08:02 28/09/2023

Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại Thanh Hóa

Nguyễn Thuấn

Mưa, lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã khiến 2 người mất tích, hàng trăm hecta diện tích cây trồng bị ngập nước, một số địa phương bị chia cắt cục bộ...

Nước lên nhanh khiến một số hộ dân ở xã Thượng Ninh và thôn Thanh Sơn, xã Thanh Sơn và xã Thanh Quân (huyện Như Xuân) bị cô lập, chia cắt với bên ngoài.
Nước lên nhanh khiến một số hộ dân ở xã Thượng Ninh và thôn Thanh Sơn, xã Thanh Sơn và xã Thanh Quân (huyện Như Xuân) bị cô lập, chia cắt với bên ngoài.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa về tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lớn trên địa bàn tỉnh tính đến cuối ngày 27/9, đã có 2 người bị mất tích do mưa lũ. Hiện chính quyền, nhân dân và lực lượng chức năng đang khẩn trương tìm kiếm nạn nhân.

Về thiệt hại về giao thông, theo báo cáo, đối với  các tuyến quốc lộ uỷ thác do tỉnh quản lý: mưa lớn đã gây sạt taluy dương tại 3 vị trí với khối lượng khoảng 950m3 trên tuyến quốc lộ 15C, quốc lộ 217; xói lở lề đường tại 5 vị trí trên tuyến quốc lộ 217B với chiều dài khoảng 40m3; sa bồi mặt đường đường tại 8 vị trí trên tuyến quốc lộ 217B với khối lượng khoảng 70m3...

Mưa lớn gây xói lở mặt đường tại km2+420 đường tỉnh 520B đoạn qua xã Hóa Quỳ (huyện Như Xuân).
Mưa lớn gây xói lở mặt đường tại km2+420 đường tỉnh 520B đoạn qua xã Hóa Quỳ (huyện Như Xuân).

Trên các tuyến đường tỉnh có 12 vị trí taluy dương bị sạt với khối lượng khoảng 650m3; xói lở mặt đường tại 2 vị trí trên tuyến đường tỉnh 520B với chiều dài khoảng 100m; sa bồi mặt đường tại 50 vị trí với khối lượng khoảng 320m3; xói lở lề đường tại 21 vị trí trên các tuyến đường tỉnh 523B và 516.

Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa cắm biển cấm người qua lại tại khu vực đập tràn thuộc huyện Thường Xuân.
Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa cắm biển cấm người qua lại tại khu vực đập tràn thuộc huyện Thường Xuân.

Về nông nghiệp, tính đến 17h00 ngày 27/9, mưa lớn đã gây ngập lụt cục bộ một số diện tích cây trồng, cụ thể: Tổng diện tích lúa đang bị ngập 2/3 thân cây khoảng 891,6 ha; trong đó: huyện Thạch Thành 97,5 ha; huyện Vĩnh Lộc 1,5 ha; huyện Ngọc Lặc 25,4 ha; huyện Như Thanh 2,15 ha; huyện Cẩm Thuỷ 19,4 ha; huyện Hà Trung 650 ha; huyện Như Xuân 55 ha; huyện Thường Xuân 40,65 ha.

Nhiều diện tích lúa tại xã Minh Tân (huyện Vĩnh Lộc) bị gãy đổ, ngập chìm trong nước
Nhiều diện tích lúa tại xã Minh Tân (huyện Vĩnh Lộc) bị gãy đổ, ngập chìm trong nước

Tổng diện tích rau màu và các cây trồng khác bị ngập khoảng 520,69 ha; trong đó: huyện Hoằng Hoá 65 ha; huyện Vĩnh Lộc 152,94 ha; huyện Ngọc Lặc 36,3 ha; huyện Như Thanh 45,5 ha; huyện Nông Cống 61 ha; huyện Cẩm Thuỷ 132 ha; huyện Thường Xuân 27,95 ha. Ngoài ta, có hơn 17 ha diện tích ao nuôi trồng thuỷ sản bị ngập.

Toàn tỉnh Thanh Hóa có 20 hộ bị ảnh hưởng do ngập lụt, sạt lở đất tại huyện Thường Xuân; sạt lở mái đê phía sông tại K15+900 đê tả sông Hoàng, xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn với chiều dài 10m và 230 m tường rào bị đổ tại huyện Như Thanh.

Theo thông tin ban đầu, mưa lớn đã gây ra thiệt tại tại một số địa phương tại tỉnh Thanh Hóa:

Tại huyện Quan Hoá, mưa lớn nhiều ngày, đất bị ngấm nước đã gây nên tình trạng sạt lở tại quốc lộ 15 đoạn qua địa bàn xã Phú Xuân. Hiện lãnh đạo huyện Quan Hoá và xã Phú Xuân đang huy động lực lượng, phương tiện giải toả đất, đá sạt lở tràn xuống lòng đường.

