Một ngân hàng nhỏ “tự bạch”
Những ngày qua, nhân viên Ngân hàng Đại Á (DaiABank) chuyền tay một thư ngỏ với những nội dung đáng chú ý
Không ồn ào, không bề thế nhưng chưa từng bị tai tiếng. Ngân hàng nhỏ này đặt tôn chỉ hoạt động là “minh bạch và lành mạnh”, và họ đang tạo bất ngờ.
Những ngày qua, nhân viên trong hệ thống Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Á (DaiABank) chuyền tay một thư ngỏ với những nội dung đáng chú ý.
Ngắn, chỉ hơn 500 chữ, nhưng thư ngỏ này cho thấy một thực tế đang có trong hệ thống các ngân hàng thương mại; và, dĩ nhiên, là để thông tin về tình hình hoạt động của DaiABank.
Theo một số nhân viên của ngân hàng, thực tế những ngày qua trong hệ thống ít nhiều có sự xáo trộn tâm lý khi câu chuyện tái cấu trúc, mua - bán và sáp nhập ngân hàng mà “vùng trũng” là các ngân hàng nhỏ trở thành chủ đề được nhiều người quan tâm. Có lẽ đó cũng là lý do để Hội đồng Quản trị DaiABank đưa ra thông điệp.
“Chưa có thời điểm nào các doanh nghiệp phải đương đầu với nhiều khó khăn như lúc này. Những sự kiện mà ít ai dự đoán được ngay từ đầu năm 2011”, lá thư mở đầu như vậy.
Đáng chú ý hơn là nhận định: “Từ đầu tháng 9/2011 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ thị cho các ngân hàng thương mại thực hiện huy động với trần lãi suất 14% đi kèm với nhiều biện pháp quyết liệt. Trước những chính sách gần đây của Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng thương mại “bộc lộ” các điểm yếu của họ. Đó là đầu tư quá lớn vào bất động sản, thiếu hụt vốn cho hoạt động kinh doanh…”.
Quả thực, từ thời điểm đó, hoạt động ngân hàng bộc lộ những bất ổn. Và điểm thu hút sự chú ý của dư luận là vai trò, tình trạng sức khỏe, thanh khoản của các ngân hàng nhỏ, thậm chí có những phân tích đặt các yếu tố bất ổn nằm ở đây, sau loạt chuyển đổi của loạt nhà băng từ nông thôn lên đô thị.
Có lẽ đó cũng là bối cảnh để bức thư ngỏ nói trên ra đời, bên cạnh dòng chảy thông tin về tái cấu trúc. Mục đích cụ thể hơn, DaiABank sợ bị đánh đồng?
Trả lời câu hỏi này, ông Lê Hữu Tịnh, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị DaiABank, nêu quan điểm rằng: “Trong kinh doanh hay hoạt động ngân hàng nói chung hiện nay không phân biệt lớn bé, tập đoàn hay doanh nghiệp nhỏ, nếu hoạt động kém, không hiệu quả, mất vốn thì việc hợp nhất, sắp xếp là một tất yếu khách quan. Với ngân hàng, minh bạch, lành mạnh và hiệu quả quan trọng hơn lớn hay bé”.
Trong thư ngỏ, một ý cũng được DaiABank nhấn mạnh tới cán bộ nhân viên rằng: “Đối với Ngân hàng Đại Á chúng ta, dù không bề thế, ồn ào như các ngân hàng thương mại khác nhưng các kết quả đạt được trong hơn 9 tháng đầu năm 2011, càng chứng tỏ những định hướng của Hội đồng Quản trị, cách thức điều hành của Ban Tổng giám đốc là đúng đắn. Đặt an toàn tín dụng, đảm bảo thanh khoản, có hiệu quả là mục tiêu của Đại Á trong thời kỳ khủng hoảng”.
Với thị trường, hẳn có sự bất ngờ khi thông tin mới đây cho thấy, đến 31/10/2011 DaiABank đã đạt 380 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 80% kế hoạch năm. Các chỉ số an toàn, thanh khoản thuộc nhóm cao trong hệ thống và cho thấy không hề thua kém những ngân hàng lớn khác.
