Một quỹ ngoại bị xử phạt 85 triệu đồng
SSC vừa công bố việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đối với Asean Deep Value Fund với tổng mức phạt là 85 triệu
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) vừa công bố việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Asean Deep Value Fund với tổng mức phạt là 85 triệu đồng.
Theo đó, Asean Deep Value Fund (Cayman Islands) bị phạt 30 triệu đồng do đã báo cáo không đúng thời hạn cho Ủy ban Chứng khoán, sở giao dịch chứng khoán khi có thay đổi về số lượng cổ phiếu sở hữu vượt quá các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu.
Cụ thể: ngày 25/10/2016, Asean Deep Value Fund, chủ tài khoản số DBHFCA5503 mở tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh - cổ đông lớn của Công ty cổ phần Hồng Hà Việt Nam (mã PHH-UpCom) đã thực hiện giao dịch mua 52.000 cổ phiếu PHH, dẫn đến số lượng cổ phiếu nắm giữ sau giao dịch tăng từ 3.592.750 cổ phiếu lên 3.644.750 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu sau giao dịch tăng từ 19,85% lên 20,14%, tăng từ ngưỡng 19% lên ngưỡng 20%.
Tuy nhiên, đến ngày 29/11/2016, HNX mới nhận được giải trình và báo cáo sở hữu của Asean Deep Value Fund).
Đồng thời, quỹ này bị phạt tiếp 50 triệu đồng do đã báo cáo không đúng thời hạn về việc dự kiến giao dịch. Cụ thể: ngày 28/2/2017, HNX đã nhận được báo cáo của Asean Deep Value Fund - người liên quan với ông David Eric Roes, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (mã API-HNX) đăng ký mua 600.000 cổ phiếu API từ ngày 1/3/2017 đến ngày 31/3/2017.
Ngày 1/3/2017, trên trang thông tin điện tử của HNX công bố thông tin thời gian Asean Deep Value Fund thực hiện giao dịch từ ngày 3/3/2017 đến ngày 31/3/2017. Tuy nhiên, ngày 2/3/2017, Asean Deep Value Fund đã thực hiện mua 100.000 cổ phiếu API.
Được biết, quỹ ngoại này đã khởi kiện API ra Tòa án nhân dân TP. Hà Nội vì cho rằng API vi phạm quy định về họp Đại hội cổ đông. Nguyên nhân của việc khởi kiện API, là trước cuộc họp Đại hội cổ đông, Quỹ đã đăng ký tham gia cuộc họp dưới hình thức ủy quyền cho các cá nhân dự họp và biểu quyết.
Cổ đông nước ngoài này cũng gửi bản fax để API xác nhận. Tuy nhiên, khi các đại diện ủy quyền đến họp Đại hội cổ đông thì không được Ban kiểm tra tư cách cổ đông của API chấp thuận, với lý do giấy ủy quyền chưa được hợp pháp hóa lãnh sự, nên chưa xác minh được tính hợp pháp của những người được ủy quyền.
Trong quá trình giải quyết vụ việc, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là buộc API phải tạm dừng thực hiện 9 nội dung tại Nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên 2017.