Lãnh đạo UBND huyện Quan Hoá chỉ đạo giải toả sạt lở tại Quốc lộ 15 đoạn qua địa bàn xã Phú Xuân
Lãnh đạo UBND huyện Quan Hoá chỉ đạo giải toả sạt lở tại Quốc lộ 15 đoạn qua địa bàn xã Phú Xuân

Tại huyện Như Xuân, thông tin từ UBND xã Bình Lương (Như Xuân), cho biết: Hiện trên địa bàn có một trường hợp là ông Cao Ngọc Trường ở thôn Quang Trung đi bắt cá tối 26/9 trên các đoạn sông thôn Làng Mài. Sáng 27-9 gia đình mất liên lạc với ông Trường và nghi bị nước cuốn trôi. Cấp ủy, chính quyền xã Bình Lương đã tổ chức lực lượng đi dọc sông Hân để tìm kiếm người mất tích. Cùng với đó, nhiều đoạn đường trên địa bàn huyện bị chia cắt, một số thôn bị cô lập. Sáng 27/9, Bí thư huyện ủy Lương Thị Hoa đã dẫn đầu đoàn công tác đến kiểm tra tình hình mưa lũ tại các xã Hóa Quỳ, Bình Lương, Tân Bình, Xuân Hòa.

Hiện nay, trên địa bàn có 55 ha lúa bị ngập, 0,7 ha cây các loại bị ngập; các đường giao từ thị trấn Yên Cát đi xã Thanh Quân đoạn qua xã Cát Vân bị sạt lở (20m3 đất); một số tuyến đường liên thôn, liên xã trên địa bàn các xã bị ngập gây chia cắt; riêng thôn Thanh Sơn, xã Thanh Sơn do nước dâng cao đang bị cô lập.

Nước lên nhanh khiến một số hộ dân ở xã Thượng Ninh và thôn Thanh Sơn, xã Thanh Sơn và xã Thanh Quân (huyện Như Xuân) bị cô lập, chia cắt với bên ngoài.
Nước lên nhanh khiến một số hộ dân ở xã Thượng Ninh và thôn Thanh Sơn, xã Thanh Sơn và xã Thanh Quân (huyện Như Xuân) bị cô lập, chia cắt với bên ngoài.

Thông tin từ huyện Lang Chánh cho biết do mưa lớn kéo dài những điểm thường xuyên bị ngập lụt trên địa tràn huyện như, tràn Suối Mòng xã Tân Phúc; tràn suối Lưỡi khu Phố Chí Linh, thị trấn Lang Chánh... mực nước đang dâng cao, ảnh hưởng đến giao thông. 

Hiện mực nước qua tràn Suối Mòng đã vượt qua tràn chừng 40 cm, chính quyền địa phương đang cắt cử lực lượng túc trực 24/24 để cấm các loại phương tiện và người dân qua lại.

Lực lượng chức năng trực cấm các phương tiện qua tràn Suối Mòng xã Tân Phúc (Lang Chánh).
Lực lượng chức năng trực cấm các phương tiện qua tràn Suối Mòng xã Tân Phúc (Lang Chánh).

Tại điểm tràn suối Lưỡi khu Phố Chí Linh hiện tại mực nước đang dâng cao, chính quyền thị trấn cũng đã cử lực lượng Công an túc trực, để không cho phương tiện, người dân qua tràn.

Trước tình hình mưa lớn đang diễn ra trên địa bàn lãnh đạo huyện Lang Chánh đã trực tiếp đi kiểm tra các điểm nguy cơ ngập lụt cao và yêu cầu các địa phương trong toàn huyện khẩn trương chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn, nhất là những điểm có nguy cơ cao, đã được cảnh báo. Cùng với đó thông báo tới từng hộ dân để chủ động ứng phó, không để bị động, bất ngời, thực hiện nghiêm việc ứng trực 24/24h bảo đảm tuyệt đối, an toàn tài sản, tính mạng của nhân dân. 

Riêng khu phố Chiềng Trải thị trấn Lang Chánh có gần 40 hộ với 135 nhân khẩu trong diện nguy cơ bị ngập lụt khi nước trên sông Âm lên cao, huyện cũng đã xây dựng phương án, động viên người dân bình tĩnh và chủ động mọi hành trang với phương châm nhanh chóng, khẩn trương, sẵn sàng di dời tài sản khi có tình huống xảy ra. Hiện tại mực nước sông Âm vẫn trong ngưỡng an toàn.

Hai ngày qua trên địa bàn huyện Thạch Thành đã có mưa vừa đến mưa rất to; vào hồi 13h lượng mưa đo được tại Trạm Thủy văn thị trấn Kim tân khoảng trên 180 mm. Mưa lớn đã gây ngập úng cục bộ tại các điểm tràn thuộc tuyến đường giao thông liên huyện từ xã Thạch Tượng (Thạch Thành) đi huyện Bá Thước và tuyến đường tỉnh 522 điểm tràn xã Thành Long đi xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc), nước ngập sâu từ 50 – 60cm gây khó khăn cho người và phương tiện qua lại, nhất là gây nguy hiểm đối với các cháu học sinh khi qua khu vực này. Mưa lớn kết hợp nước thượng nguồn Hòa Bình đổ về nhanh đã làm cho mực nước sông Bưởi lên nhanh, tính đến 18h chiều 27/9, lũ trên sông Bưởi gây ngập và sạt lở một số khu vực đất canh tác của người dân trên địa bàn huyện Thạch Thành. Cá biệt, mưa lũ đã gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông đoạn qua thôn Vọng Thủy, xã Thành Trực.  Đoạn bị sạt lở có chiều dài khoảng 1.400m, tiếp giáp với nơi sinh sống của 22 hộ dân với 82 nhân khẩu. 