Ông Tịnh cũng nói rằng, có thể DaiABank đã bỏ lỡ nhiều cơ hội trong quá khứ, khi năm 2007 - 2008, hay cả những năm gần đây không đẩy mạnh vào những lĩnh vực sinh lời cao như chứng khoán, bất động sản…, mà tập trung cho vay khu vực dân cư, hộ sản xuất và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đó cũng là một lý do ngân hàng này có những bước đi chậm hơn nhiều thành viên vừa chuyển đổi trong những năm vừa qua; nhưng ngược lại không bị sa vào những khó khăn từ những mảng cho phát triển nóng đó.
“Một mặt, vừa chuyển đổi lên ngân hàng đô thị, ít nhiều còn bỡ ngỡ. Nhưng chúng tôi xác định cho mình là tập trung cho một phân khúc quen thuộc và cũng là thế mạnh của mình là khách hàng dân cư, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu vừa và nhỏ như vậy. Vì thế mà có được những khách hàng gắn bó, trung thành. Ở đây, mối quan hệ và thế mạnh không chỉ ở tín dụng mà còn các dịch vụ đi kèm có đóng góp quan trọng trong thu nhập của ngân hàng”, ông Tịnh cho biết thêm.
Đó cũng là cơ sở quan trọng nhất để DaiABank tạo bất ngờ về lợi nhuận trong năm nay. Tất nhiên, song hành là sự hỗ trợ của các cổ đông lớn như Tổng công ty Tín nghĩa, ACB, BIDV, Sonadezi Biên Hòa, Tổng công ty Cao su Đồng Nai… Hoạt động cũng đã được mở rộng nhanh chóng so với năm 2010 với 61 chi nhánh, điểm giao dịch trên cả nước; sản phẩm, dịch vụ được đẩy mạnh qua việc triển khai hệ thống và ứng dụng công nghệ Core Banking…
Bên cạnh con số lợi nhuận, thư ngỏ trên cũng khẳng định: “Với những gì đạt được trong trong gần 10 tháng đầu năm, có thể nói Đại Á là một ngân hàng tốt”. Tốt, được giải thích ở việc kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2% (tính đến 31/10/2011), các hệ số đảm bảo an toàn hoạt động, thanh khoản và khả năng chi trả cao hơn quy định.
Theo ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, “DaiABank là một trong số ít ngân hàng thương mại nhỏ khá “sạch”. Nếu so về tổng tài sản, mạng lưới thì chưa lớn nhưng về các chỉ số an toàn, vốn điều lệ, quá trình hoạt động… thì đây không phải là ngân hàng nhỏ, nhất là ở chỉ tiêu thanh khoản DaiABank còn tốt hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại lớn”.
Cụ thể, đến cuối tháng 10/2011, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản của ngân hàng này đạt 23,35 %; tỷ lệ khả năng chi trả theo ngày đạt 15,71% (quy định là 15%); tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) đạt 24,45% cao hơn nhiều so với quy định 9% của Ngân hàng Nhà nước.
Bên lề câu chuyện thư ngỏ nói trên, lãnh đạo DaiABank cũng đưa ra một thông tin đáng chú ý khác: hai tuần đầu thực hiện nghiêm trần lãi suất 14%/năm theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, DaiABank phải đối diện với áp lực người dân rút tiền gửi để chuyển sang ngân hàng lớn. Nhưng, huy động vốn đã nhanh chóng ổn định; và chỉ trong hai tuần mới đây, lượng vốn huy động tăng tới hơn 800 tỷ đồng.
“Sự trở lại của dòng tiền gửi trong dân cư với chúng tôi là tín hiệu tốt, cho thấy cơ hội vẫn mở cho các ngân hàng nhỏ có hoạt động an toàn và minh bạch. Có thể vị thế trên thị trường còn khiêm tốn so với các ngân hàng lớn, nhưng chúng tôi tự hào về sự an toàn và minh bạch trong thời điểm khó khăn này. Và trong suốt quá trình hoạt động, chúng tôi tự hào vì chưa từng bị tai tiếng gì”, ông Tịnh nói.
