16:11 09/11/2012

Mua bán nhà tại Mỹ: Con số nào mang đến “vận may”?

An Huy

Vì sao giá bán nhà ở nhiều khu vực tại Mỹ thường được niêm yết với các con số 7, 8, 9?

Nhân viên môi giới bất động sản Brent Chang đang giới thiệu nhà được rao bán - Ảnh: WSJ.<br>
Nhân viên môi giới bất động sản Brent Chang đang giới thiệu nhà được rao bán - Ảnh: WSJ.<br>
Joe DeVito, một tay môi giới bất động sản ở Brooklyn, New York, đang có trong tay 18 căn nhà được rao bán. Một nửa trong số này có chữ số 8 trong giá chào bán, chỉ có một căn có con số 4 trong mức giá được đưa ra.

Đây đều là những căn nhà ở khu vực Sunsen Park, nơi có nhiều cư dân là người gốc Á. Trong văn hóa của nhiều nước châu Á, nhất là Trung Quốc, con số 8 được coi là một con số may mắn, trong khi số 4 bị coi là con số của sự kém may mắn. “Những căn nhà này được định giá để được bán và mua cùng với sự may mắn”, anh DeVito nói với báo Wall Street Journal.

Tránh xa số 4

Cũng giống như xổ số, bất động sản có thể là một cuộc chơi khác của những con số mà ở đó, sự mê tín luôn giữ một vị trí quan trọng. Theo một nghiên cứu gần đây do trang web về bất động sản Trulia thực hiện tại Mỹ, “sự may mắn” thường đặt ở con số cuối cùng trước dãy số 0 trong giá bán của một căn nhà (chẳng hạn số 8 trong con số 528.000 USD).

Ở những khu vực có nhiều người châu Á sinh sống ở Mỹ, 20% số căn nhà được rao bán có số 8 ở vị trí tương tự, so với tỷ lệ 4% ở những khu vực nơi người châu Á chiếm tỷ lệ thiểu số.

Theo Wall Street Journal, không chỉ người châu Á cầu may ở những con số, mà người bán nhà ở bang Nevada, nhất là tại thủ phủ bài bạc Las Vegas, cũng thận trọng khi cân nhắc sử dụng con số nào trong giá rao bán căn nhà. Tuy nhiên, con số được ưa chuộng ở vùng này là số 7. Ở Nevada, số căn nhà được rao bán có con số 7 trước dãy số 0 trong giá nhiều hơn 37% so với tỷ lệ toàn quốc.

Mua bán nhà tại Mỹ: Con số nào mang đến “vận may”? 1Sự mê tín trong những con số được thể hiện rõ nét đặc biệt ở những nơi mà người gốc Á chiếm trên 50% dân số. Có tới 37% các căn nhà cao cấp có giá từ 1 triệu USD ở những cộng đồng này có giá niêm yết với số 8 đứng trước dãy số 0.

Tại Bible Belt, khu vực bao gồm vùng Đông Nam và Trung Nam của nước Mỹ - con số 316 được sử dụng rất phổ biến trong giá nhà được niêm yết vì đây là một con số may mắn trong kinh Tân ước. Một điều đáng ngạc nhiên là 666 - một con số bị coi là hiện thân của ma quỷ trong quan niệm ở Mỹ - lại được người dân ở Bible Belt dùng trong giá bán nhà nhiều hơn 39% so với tỷ lệ toàn quốc. Bên cạnh đó, trên toàn nước Mỹ, con số 13 được dùng ít hơn khoảng 15% so với con số 12 hoặc 14 trong niêm yết giá nhà.

Sự mê tín trong những con số được thể hiện rõ nét đặc biệt ở những nơi mà người gốc Á chiếm trên 50% dân số. Có tới 37% các căn nhà cao cấp có giá từ 1 triệu USD ở những cộng đồng này có giá niêm yết với số 8 đứng trước dãy số 0.

Theo giáo sư kinh tế học Zili Yang thuộc Đại học Binghamton, trong tiếng Trung Quốc, số 8 được phát âm tương tự như từ “phát” - đồng nghĩa với sự thịnh vượng và giàu có. Trong khi đó, số 4 được phát âm gần giống như chữ “tử”, một từ chỉ sự chết chóc và kém may mắn trong văn hóa Trung Quốc.

“Các công ty đều tránh số 4 trong mọi trường hợp. Người Trung Quốc thậm chí còn không muốn số 4 xuất hiện trên biển số xe”, ông Yang cho biết.

Nhà môi giới địa ốc Brent Chang ở California cho biết, khách hàng của anh tránh xa số 4 trong gần như bất kỳ trường hợp nào. Anh cho biết, khoảng 85% khách hàng gốc Á mà anh gặp chú ý tới các con số khi mua hay bán nhà. “Nếu tôi đề xuất mức giá 2 triệu USD cho một bất động sản nào đó, họ sẽ muốn định giá ở mức 2.188.888 USD. Họ sẽ đưa số 8 vào nhiều nhất có thể”, Chang nói.

Ông Manoj Thomas, giáo sư về marketing thuộc Đại học Cornell cho biết, những con số may mắn là một chiến lược vô thức mà người bán sử dụng. Nếu một người tin rằng một con số nào đó đem đến cho anh ta may mắn và sử dụng con số đó thường xuyên hơn, con số đó sẽ trở nên có tính trực giác đối với anh ta, và anh ta sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi sử dụng nó.

