợi, dễ dàng tiếp cận khách hàng. Hoà chung làn sóng chuyển đổi số không chỉ có doanh nghiệp, mà cả các cơ quan nhà nước, toàn bộ hệ thống phải chuyển đổi số".
TS. Nguyễn Sĩ Dũng.

Thứ tư, số hóa, công nghiệp hóa là tất yếu trong cuộc cách mạng 4.0.

Cách mạng 4.0 về bản chất kết nối ba không gian, không gian số, không gian vật lý và không gian sinh học. Xã hội loài người bước sang một thời kỳ hoàn toàn khác biệt. Một đồng hồ điện tử có thể thông báo cho bác sĩ trước khi người đeo đồng hồ sắp bị đột quỵ.

Dữ liệu được thu nạp, tích tụ một cách tự nhiên nhưng tuyệt đối chính xác. Tích tụ dữ liệu hình thành một kho dữ liệu lớn (big data), từ đó, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Người ta đang nói đến một loại tư bản gọi là tư bản mới, gọi là tư bản giám sát. Người ta thu thập được dữ liệu. Với dữ liệu, với trí tuệ nhân tạo, sẽ biết được cách hành xử của người tiêu dùng. Thời kỳ mới, doanh nghiệp không chỉ bán sản phẩm, dịch vụ mà bán đóng gói sự hiểu biết về người tiêu dùng. Với một nền kinh tế như vậy, sản xuất được không dư thừa cũng như không sản xuất những thứ người tiêu dùng không cần.

Vì vậy, phải thúc đẩy chuyển đổi số, không chỉ vì kinh tế mà vì sự tiến bộ, vì một nền quản trị quốc gia tốt hơn.

Ông Dũng nêu dẫn chứng, nếu có dữ liệu, chúng ta sẽ phản ứng tốt hơn với dịch Covid, lý giải được tại số người chết ở TP. Hồ Chí Minh lại cao hay tiêm tiêm loại vaccine gì tỷ lệ chết cao/thấp hơn.

Thứ năm, kinh tế xanh là xu hướng không thể khác bởi đó là sự tồn tại của nhân loại.

Hành vi người tiêu dùng của các quốc gia, các thị trường chúng ta đang xuất khẩu bắt đầu thay đổi rất mạnh, áp thẻ xanh, thẻ vàng. Nếu định khai thác, xâm chiếm, chiếm lĩnh những thị trường đó, phản ứng chính sách phải ủng hộ phát triển kinh tế xanh. Xe điện Vinbus vừa mới khánh thành và đưa vào vận hành, đó là xu thế của thời đại, hay xe điện thông minh của Vinfast, chính sách phải ủng hộ.  

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Sĩ Dũng lưu ý, tất cả các chính sách đều rất tốt nhưng không có một đội ngũ công chức công vụ, đưa chính sách vào cuộc sống, chính sách chỉ viết trên giấy. "Chỉ có mô hình nhà nước kiến tạo phát triển mới đưa chúng ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình", ông Dũng nhấn mạnh.

MÔ HÌNH NHÀ NƯỚC KIẾN TẠO SẼ ĐƯA VIỆT NAM THOÁT KHỎI "BẪY" THU NHẬP TRUNG BÌNH

TS. Nguyễn Sĩ Dũng thừa nhận, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam rất lớn.

Để hoạch định đường lối cho Việt Nam, cải cách thể chế ra sao, chúng ta phải nhìn rộng ra thế giới, xem mô hình thể chế nào có thể đưa lại sự phát triển, mô hình thể chế nào không phát triển được. Tại sao mô hình thể chế đưa lại sự phát triển cho nước này, nhưng lại không đưa lại sự phát triển cho nước khác? Đó những câu hỏi chúng ta phải trả lời.

Tại sao mô hình Anh, Mỹ đưa lại sự phát triển cho Anh Mỹ, Úc, New Zealand, Canada, nhưng lại không đưa lại sự phát triển cho Philippines. Trước đây, Ấn Độ là thuộc địa của Anh nhưng mô hình thể chế của Anh cũng không đưa lại sự phát triển đột biến ở Ấn Độ. Tại sao lại như vậy?

Được biết, các nước giàu có, có trình độ khoa học kỹ thuật tiến bộ và người dân có mức sống cao như Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Âu được mô tả như là một phần của “thế giới thứ nhất”. “Thế giới thứ ba” là những nước đang phát triển bên trong châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh và vùng đất khác.

 
"Trong 7 nền kinh tế có nền tảng văn hóa Đông Bắc Á, 5 nước áp dụng mô hình nhà nước kiến tạo phát triển và 5 nước đã "hóa rồng", ngoại trừ, Bắc Triều Tiên và Việt Nam. Thực chất, Việt Nam bước một nửa chân vào nhà nước kiến tạo phát triển. Điều quan trọng bây giờ là Việt Nam cần phải có một bộ máy công vụ triển khai".
TS. Nguyễn Sỹ Dũng.

Tại sao mô hình nhà nước kiến tạo phát triển lại đưa lại sự thịnh vượng và đưa những nước từ thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất nhưng mô hình này cũng chỉ đưa những quốc gia ở “thế giới thứ ba” lên thứ nhất với các nước có văn hóa Đông Bắc Á, các nước khác lại không.

Mô hình này đem lại sự phát triển cho Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và mới đây nhất là Đài Loan, Trung Quốc.

Mô hình nhà nước kiến tạo phát triển, rõ ràng nhắc đến mô hình thể chế về kinh tế, nhà nước vận hành kinh tế như thế nào, chứ không phải tổ chức quyền lực thế nào.