Những ngày qua, nhân viên trong hệ thống Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Á (DaiABank) chuyền tay một thư ngỏ với những nội dung đáng chú ý.
Ngắn, chỉ hơn 500 chữ, nhưng thư ngỏ này cho thấy một thực tế đang có trong hệ thống các ngân hàng thương mại; và, dĩ nhiên, là để thông tin về tình hình hoạt động của DaiABank.
Theo một số nhân viên của ngân hàng, thực tế những ngày qua trong hệ thống ít nhiều có sự xáo trộn tâm lý khi câu chuyện tái cấu trúc, mua - bán và sáp nhập ngân hàng mà “vùng trũng” là các ngân hàng nhỏ trở thành chủ đề được nhiều người quan tâm. Có lẽ đó cũng là lý do để Hội đồng Quản trị DaiABank đưa ra thông điệp.
“Chưa có thời điểm nào các doanh nghiệp phải đương đầu với nhiều khó khăn như lúc này. Những sự kiện mà ít ai dự đoán được ngay từ đầu năm 2011”, lá thư mở đầu như vậy.
Đáng chú ý hơn là nhận định: “Từ đầu tháng 9/2011 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ thị cho các ngân hàng thương mại thực hiện huy động với trần lãi suất 14% đi kèm với nhiều biện pháp quyết liệt. Trước những chính sách gần đây của Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng thương mại “bộc lộ” các điểm yếu của họ. Đó là đầu tư quá lớn vào bất động sản, thiếu hụt vốn cho hoạt động kinh doanh…”.
Quả thực, từ thời điểm đó, hoạt động ngân hàng bộc lộ những bất ổn. Và điểm thu hút sự chú ý của dư luận là vai trò, tình trạng sức khỏe, thanh khoản của các ngân hàng nhỏ, thậm chí có những phân tích đặt các yếu tố bất ổn nằm ở đây, sau loạt chuyển đổi của loạt nhà băng từ nông thôn lên đô thị.
Có lẽ đó cũng là bối cảnh để bức thư ngỏ nói trên ra đời, bên cạnh dòng chảy thông tin về tái cấu trúc. Mục đích cụ thể hơn, DaiABank sợ bị đánh đồng?
Trả lời câu hỏi này, ông Lê Hữu Tịnh, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị DaiABank, nêu quan điểm rằng: “Trong kinh doanh hay hoạt động ngân hàng nói chung hiện nay không phân biệt lớn bé, tập đoàn hay doanh nghiệp nhỏ, nếu hoạt động kém, không hiệu quả, mất vốn thì việc hợp nhất, sắp xếp là một tất yếu khách quan. Với ngân hàng, minh bạch, lành mạnh và hiệu quả quan trọng hơn lớn hay bé”.
Trong thư ngỏ, một ý cũng được DaiABank nhấn mạnh tới cán bộ nhân viên rằng: “Đối với Ngân hàng Đại Á chúng ta, dù không bề thế, ồn ào như các ngân hàng thương mại khác nhưng các kết quả đạt được trong hơn 9 tháng đầu năm 2011, càng chứng tỏ những định hướng của Hội đồng Quản trị, cách thức điều hành của Ban Tổng giám đốc là đúng đắn. Đặt an toàn tín dụng, đảm bảo thanh khoản, có hiệu quả là mục tiêu của Đại Á trong thời kỳ khủng hoảng”.
Với thị trường, hẳn có sự bất ngờ khi thông tin mới đây cho thấy, đến 31/10/2011 DaiABank đã đạt 380 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 80% kế hoạch năm. Các chỉ số an toàn, thanh khoản thuộc nhóm cao trong hệ thống và cho thấy không hề thua kém những ngân hàng lớn khác.