Tuy nhiên, những con số và việc đặt chúng ở vị trí nào, cũng có hiệu ứng vô thức đối với người mua. Người ta thường có xu hướng nhìn vào chữ số ở bên trái của dãy số chỉ giá, theo GS. Thomas, một nhà nghiên cứu tâm lý về xác lập giá cả. Những mức giá mà chữ số ở bên trái thấp hơn sẽ đem đến cho người mua cảm giác là họ mua được hàng rẻ.

Đó là lý do vì sao mà giá cả thường được niêm yết với nhiều con số 9, chẳng hạn 19,99 USD - theo GS. Alan Cooke thuộc Đại học Florida. “Người ta thường có tâm lý làm tròn xuống, bỏ bớt phần 0,99 USD đi, để xem mức giá là 19 USD, thay vì 20 USD”, ông Cooke cho biết.

Đẳng cấp... số nhà

Chiến lược tương tự cũng được sử dụng đối với những căn nhà được rao bán với mức giá dưới 1 triệu USD. Theo số liệu của trang Trulia, thì 54% số căn nhà như vậy được rao bán ở Mỹ có mức giá kết thúc bằng một con số 9. Tuy nhiên, đối với những căn nhà cao cấp lại khác, chỉ có 25% căn nhà có giá trên 1 triệu USD có con số giá kết thúc bằng số 9.

Một giả thuyết được đặt ra ở đây là, những con số 9 được gắn với hàng hóa tiêu dùng hàng loạt, làm giảm sức hấp dẫn đối với những khách hàng cao cấp. Theo ông Jed Koklo, chuyên gia phân tích của Trulia, thì việc đánh vào tâm lý bằng những con số càng trở nên khó khăn hơn, bởi “thật khó để khiến một căn nhà giá 3 triệu USD nghe có vẻ như là rẻ”.

Thay vào đó, những người bán nhà cao cấp có xu hướng dùng con số 5. Với những căn nhà có giá trên 1 triệu USD, 55% có con số 5 đứng trước dãy số 0, chẳng hạn 2,5 triệu USD. Với những căn dưới 1 triệu USD, chỉ có 26% sử dụng số 5 tương tự. Ông Kolko cho biết, 5 là một con số phổ biến trong niêm yết giá nhà.

“Số 5 có một vị trí đặc biệt trong tâm trí mọi người. Chúng ta xem đó là điểm giữa trong dãy số từ 1 đến 10 và thường có xu hướng tự động so sánh một con số 1 chữ số nào đó là cao hay thấp hơn 5”, GS. Thomas nói.

Theo vị giáo sư này, sau khi đã xác định được mức giá phù hợp cho căn nhà của mình, người muốn bán nhà có thể thiết lập một con số giá cụ thể sau khi có những phân tích như trên. “Điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt”, ông khẳng định.

GS. Thomas cho rằng, sử dụng số lẻ sẽ đem đến cho người mua cảm giác mua được rẻ, trong khi số tròn nên được sử dụng cho những thứ có mức giá lớn. “Bạn có thể niêm yết một căn nhà với giá 500.000 USD hoặc 505.550 USD. Giá thứ hai sẽ hấp dẫn hơn là giá thứ nhất”, ông khuyên.

Mua bán nhà tại Mỹ: Con số nào mang đến “vận may”? 2Trong một số trường hợp, sử dụng những con số may mắn đúng là một cách để nổi bật trên thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, chiến lược này có thể phản tác dụng nếu con số quá lẻ. Chẳng hạn, con số giá 1.328.972 USD, có thể khiến khách mua tiềm năng bỏ chạy. Do dạng những con số “dị” như thế ít được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, người ta cảm thấy khó “hợp tác” với chúng và có thể vô thức từ chối sử dụng chúng.

Trong một số trường hợp, sử dụng những con số may mắn đúng là một cách để nổi bật trên thị trường bất động sản. Bộ ba số 7 được sử dụng với ở bang Nevada nhiều gấp ba lần toàn nước Mỹ. Cô Tina Ott, một người ở bang Minnesota cho biết, từ năm 1995 đến nay, lần nào bán nhà gia đình cô cũng rao giá với bộ ba số 7. “Thay vì rao với mức giá 319.900 USD, chúng tôi đưa ra mức giá 319.777 USD”, cô Ott nói.

Những con số không chỉ có ảnh hưởng tới giá mà còn cả tới địa chỉ của các căn nhà. Trong một báo cáo công bố hai năm trước, giáo sư kinh tế học Nicole Fortin thuộc Đại học Columbia, phát hiện ra rằng, người mua nhà tại các khu vực đông người gốc Hoa sinh sống ở Vancouver, Canada, sẵn sàng trả giá cao hơn để mua được những căn nhà có số đẹp hơn.

Theo bà Fortin, người mua thường trả giá cao hơn 2-3% để mua những căn nhà có số kết thúc bằng số 8, trong khi người bán chấp nhận chịu giảm giá 2% để bán những căn nhà có số kết thúc bằng số 4. Xu hướng này càng được thể hiện rõ ở phân khúc thị trường nhà ở hạng sang. “Nhà có số đẹp cũng được coi là cao cấp, là danh giá”, GS. Fortin cho biết.

Nhà môi giới bất động sản Brent Chang ở California thì khẳng định: “Nếu anh có một căn nhà rao bán ở số 180, thì chắc chắn là khách châu Á sẽ rất quan tâm”.