12:03 05/12/2019

“Mỗi năm Vingroup chi trả gần 1.000 tỷ lợi nhuận condotel”

Nguyên Hà

Đại diện Vingroup cho rằng, với những doanh nghiệp bất động sản đầu tư condotel nhưng sau đó thuê đơn vị khác vào vận hành thì con số lợi nhuận cam kết lên tới 10 -12% là không khả thi

Phó tổng giám đốc phụ trách bất động sản nghỉ dưỡng của Vingroup Trần Thị Mỹ Lộc.
Phó tổng giám đốc phụ trách bất động sản nghỉ dưỡng của Vingroup Trần Thị Mỹ Lộc.

"Vingroup là doanh nghiệp đầu tiên kinh doanh condotel và đưa ra khái niệm cam kết lợi nhuận tại Việt Nam. Đến nay, chúng tôi đã có tổng cộng khoảng 3.000 khách hàng đang hợp tác kinh doanh condotel. Từ hơn 3 năm trở lại đây, mỗi năm chúng tôi chi trả 900 tỷ đồng cam kết lợi nhuận với tổng cộng khoảng 3.000 tỷ đồng đã được chi cho khách hàng".

Thông tin trên được Phó tổng giám đốc phụ trách bất động sản nghỉ dưỡng của Tập đoàn Vingroup Trần Thị Mỹ Lộc đưa ra khi trao đổi với báo chí về những câu chuyện giá trị cam kết lợi nhuận khi đầu tư condotel vốn đang có nhiều ý kiến trái chiều trong giới bất động sản hiện nay.

Tuy nhiên, đại diện của Vingroup cũng nêu quan điểm, với những doanh nghiệp bất động sản đầu tư condotel nhưng sau đó thuê đơn vị khác vào vận hành thì con số lợi nhuận cam kết lên tới 10 -12% là không khả thi, thậm chí là không tưởng.

"Con số lợi nhuận nói trên chỉ có thể khả thi với những doanh nghiệp tự vận hành, còn với doanh nghiệp có đối tác quản lý, vận hành thì lợi nhuận chỉ có thể ở mức 4 – 6%", bà Lộc nói.

Từ chối bình luận về câu chuyện của Cocobay, song dưới góc độ thị trường chung, bà Lộc cho rằng, Cocobay chỉ là một sự việc cá biệt, còn về tương lai, thị trường cần trở về đúng như của nó, vẫn phải phát triển theo đà của nó, không có hệ lụy. Thị trường cần có nhìn nhận đúng về vị thế và tiềm năng của condotel.

Đại diện Vingroup nhìn nhận, về lâu dài condotel vẫn là kênh đầu tư an toàn hiệu quả, phù hợp xu thế chung không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. "Bởi nếu nói về nguồn cung, chỉ so với Phuket của Thái Lan, Việt Nam mới bằng 1/7 đơn vị nghỉ dưỡng. Tốc độ tăng trưởng khách du lịch Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, tiềm năng còn nhiều nên chắc chắn sẽ có nhiều dự án tiếp tục ra đời.

Tuy nhiên, ở trình độ thị trường mới phát triển như Việt Nam, nhà đầu tư thứ cấp cần cẩn trọng, chọn chủ đầu tư có uy tín, năng lực.

"Chúng tôi khảo sát 1 đến 3 năm, có nơi đến 5 năm, kinh doanh khách sạn chưa thể có lãi, mức chi trả lợi nhuận cho khách hàng trong một số trường hợp sẽ là âm. Nếu khách hàng đối diện với mức này sẽ không hài long. Vì vậy, chủ đầu tư cam kết lợi nhuận trong vòng 5 năm đầu. Nhưng dù cam kết lợi nhuận hay không, chủ đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng cũng không thể rũ bỏ trách nhiệm mà phải gắn bó với khách hàng như mối quan hệ vợ chồng lâu dài", bà Lộc nói.

Ngoài ra, theo đại diện Vingroup, câu chuyện đầu tư condotel không giống như nhiều loại hình bất động sản khác có thể lướt sóng. Đầu tư condotel là đầu tư lâu dài hoặc thiên về mục đích như là một "ngôi nhà thứ hai".  Nếu nhà đầu tư vay ngân hàng để mua sẽ không phải là món đầu tư thích hợp.

Trả lời câu hỏi của VnEconomy về khả năng cần phải có một ngân hàng đứng ra bảo lãnh việc cam kết lợi nhuận này để tránh rủi ro cho khách hàng, đại diện Vingroup cho rằng, việc tìm hiểu kỹ về dự án, về năng lực chủ đầu tư cũng như khả năng sinh lời của sản phẩm đó, nó có nằm trong một hệ sinh thái tạo ra giá trị gia tăng cao hay không mới là yếu tố quyết định đến việc thực hiện cam kết lợi nhuận hơn là việc bảo lãnh của ngân hàng.

Trước đó, đồng quan điểm với đại diện Vingroup, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương Mauro Gasparotti, cũng cho rằng, với condotel, mức cam kết lợi nhuận 4 – 6% là hợp lý, mức đó đủ đảm bảo lợi nhuận cho thuê ổn định. Trong trường hợp này người mua vẫn được sử dụng một số ngày nghỉ miễn phí và có cơ hội tiềm năng đạt được lợi nhuận thoái vốn trong trung đến dài hạn, đặc biệt đối với sản phẩm ven biển.

Trong một động thái có liên quan, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) cũng vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan đề nghị sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý quản lý condotel, đảm bảo quyền lợi của khách hàng.

Theo đó, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng có biện pháp yêu cầu các chủ đầu tư dự án condotel có trách nhiệm công bố đầy đủ thông tin về dự án, về quyền sở hữu căn hộ condotel và quyền sử dụng đất có thời hạn khi bán căn hộ condotel cho nhà đầu tư thứ cấp để tránh nhầm lẫn.

Bộ Xây dựng cũng cần yêu cầu chủ đầu tư dự án condotel phải công bố các biện pháp bảo đảm thực hiện cam kết lợi nhuận theo hợp đồng mua bán căn hộ condotel, đồng thời công bố minh bạch các chi phí trang bị căn hộ, chi phí quản lý trong quá trình kinh doanh, các quyền lợi mà "khách hàng-nhà đầu tư thứ cấp" được hưởng.

Ngoài ra, chủ đầu tư cũng cần phải thống nhất với "khách hàng-nhà đầu tư thứ cấp" về việc khai thác, kinh doanh căn hộ condotel sau khi đã hết thời hạn cam kết (sau 8-12 năm) để nhà đầu tư thứ cấp yên tâm đầu tư.