Ông Tịnh cũng nói rằng, có thể DaiABank đã bỏ lỡ nhiều cơ hội trong quá khứ, khi năm 2007 - 2008, hay cả những năm gần đây không đẩy mạnh vào những lĩnh vực sinh lời cao như chứng khoán, bất động sản…, mà tập trung cho vay khu vực dân cư, hộ sản xuất và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đó cũng là một lý do ngân hàng này có những bước đi chậm hơn nhiều thành viên vừa chuyển đổi trong những năm vừa qua; nhưng ngược lại không bị sa vào những khó khăn từ những mảng cho phát triển nóng đó.
“Một mặt, vừa chuyển đổi lên ngân hàng đô thị, ít nhiều còn bỡ ngỡ. Nhưng chúng tôi xác định cho mình là tập trung cho một phân khúc quen thuộc và cũng là thế mạnh của mình là khách hàng dân cư, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu vừa và nhỏ như vậy. Vì thế mà có được những khách hàng gắn bó, trung thành. Ở đây, mối quan hệ và thế mạnh không chỉ ở tín dụng mà còn các dịch vụ đi kèm có đóng góp quan trọng trong thu nhập của ngân hàng”, ông Tịnh cho biết thêm.
Đó cũng là cơ sở quan trọng nhất để DaiABank tạo bất ngờ về lợi nhuận trong năm nay. Tất nhiên, song hành là sự hỗ trợ của các cổ đông lớn như Tổng công ty Tín nghĩa, ACB, BIDV, Sonadezi Biên Hòa, Tổng công ty Cao su Đồng Nai… Hoạt động cũng đã được mở rộng nhanh chóng so với năm 2010 với 61 chi nhánh, điểm giao dịch trên cả nước; sản phẩm, dịch vụ được đẩy mạnh qua việc triển khai hệ thống và ứng dụng công nghệ Core Banking…
Bên cạnh con số lợi nhuận, thư ngỏ trên cũng khẳng định: “Với những gì đạt được trong trong gần 10 tháng đầu năm, có thể nói Đại Á là một ngân hàng tốt”. Tốt, được giải thích ở việc kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2% (tính đến 31/10/2011), các hệ số đảm bảo an toàn hoạt động, thanh khoản và khả năng chi trả cao hơn quy định.
Theo ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, “DaiABank là một trong số ít ngân hàng thương mại nhỏ khá “sạch”. Nếu so về tổng tài sản, mạng lưới thì chưa lớn nhưng về các chỉ số an toàn, vốn điều lệ, quá trình hoạt động… thì đây không phải là ngân hàng nhỏ, nhất là ở chỉ tiêu thanh khoản DaiABank còn tốt hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại lớn”.
Cụ thể, đến cuối tháng 10/2011, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản của ngân hàng này đạt 23,35 %; tỷ lệ khả năng chi trả theo ngày đạt 15,71% (quy định là 15%); tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) đạt 24,45% cao hơn nhiều so với quy định 9% của Ngân hàng Nhà nước.
Bên lề câu chuyện thư ngỏ nói trên, lãnh đạo DaiABank cũng đưa ra một thông tin đáng chú ý khác: hai tuần đầu thực hiện nghiêm trần lãi suất 14%/năm theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, DaiABank phải đối diện với áp lực người dân rút tiền gửi để chuyển sang ngân hàng lớn. Nhưng, huy động vốn đã nhanh chóng ổn định; và chỉ trong hai tuần mới đây, lượng vốn huy động tăng tới hơn 800 tỷ đồng.
“Sự trở lại của dòng tiền gửi trong dân cư với chúng tôi là tín hiệu tốt, cho thấy cơ hội vẫn mở cho các ngân hàng nhỏ có hoạt động an toàn và minh bạch. Có thể vị thế trên thị trường còn khiêm tốn so với các ngân hàng lớn, nhưng chúng tôi tự hào về sự an toàn và minh bạch trong thời điểm khó khăn này. Và trong suốt quá trình hoạt động, chúng tôi tự hào vì chưa từng bị tai tiếng gì”, ông Tịnh nói.