14:40 30/05/2019

Mong đợi cắt bỏ thủ tục vô lý

Anh Nhi

Việc giảm phí đăng ký doanh nghiệp và phí công bố thông tin cho doanh nghiệp là một trong những động thái mới nhất của cơ quan quản lý nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp

Cần loại bỏ hàng loạt thủ tục bất hợp lý để cải thiện môi trường kinh doanh.
Cần loại bỏ hàng loạt thủ tục bất hợp lý để cải thiện môi trường kinh doanh.

Không nhiều, nhưng việc dự kiến giảm phí đăng ký doanh nghiệp và công bố thông tin cho doanh nghiệp có thể là "phát súng" mở đầu cho việc bãi bỏ hàng loạt những quy định không phù hợp để giúp Việt Nam nâng hạng Doing Business trong thời gian tới.

Dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp mới nhất vừa được Bộ Tài chính công bố với những chi tiết đáng chú ý.

Nâng hình ảnh trong Doing Business

Đó là lệ phí đăng ký doanh nghiệp (gồm: cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp) dự kiến sẽ giảm từ 100.000 đồng/lần xuống còn 50.000 đồng/lần. Phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp từ 300.000 đồng/lần xuống còn 100.000 đồng/lần. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh sẽ được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu.

Như vậy, việc giảm phí đăng ký doanh nghiệp và phí công bố thông tin cho doanh nghiệp là một trong những động thái mới nhất của cơ quan quản lý nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sau khi thủ tục đăng ký doanh nghiệp và công bố thông tin được cải tiến và gộp thành 1 thủ tục nhằm giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Theo ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch Đầu tư, để chỉ số khởi sự kinh doanh tăng mạnh, có thể cân nhắc bỏ luôn khoản lệ phí đăng ký doanh nghiệp 50.000 đ/lần như dự thảo mới công bố của Bộ Tài chính, mà chỉ cần thu khoản phí 100.000 đồng/lần cho tất cả các thủ tục. 

"Chúng ta đã gộp từ 2 thủ tục thành 1 thủ tục, nay nên gộp 2 loại phí thành 1 loại phí thì hình ảnh hỗ trợ doanh nghiệp sẽ rõ nét hơn rất nhiều", ông Tuấn nhận định. Mặc dù mức giảm lệ phí này cho doanh nghiệp không lớn, song theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, việc cắt bớt chi phí và đơn giản hoá này có thể sẽ giúp Việt Nam thăng hạng trong bảng xếp hạng Doing Business (DB) 2020 do Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến công bố vào cuối tháng 10/2019.

Tuy nhiên, điều đáng nói, theo ông Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương, "Hiện nay, doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ rất nhiều thủ tục hành chính không cần thiết, trùng lặp phải được rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, cắt giảm lệ phí. Như vậy, doanh nghiệp mới thực sự cảm nhận được sự cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng rẻ hơn và an toàn hơn".

Cần loại bỏ hàng loạt thủ tục bất hợp lý

Do đó, theo ông Hiếu, những thủ tục liên quan tới thuế môn bài, đăng ký lao động... cũng cần phải được sửa đổi theo hướng phù hợp với thực tiễn của thị trường.

Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp mới thành lập phải nộp thuế môn bài ngay trong tháng được cấp đăng ký thuế và cấp mã số thuế. Vị chuyên gia CIEM đặt câu hỏi: "Tại sao không cho phép doanh nghiệp nộp luôn thuế môn bài khi làm các thủ tục đăng ký thuế để tránh phiền phức cho họ bởi hầu hết doanh nghiệp đều không ngại phải đóng ngay mức thuế này trong quá trình thành lập doanh nghiệp". 

Tương tự, đối với thủ tục đăng ký lao động với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, ông Hiếu cũng cho rằng quy định này đang gây nhiều phiền toái. "Rất nhiều doanh nghiệp thời gian này mới khởi sự và đi vào hoạt động.

Do đó, việc khai báo tình hình sử dụng lao động lần đầu không có nhiều ý nghĩa mà chỉ gây thêm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Việc quản lý này chỉ mang tính hình thức khi 6 tháng hay 1 năm sau, bản báo cáo về sử dụng lao động sẽ được doanh nghiệp nộp lên", ông Hiếu nêu quan điểm.

Nếu sửa được những quy định bất hợp lý trên, theo ông Hiếu, sẽ giúp tiết kiệm trăm lượt đi lại giao dịch, tiết kiệm hàng trăm, hàng nghìn tỷ cho doanh nghiệp mỗi năm. Thậm chí, sửa được những điều này, chỉ số khởi sự doanh nghiệp của Việt Nam có thể vượt lên và nằm trong Top 50 của thế giới.