Trước tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã ký ban hành Quyết định số 3466/QĐ-UBND, công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Bưởi tại thôn Vọng Thủy, xã Thành Trực.

Khu vực sân vận động xã Thành Trực bị sạt lở
Khu vực sân vận động xã Thành Trực bị sạt lở

UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND huyện Thạch Thành và các sở, ngành liên quan cần áp dụng ngay một số biện pháp để đảm bảo an toàn tính mạng người dân và tài sản.

Bên cạnh đó, đoạn bờ bị sạt lở cũng tiếp giáp với nền, móng của nhiều công trình quan trọng, như nhà bia tưởng niệm liệt sĩ, nhà văn hóa xã, đường điện 110 KV, đường tỉnh 523. Cục bộ có vị trí mép sạt chỉ còn cách móng nhà dân 1-2 m, cách đường tỉnh 523 từ 4-6 m.

Đập tràn thuộc xã Thành Long (huyện Thạch Thành) hiện có mức nước dâng cao, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Đập tràn thuộc xã Thành Long (huyện Thạch Thành) hiện có mức nước dâng cao, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

Ban Chỉ huy Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Thạch Thành đã tăng cường lực lượng bán sát cơ sở kiểm tra, huy động lực lượng trực 24/24 tại các điểm tràn bị ngập lụt, các tuyến đê sông Bưởi, hồ đập xung yếu sẵn sàng các vật tư, lực lượng, phương tiện ứng hộ ngay từ giờ đầu.

Bí thư Thanh Hóa ông Đỗ Trọng Hưng đi kiểm tra tình hình mưa lũ tại huyện Như Thanh
Bí thư Thanh Hóa ông Đỗ Trọng Hưng đi kiểm tra tình hình mưa lũ tại huyện Như Thanh

Tại huyện Thường Xuân, mưa lớn đã làm ngập nhiều diện tích cây nông nghiệp tại các xã Thọ Thanh, Xuân Dương, Lương Sơn, Luận Thành...Nước dâng cao cũng làm ngập tràn Hón Dụ xã Luận Khê, tràn Hàng Cáu xã Vạn Xuân, tràn Nàng xã Tân Thành, tràn thôn Khoong xã Yên Nhân... gây cô lập một số xã và thôn trong huyện. Mưa lớn dài ngày cũng đã gây nên một số điểm bị sạt lở, làm gãy đổ cột điện, cây cối hoa màu.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn kiểm tra chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ tại huyện Hà Trung. Ảnh Lê Đồng
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn kiểm tra chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ tại huyện Hà Trung. Ảnh Lê Đồng

Tại huyện Mường Lát, dông lốc đã làm tốc mái 1 ngôi nhà của người dân tại bản Đông Ban, xã Pù Nhi; 4 ha lúa nước ở thị trấn Mường Lát bị đổ ngã. Mưa lớn kéo dài trên diện rộng còn gây hiện tượng sụt lún nền nhà của một số hộ dân và xuất hiện nhiều vết rạn nứt taluy đồi đất, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân nằm sát chân đồi. Lãnh đạo UBND huyện đã trực tiếp xuống kiểm tra hiện trường, động viên các gia đình bị thiệt hại. Đồng thời, chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời cho Nhân dân để chủ động phòng tránh. Huy động lực lượng xung kích rà soát, thống kê các hộ dân nằm trong vùng thiên tai nguy hiểm để có phương án di chuyển, sơ tán kịp thời khi cần thiết; chuẩn bị tốt công tác phòng, tránh theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang kiểm tra sạt lở trên Quốc lộ 15 đoạn qua xã Phú Xuân (Quan Hóa). Ảnh Lê Hợi
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang kiểm tra sạt lở trên Quốc lộ 15 đoạn qua xã Phú Xuân (Quan Hóa). Ảnh Lê Hợi

Để chủ động triển khai ứng phó với mưa, lũ và các hình thái thiên tai khác do mưa lớn gây ra, tỉnh Thanh Hoá đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Công văn số 14417/UBND-NN, ngày 27/9/2023 về việc triển khai ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; Ban Chỉ huy Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã ban hành 3 Công điện phát lệnh Báo động lũ trên các tuyến sông và 3 Công văn chỉ đạo ứng phó với thiên tai.

Ngay trong ngày 27/9, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thanh Hoá đã thành lập 3 Đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo tỉnh làm trưởng đoàn, cùng với Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với thiên tai tại các địa phương.