Ông Dũng cho rằng, đầu tiên phải chọn mô hình thể chế và cải cách thể chế vì nếu nhìn vào các quốc gia phát triển để đi theo, sẽ không bao giờ đạt được kỳ vọng. Người ta gọi là hội chứng Argentina, nghĩa là, một quốc gia đã là nước phát triển nhưng theo thời gian lại dội ngược lại thành nước đang phát triển. Tức là copy mô hình thể chế chỉ đúng trong một khoảng thời gian, nhưng không đúng trong dài hạn.

Để thoát bẫy thu nhập trung bình, quan trọng nhất là thể chế. Thể chế đó không phải thể chế tổ chức quyền lực chính trị, mà là thể chế tổ chức vận hành nền kinh tế.

"Tái cơ cấu nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới như TS. Đặng Kim Sơn, TS. Đặng Đức Anh đều rất đúng nhưng ai thực hiện? Mô hình thể chế nào thì thực hiện được? Mô hình thể chế nào là những câu khẩu hiệu, vẫn không thực hiện được. Câu trả lời chúng ta phải tìm kiếm và phải trả lời cho được, mô hình thể chế nào phù hợp với Việt Nam", ông Dũng nhấn mạnh.

PHẢI HÚT NGƯỜI TÀI, TẠO PHÁT MINH ĐỘT PHÁ

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, hiện chúng ta thiếu hai khâu rất quan trọng trong áp dụng mô hình nhà nước kiến tạo phát triển.

Một là, chúng ta không xây dựng được một đội ngũ hành chính công vụ tinh hoa mà các nước Đông Bắc Á có. Chúng ta hoạch định đường lối có sai không? Tôi tin là không. Nhưng tại sao chính sách không bao giờ đi vào cuộc sống do thiếu có bộ máy thực thi.

Điều quan trọng là thu hút và trọng dụng người tài. Văn hóa Đông Bắc Á có một truyền thống khoa bảng, dụ được người tài. Phải thi quốc gia như Nhật Bản, chỉ tuyển vào công vụ những người thực tài. Tỷ lệ hàng năm chỉ có 6% đậu.

Những người làm công việc tuyển dụng công chức có quyền ngang quyền lập pháp và ngang với quyền hành pháp, tư pháp. Đài Loan rất phát triển nhờ đội ngũ hành chính công vụ rất tốt. Doanh nghiệp của Đài Loan phát triển hùng mạnh, hiệu quả vì tuyển dụng được người tài.

Những quốc gia bên ngoài văn hóa Đông Bắc Á áp dụng mô hình nhà nước kiến tạo phát triển nhưng vẫn phát triển trung bình vì đằng sau không có văn hóa Đông Bắc Á.

"Đối với người Việt, vinh dự gì lớn hơn vinh quy bái tổ. Hay đối với người Việt, rõ ràng học để làm gì? Động lực lớn nhất học để làm quan vẫn còn trong văn hóa người Việt. Vấn đề văn hoá này đã đứt gãy, bây giờ cần phục hồi", TS. Nguyễn Sĩ Dũng thẳng thắn chỉ rõ.

"Tôi sợ cách thi như bây giờ chỉ chọn được người học thuộc, không chọn được người tài. Để chọn được người tài, đuổi những người không đủ trình độ chưa chắc khả thi vì họ được tuyển dụng dựa trên mối quan hệ.

Tôi cho rằng, tuyển người mới phải thi đậu kỳ thi tuyển quốc gia, thay cho những người về hưu. Trong 5 năm, phải thay máu toàn bộ nền công vụ. Không có chuyện được bầu phiếu cao thì lên chức, mà căn cứ theo người tài hoàn thành nhiệm vụ, có thành tích xuất sắc".

Hai là, không có công nghệ, đất nước không thể trở nên giàu có. Chúng ta đầu tư hàng nửa thế kỷ cho nghiên cứu đều vứt vào ngăn kéo.

Ông Dũng nhấn mạnh, công nghiệp hóa trước hết phải dựa vào những phát minh đột phá của người Việt. Sơn Nano Kova của “Bà hoàng” sơn Việt, PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe làm từ vỏ trấu, nhưng có thể chịu đựng nhiệt độ 1.000 độ C.

Hầu hết các nhà cao tầng ở Singapore sơn bằng sơn Nano của Việt Nam. Sơn chống đạn, đạt bắn không thủng. Sơn chống đâm, cảnh sát mặc vào đâm không thủng, ứng dụng cho cả nền công nghiệp quốc phòng. Nếu chúng ta giữ được bí quyết công nghệ sẽ làm chủ thị trường sơn của thế giới. Đó là cách chúng ta tạo ưu thế, thống trị thế giới hiện ngay. Một ngành sơn như vậy có thể đưa lại thu nhập, không thua iPhone, iPad.

Hoặc công nghiệp hóa như cách của doanh nhân Phạm Nhật Vượng, phải mua được những phát minh sáng chế, công nghệ điểm cuối của thế giới thì hãy làm.

Chỉ khi đó, Việt Nam mới vươn lên từ thế giới từ “thế giới thứ ba” lên “thế giới thứ nhất”. Còn nếu không, quả thực rất khó. 

 
"TS. Đặng Kim Sơn nói rất đúng nếu chúng ta cứ dựa vào đầu tư nước ngoài, không bao giờ họ chuyển giao mọi công nghệ. Người Việt chỉ có thể bám vào, nhảy lên ở mức tăng giá trị cao hơn một cách dần dần. Con đường rất dài. Còn nếu đột phá, phải như Vingroup, sơn Nano Kova. Với thể chế thúc đẩy, chúng ta mới vượt qua bẫy thu nhập trung bình để vươn lên được”, ông Dũng chỉ rõ.