08:54 14/09/2007

Mua bán doanh nghiệp cần tư vấn chuyên nghiệp

Hồng Thoan

Theo dự báo, hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 30-40%/năm trong thời gian tới

Năm 2007 sẽ là năm mở đầu cho sự gia tăng mạnh mẽ các hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam.
Năm 2007 sẽ là năm mở đầu cho sự gia tăng mạnh mẽ các hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam.
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) dự báo rằng hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) sẽ tăng trưởng từ 30-40%/năm trong thời gian tới.

Khả năng đạt được đà tăng trưởng này rất khả quan bởi từ đầu năm 2007 đến nay, số vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp đã gia tăng mạnh cả về số lượng và quy mô.

Trong nửa đầu năm 2007 đã diễn ra tổng số 46 vụ giao dịch đạt tổng giá trị 626 triệu USD, tăng 200% so với tổng năm 2006 và gấp 15 lần so với cùng kỳ năm 2006. Nhiều chuyên gia, công ty tư vấn trên thế giới cũng đánh giá rằng năm 2007 sẽ là năm mở đầu cho sự gia tăng mạnh mẽ các hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam.

Mảnh đất mầu mỡ cho hoạt động mua bán, sáp nhập

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 8/2007, trên cả nước hiện có khoảng 250.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm khoảng 96% tổng số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Như vậy, đại đa số các doanh nghiệp đang hoạt động trên khắp cả nước đều có quy mô vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, số liệu điều tra của Công ty First Asia Limited cho thấy, hơn 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam phải đóng cửa hoặc chuyển nhượng sau 6 năm hoạt động. Nguyên nhân là do kinh doanh thua lỗ, hoặc không còn lợi thế kinh doanh sau một số năm hoạt động, không thích nghi được với sự thay đổi của môi trường kinh doanh, hoặc do cơ hội kinh doanh mới xuất hiện nên doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển hướng đầu tư. Một nguyên nhân quan trọng khác nữa là doanh nghiệp nhỏ và vừa này nhận được những lời đề nghị mua hấp dẫn.

Ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Phát triển kinh doanh của Công ty Cổ phần Mua bán doanh nghiệp và Kết nối đầu tư quốc tế (ICE) khẳng định rằng những doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay sẽ không còn bị dồn vào “chân tường” hay phá sản, giải thể nữa mà hoàn toàn có thể trở thành đối tượng cho các nhà đầu tư khác mua lại.

Đây chính là mảnh đất màu mỡ để hoạt động M&A ở Việt Nam phát triển mạnh trong tương lai không xa. Có lẽ vì thế mà để đi trước đón đầu sự phát triển của hoạt động M&A, ngày càng nhiều công ty tư vấn trong lĩnh vực M&A và nhượng quyền thương hiệu ra đời, phần nào cho thấy sức “nóng” của xu hướng này đã bắt đầu lan toả.

Tại Việt Nam, một số công ty đã được coi là chuyên nghiệp trong lĩnh vực M&A như IDJ, Tigerinvest, First Asia Limited, ICE... Ngoài những công ty chuyên nghiệp, ngay bản thân nhiều doanh nghiệp cũng đã thành lập bộ phận chuyên trách về M&A. Đại diện của một trong các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực M&A cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có điểm yếu là vốn nhỏ, chưa có tiếng tăm, không nắm được nhiều về các vấn đề pháp lý nhưng nhu cầu chuyển nhượng, mua bán doanh nghiệp hoặc tìm vốn đầu tư lại rất lớn.

Không riêng gì các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước mà ngay cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều nhận định rằng khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới thì số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa rơi vào tình trạng phá sản, giải thể sẽ ngày càng tăng nếu các doanh nghiệp không nâng cao năng lực cạnh tranh. Thế nhưng, tình thế nguy nan “ngàn cân treo sợi tóc” này có thể được giải quyết bằng biện pháp sáp nhập hoặc mua bán doanh nghiệp, tìm các nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài.

Thông qua các công ty chuyên nghiệp

Một thực trạng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa từ trước tới nay lại không có nhiều điều kiện và cơ hội để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Để khắc phục hạn chế này, khi mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó đủ sức tự giúp mình thì giải pháp tiếp thị thông qua các công ty chuyên nghiệp, các công ty tư vấn trong lĩnh vực M&A có lẽ là hiệu quả hơn cả.

Chính vì vậy mà trên thương trường đã xuất hiện một số sàn giao dịch ảo nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tìm kiếm các nguồn đầu tư, nguồn vốn từ các doanh nghiệp và tổ chức trong và ngoài nước một cách dễ dàng, hoặc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa định giá và quảng bá miễn phí thương hiệu, tạo kênh kết nối đầu tư để các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước có thể trao đổi, nắm rõ nhu cầu chuyển nhượng, đầu tư nhằm đạt hiệu quả nhất.

Điển hình là mới đây, Công ty ICE đã đưa website sanmuabandoanhnghiep.com đi vào hoạt động, đánh dấu sự tham gia vào thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp và kết nối đầu tư đang dần trở nên sôi động tại thị trường Việt Nam.

Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc điều hành Cty ICE cho biết, tại địa chỉ này các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thêm sự lựa chọn để đấu giá doanh nghiệp, dự án và bất động sản trên sàn đấu giá ảo. Đây là hình thức đấu giá doanh nghiệp khá mới mẻ và hiệu quả lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam với mục tiêu giúp cho các doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức có thể bán doanh nghiệp, dự án, hay bất động sản có thể lớn hơn giá trị mong muốn.

Theo ông Trần Duy Hưng, Giám đốc Công ty First Asia Limited, từ tháng 7-9/2006, chỉ có khoảng 35% số các vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp giao dịch thành công. Tỷ lệ thấp như vậy bởi cả bên bán và bên mua đều không nắm rõ các bước trong quy trình mua bán doanh nghiệp. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp không có các nhà tư vấn, môi giới chuyên sâu trong lĩnh vực M&A. Trong khi hầu hết các hoạt động M&A đều đòi hỏi phải có sự tham gia của các nhà tư vấn, môi giới, luật sư, ngân hàng.

Ông Bùi Văn Tuynh - Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Đại Việt cũng có nhận định tương tự rằng bên mua và bên bán phải thuê một tổ chức tư vấn. Tuy nhiên, về phía các cơ quan chức năng cũng phải sớm hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan nhằm tạo môi trường pháp lý cho hoạt động M&A phát triển để tạo dòng chảy cho thị trường vốn.