13:58 29/09/2011

Một tháng, hai lần đứt cáp quang biển

M.Chung

Chỉ trong vòng một tháng đã hai lần xảy ra sự cố làm đứt cáp quan biển, làm ảnh hưởng đến truy cập Internet của Việt Nam

Sự cố đứt cáp quang biển Liên Á làm ảnh hưởng đến truy cập Internet.
Sự cố đứt cáp quang biển Liên Á làm ảnh hưởng đến truy cập Internet.
Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực (EVN Telecom) vừa cho biết, sự cố đứt cáp quang biển Liên Á (IA) tại vị trí cách Hồng Kông khoảng 69 km, lúc 21h45 phút ngày 28/9/2011, đã gây ảnh hưởng đến tốc độ truy cập Internet của Việt Nam.

Theo EVN Telecom, sự cố trên đã làm tốc độ truy cập Internet của khách hàng sử dụng dịch vụ của nhà mạng này và các nhà cung cấp dịch vụ Internet có sử dụng hệ thống cáp quang biển Liên Á bị chậm lại.

Công ty này cho biết, hiện EVN Telecom đang thực hiện các biện pháp để khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất. Theo đó, dự kiến sẽ khắc phục 50% lưu lượng vào ngày 29/9 và khắc phục hoàn toàn vào ngày 30/9.

Hiện tại công ty cũng đã thông báo sự cố đến tất cả khách hàng và mong khách hàng thông cảm cho các nhà cung cấp dịch vụ.

Như vậy, chỉ trong vòng một tháng đã hai lần xảy ra sự cố làm đứt cáp quan biển. Trước đó, sáng 30/8/2011, tuyến cáp quang biển AAG (Asia America Gateway) đã xảy ra sự cố bất ngờ làm toàn bộ nhánh cáp biển đi vào Việt Nam ở khu vực Vũng Tàu bị ngắt kết nối. 

Sự cố này cũng đã khiến tất cả lưu lượng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam đang hoạt động trên tuyến AAG bị ảnh hưởng.

Tuyến cáp quang biển Liên Á có tốc độ truyền dữ liệu theo thiết kế lên tới 3,84Tbps, với tổng số vốn đầu tư ban đầu là 200 triệu USD và cung cấp dung lượng đầu cuối ban đầu là 320 Gbps. Tuyến cáp này kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hồng Kông, Nhật Bản với tổng chiều dài 6.800 km.

EVN Telecom tham gia đầu tư xây dựng tuyến cáp quang này cùng với nhà đầu tư chính là TATA Communication. Trong đó, EVN Telecom được sử dụng độc quyền 50 Gbps, bằng tổng dung lượng kết nối quốc tế của tất cả các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông ở Việt Nam và cùng với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sở hữu và khai thác hệ thống cáp quang biển này.