08:54 04/06/2007

Một vòng trung tâm tài chính London

Nguyễn Mạnh

Sau hơn 200 năm phát triển, Khu tài chính London hiện có quy mô lớn nhất và quốc tế nhất thế giới

Đã có cả nghìn doanh nghiệp và tổ chức tài chính đến đặt văn phòng đại diện hoặc trụ sở tại khu "Một dặm vuông" này.
Đã có cả nghìn doanh nghiệp và tổ chức tài chính đến đặt văn phòng đại diện hoặc trụ sở tại khu "Một dặm vuông" này.
Việt Nam đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm tài chính có quy mô khu vực tại Hà Nội. Do vậy, lịch sử hình thành, phát triển và các quy chế điều hành một khu trung tâm tài chính lớn như City of London sẽ là những tư liệu quý giá để chúng ta tham khảo, học tập.

Ngoài việc phải xây dựng cho được một cơ sở hạ tầng hiện đại, thì việc xây dựng một trung tâm tài chính còn phải đáp ứng một thách thức không nhỏ là làm sao có được một khuôn khổ pháp lý cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, nhưng cũng không quá chặt chẽ khiến họ nản chí vì luật lệ. 

London, thủ đô nước Anh là một thành phố cổ kính và đã có quan hệ thương mại với các khu vực khác trên thế giới từ nhiều thế kỷ trước, trong đó Khu tài chính London có tầm quan trọng đặc biệt. Rộng 1 dặm vuông, tức là chiếm một diện tích nhỏ, Khu tài chính London (City of London) là một khái niệm, một thương hiệu trong ngành tài chính: “Square Mile”.

Từ trung tâm thương mại thành trung tâm tài chính

Vào thế kỷ 18, City of London là một khu thương mại được chia ra thành các khu buôn bán với nhiều nước trên thế giới mà ngày nay dấu ấn được ghi lại qua các tên phố như Gia cầm, Kim chi, Sữa, hay Chuối... Chính từ hoạt động buôn bán này đã nảy sinh việc đầu cơ vốn của ngành tài chính.

Chính những giao dịch kiểu tay trong tại các quán cà phê thời đó đã manh nha cho sự ra đời của các trung tâm giao dịch nông, lâm thuỷ sản, dệt may, khoáng sản và sở giao dịch chứng khoán sau này.

Để giúp hoạt động giao dịch thuận lợi hơn, vào năm 1566 một thương gia Anh đã xây dựng trung tâm thương mại đầu tiên tại khu "Một dặm vuông". Chính nữ hoàng Elizabeth đệ tam đã đặt tên cho trung tâm giao dịch đầu tiên này là Royal Exchange và mau chóng giúp cho London ngày đó trở thành trung tâm thương mại lớn nhất thế giới. Còn bây giờ, khu "Một dặm vuông" này không chỉ có thương mại, mà đã chuyển sang lĩnh vực tài chính.

Sau hơn 200 năm phát triển, Khu tài chính London hiện có quy mô lớn nhất và quốc tế nhất thế giới. Thị trưởng khu tài chính London, ông John Stuttard, đã ví hoạt động trong khu "Một dặm vuông" như là ngành công nghiệp tài chính của nước Anh. Nguyên liệu cho ngành tài chính là tiền mặt và sản phẩm đầu ra là các công cụ tài chính.

Khu tài chính London đã cung cấp những sản phẩm tài chính chất lượng cao. Điều đó có nghĩa là nếu bạn cần các dịch vụ tài chính vốn để phát triển doanh nghiệp hay những dịch vụ tài chính nợ để vay, City of London có thể cung cấp. Tương tự, nếu bạn muốn thực hiện giao dịch liên quan đến các công cụ tài chính phái sinh, Khu tài chính London cũng là địa chỉ hàng đầu.

Đích đến của nhiều doanh nghiệp

Đã có cả nghìn doanh nghiệp và tổ chức tài chính đến đặt văn phòng đại diện hoặc trụ sở tại khu "Một dặm vuông" này. HSBC, ngân hàng lớn nhất châu Âu, lớn thứ 3 thế giới đã tiếp cận và kinh doanh tại City of London theo cách: mua lại một phần ngân hàng nội địa có tên là Midland và sau đó là sáp nhập toàn bộ. Sau này, đây là chi nhánh lớn nhất trong số 11 chi nhánh mà HSBC đã mở tại nước Anh.

Cùng với HSBC, hiện còn có trên 75% trong tổng số 500 tập đoàn lớn nhất thế giới và hơn 240 ngân hàng lớn hàng đầu thế giới tìm tới City of London để đặt văn phòng và kinh doanh. Nhờ vậy, hiện có tới 90% các vụ buôn bán kim loại, 50% các vụ môi giới tầu biển và 32% các giao dịch ngoại tệ được diễn ra ở khu "Một dặm vuông" này.

Qua hơn 200 năm tồn tại, trung tâm tài chính London đã trở nên già cỗi và quá chật hẹp nên có không ít các tập đoàn lớn đã dọn trụ sở chính ra khỏi khu "Một dặm vuông" để đảm bảo nhu cầu phát triển của mình. Một phương án thành lập khu tài chính mới mang tên Canary Wharf cũng đã được tính đến. Nhưng liệu trong tương lai, nơi mới đó có thể thay thế City of London?

“Đúng là đã có một số lượng lớn công ty dọn ra ngoài trung tâm tài chính London, tuy nhiên chưa thể gọi nơi mới đến là trung tâm tài chính mới được vì hoạt động của những định chế tài chính chủ yếu vẫn diễn ra trong Trung tâm tài chính London. Theo tôi khu "Một dặm vuông" sẽ vẫn được coi là trung tâm tài chính lớn nhất thế giới và các công ty tài chính lớn vẫn tiến hành các hoạt động đầu tư trong City of London chứ không phải tại Canary Wharf", ông Mark Brown nói.

Chỉ tính riêng trong năm 2005, các hoạt động kinh doanh và tài chính chuyên nghiệp đã đem lại một khoản lợi nhuận kếch xù lên tới 22 tỷ bảng cho Vương quốc Anh, trong đó phần lớn số thu này được tạo ra từ “Square Mile”. Tính chung, City of London đóng góp hơn 2% GDP của cả Vương quốc Anh và 12% GDP của thành phố London.

Doanh thu về trao đổi ngoại tệ trung bình một ngày ở trung tâm tài chính London lên tới 1.109 tỷ USD, chiếm 32% toàn cầu. Ngoài ra, có thể thấy quy mô của trung tâm qua những con số đầy ấn tượng khác như chiếm 40% thị trường bất động sản của toàn cầu, 70% trái phiếu Euro được giao dịch tại London và 3.000 tỷ đô la hàng năm dành cho các giao dịch về kim loại...

Đây cũng là thị trường hàng đầu thế giới về lĩnh vực bảo hiểm quốc tế với lợi nhuận về phí bảo hiểm đạt đến 167 tỷ Bảng Anh trong năm 2005...

Bốn yếu tố chủ chốt phát triển trung tâm tài chính

Theo ông John Stuttard, để phát triển thành công một trung tâm tài chính cần một số yếu tố chủ chốt. Ưu tiên trước hết phải là xây dựng cho được một hệ thống luật thương mại hoàn chỉnh.

Thứ hai là cần có một thị trường mở, không phân biệt quốc tịch vì theo cách đó chúng ta mới có thể chuyển giao công nghệ vào trung tâm tài chính.

Thứ ba cần có các quy định không quá phức tạp đóng vai trò nền tảng để đảm bảo môi trường thuận lợi cho phát triển các sản phẩm tài chính mới. Cuối cùng là cần có những người có trình độ để phát triển được những kỹ năng nghiệp vụ.

Khi đã hội tụ đủ bốn yếu tố trên thì cần đến người lãnh đạo. Đó có thể là bộ trưởng bộ tài chính hay cũng có thể là thị trưởng thành phố chịu trách nhiệm đại diện và quảng bá ngành tài chính.

"Việc Việt Nam đã có công ty đầu tiên được niêm yết trên thị trường chứng khoán London, theo tôi, là một bước ngoặt trong lịch sử hai quốc gia và là khởi đầu cho sự hợp tác lâu dài hơn trong lĩnh vực tài chính Việt Nam và Anh quốc”, ông John Stuttard nói.