MSB muốn bán công ty quản lý nợ
Ngân hàng Thương mại Cổ phàn Hàng hải Việt Nam (MSB) muốn bán phần vốn góp tại MSB AMC
Ngân hàng Thương mại Cổ phàn Hàng hải Việt Nam (MSB) vừa có nghị quyết công bố việc chuyển nhượng toàn bộ giá trị phần vốn góp của MSB tại Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB AMC) để thoái vốn, tái cơ cấu danh mục đầu tư.
MSB AMC là một trong hai công ty con trực thuộc ngân hàng với tỷ lệ sở hữu của MSB là 100% vốn, công ty thành lập năm 2008 với vốn điều lệ hiện nay là 100 tỷ đồng.
Đối với công ty con còn lại là Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM), từ cuối năm 2019 ngân hàng này cũng đã chuẩn bị các đợt thương thảo để chuyển nhượng vốn cho Công ty TNHH Hyundai Card, tuy nhiên đến nay hồ sơ vẫn chưa được phê duyệt.
Mới đây, trong báo cáo Kết quả nghiên cứu về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua bán nợ do Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, phần lớn hoạt động của các Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc các ngân hàng thương mại (AMCs) là các nghiệp vụ như thanh lý tài sản gán nợ, quản lý tài sản cầm cổ, thu hồi nợ cho ngân hàng mẹ... Ngoài ra, các AMCs cũng có thực hiện hoạt động mua bán nợ với các tổ chức tín dụng khác nhưng không nhiều, việc mua nợ từ các tổ chức, cá nhân khác hầu như chưa được thực hiện.
Tuy nhiên, hầu hết các AMCs của tổ chức tín dụng được thành lập với mục đích để xử lý nợ xấu của các ngân hàng mẹ, ít tham gia vào thị trường mua bán nợ hoặc có tham gia thì mục đích cũng chỉ giúp các ngân hàng mẹ hoán đổi nợ xấu cho nhau.
Tính ra đến nay, chỉ có 4/30 AMCs đang thực sự vận hành gồm AMCs thuộc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội.