Một năm trắc trở của các doanh nghiệp bảo hiểm
Doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết tăng trưởng gần 12% trong năm 2022 nhưng lãi gộp từ kinh doanh bảo hiểm lại giảm tới 99,84%. Giới phân tích dự báo năm nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam bước vào một mùa tái tục khó khăn do ảnh hưởng từ lạm phát.
Xu hướng thị trường cứng (hard market) đã được xác lập và sẽ còn kéo dài do ảnh hưởng của tổn thất thiên tai, tình trạng lạm phát và thiếu hụt năng lực nhận tái bảo hiểm. Song song đó, các nhà nhận tái bảo hiểm quốc tế đang ngày càng quan tâm hơn đến các yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) và sẽ yêu cầu các đối tác phải có thông tin cụ thể về việc lồng ghép các yếu tố này trong chiến lược kinh doanh.
CÓ 7/11 CÔNG TY SỤT GIẢM MẠNH LỢI NHUẬN
Theo tổng hợp thị trường của VnEconomy, kết thúc năm 2022, quy mô tổng tài sản của 11 doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết đạt xấp xỉ 252 ngàn tỷ đồng, tăng 16,28% so với năm 2021.
Trong đó, tài sản ngắn hạn tăng từ hơn 138,96 ngàn tỷ lên hơn 158,61 ngàn tỷ đồng, chiếm 62,97% tổng tài sản toàn ngành. Phần lớn trong số đó là đầu tư tài chính ngắn hạn (hơn 122 ngàn tỷ đồng, chiếm 77,07% tài sản ngắn hạn). Còn lại là các khoản phải thu ngắn hạn (8,74%), tiền và tương đương tiền chiếm 2,16% (giảm hơn một nửa so với đầu kỳ) và tài sản ngắn hạn khác (2,81%).
Đáng chú ý, năm 2022, do những biến động của thị trường chứng khoán, khoản dự phòng giảm giá chứng khoán của các công ty bảo hiểm tăng gấp 5,5 lần so với năm 2021, từ 66,65 tỷ lên gần 337 tỷ đồng.
Tài sản dài hạn của toàn ngành đạt hơn 93,2 ngàn tỷ đồng, bằng 37,03% tổng tài sản. Trong năm 2022, Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, trong đó nghiêm cấm các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không được đầu tư bất động sản. Do đó, bất động sản đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm giảm tới 36,38% so với năm 2021.
Xấp xỉ 86% tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết được hình thành từ nợ phải trả. Kết thúc năm 2022, quy mô nợ phải trả của toàn ngành là gần 216 ngàn tỷ đồng, tăng 20% so với đầu kỳ. Trong khi đó, quy mô vốn chủ sở hữu lại giảm 1,89%, từ hơn 36,8 ngàn tỷ xuống 36,1 ngàn tỷ đồng.
Năm 2022, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các doanh nghiệp niêm yết đạt 62.556 tỷ đồng, tăng trưởng gần 12% so với 52.343 tỷ đồng của năm 2021. Tuy nhiên, cả chi phí bồi thường và chi phí khác cho hoạt động kinh doanh đều tăng mạnh.
Tổng chi phí bồi thường năm 2022 của các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết là 43,3 ngàn tỷ đồng, tăng 16,9% so với năm trước. Chi phí khác cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm vọt tăng hơn 49%, từ 12.711 tỷ đồng (2021) lên 18.994 tỷ đồng (2022).
Tăng trưởng doanh thu không theo kịp mức tăng phi mã của tổng chi phí khiến lợi nhuận gộp từ kinh doanh bảo hiểm giảm tới 99,4% so với năm 2021, chỉ còn vỏn vẹn hơn 8,64 tỷ đồng.Tuy nhiên, tổng lợi nhuận gộp từ hoạt động tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết trong năm 2022 lại tăng hơn 538% so với 2021 (từ 1.470 tỷ đồng lên 9.381 tỷ đồng).
Mặc dù vậy, lợi nhuận từ hoạt động tài chính không thể nào cứu vãn tình thế. Kết thúc năm 2022, tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết trên sàn chứng khoán vẫn giảm 28,4% so với năm trước, đạt 3.479 tỷ đồng.
Còn tổng lợi nhuận sau thuế của toàn ngành thì giảm tới hơn 37%, chỉ còn 2.759 tỷ đồng so với 4.381 tỷ đồng của năm 2021.
CẬN CẢNH BÁO CÁO TÀI CHÍNH
Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội - MIC (mã chứng khoán: MIG-HOSE) công bố báo cáo tài chính quý 4/2022 với lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 200 tỷ đồng, giảm 29% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế của MIC ghi nhận ở mức 159 tỷ đồng, giảm 29% so với năm 2021.
Năm 2022, tổng chi phí kinh doanh bảo hiểm của MIC tăng tới 47,7% so với năm trước. Trong đó, chi phí bồi thường bảo hiểm là 991,67 tỷ đồng, tăng 34%; chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 55,5%, ở mức hơn 3.190 tỷ đồng.
Hoạt động bảo hiểm đã giúp MIC thu về 579 tỷ đồng lãi thuần, tăng 17% so với cùng kỳ, với động lực từ mảng bảo hiểm con người, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm xe cơ giới.
Tuy nhiên, với hoạt động đầu tư tài chính, lãi thuần MIC đạt được trong kỳ là 161 tỷ đồng, giảm 30% so với năm ngoái, chủ yếu do lãi tiền gửi và tiền ủy thác đầu tư giảm mạnh.
Không được như MIC, Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (mã chứng khoán PGI-HOSE) ghi nhận lợi nhuận “đổ đèo” ở cả hai hoạt động kinh doanh bảo hiểm và đầu tư tài chính.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 9-2023 phát hành ngày 27-02-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam