Mua sắm trên Temu: Nguy cơ chất lượng sản phẩm và quyền lợi người tiêu dùng
Chỉ 3 ngày để một đơn hàng đặt tại Quảng Đông (Trung Quốc) được vận chuyển đến Hà Nội, đó là điều gần như không tưởng đối với việc mua hàng online từ các quốc gia châu Á. Với các sàn thương mại điện tử khác, thời gian sẽ mất khoảng 7 - 10 ngày...
Nhiều người tiêu dùng Việt Nam bị thu hút bởi các sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nhờ mức giá rẻ và sự đa dạng về mẫu mã. Nhưng thời gian giao hàng nhanh cũng là một điểm cộng lớn khiến nhiều người tiêu dùng háo hức muốn thử mua sắm trên Temu.
Trước khi Temu vào Việt Nam, Shein - một ứng dụng mua sắm thời trang nhanh khác cũng đã hoạt động âm thầm theo cách tương tự. Ứng dụng Shein hiện đã có hỗ trợ tiếng Việt cũng như hỗ trợ đặt hàng gửi về Việt Nam, cho phép thanh toán khi nhận hàng hoặc qua thẻ tín dụng. Hàng tháng, nền tảng cũng có các các chương trình giảm giá lớn và trang fanpage của Shein cũng hiển thị tiếng Việt cùng những hoạt động quảng bá rầm rộ.
Thực tế, các sàn thương mại điện tử từ Trung Quốc như Shein, Temu, 1688, Taobao, và Alibaba nắm trong tay lợi thế cạnh tranh rất lớn tại Việt Nam nhờ nguồn hàng phong phú, hệ thống logistics tối ưu và chiến dịch quảng cáo, khuyến mãi ấn tượng. Theo thống kê của JP Morgan, Temu đã chi hơn 1,7 tỷ USD chỉ để quảng cáo tại Hoa Kỳ vào năm ngoái, và dự kiến năm 2024 sẽ tăng lên 3 tỷ USD. Với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, Temu và Shein dễ dàng thực hiện các chiến dịch giảm giá sâu, miễn phí vận chuyển, và chấp nhận lỗ để thu hút người tiêu dùng.
Đặc biệt, Temu trả hoa hồng lên đến 30% cho người làm tiếp thị liên kết, tạo động lực lớn để họ quảng bá và thu hút khách hàng mới. Những chiến lược này khiến nhiều quốc gia phải thắt chặt quản lý, như Indonesia cấm Temu hoàn toàn để bảo vệ thị trường nội địa, hay Thái Lan tăng thuế, và Âu - Mỹ siết chặt quy định nhập khẩu.
Nhận định về vấn đề này, ông Đỗ Hữu Hưng, Giám đốc điều hành Công ty Accesstrade Việt Nam cho biết, Temu mới vào Việt Nam, người tiêu dùng mới đang tham gia ở mức trải nghiệm, mua sắm những mặt hàng thông dụng có mức giá thấp mang tính thăm dò. “Đây là cơ hội trải nghiệm mua sắm với người tiêu dùng nhưng cũng là thách thức với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước trong dài hạn, buộc các nhà sản xuất trong nước nâng cao chất lượng hàng hóa, thúc đẩy đầu tư vào logistics... Bên cạnh đó, vấn đề thất thu thuế cũng là bài toán cần được tháo gỡ để tránh gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước”.
Để kiểm soát chất lượng, nguồn gốc hàng hóa, đảm bảo cạnh tranh với doanh nghiệp, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Bình Minh khuyến nghị cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cùng đó, tạo hành lang pháp lý quản lý chặt chẽ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Mặt khác, tăng cường kiểm tra, giám sát ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế qua thương mại điện tử để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm công bằng cho doanh nghiệp trong nước.
Còn theo đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), trong lúc các sàn thương mại điện tử đã được cấp phép như Shopee, Lazada hay Tiki chịu sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, chấp hành các quy định về thuế, bảo vệ người tiêu dùng… các sàn như Temu, Shein và 1688 ngang nhiên hoạt động không phép, đồng nghĩa với việc sẽ chưa hoặc không nộp thuế, không chịu sự kiểm soát, tạo ra cuộc chơi không công bằng.
Ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương) nhân định, theo quy định hiện nay, các chương trình khuyến mại tập trung do cơ quan chức năng thực hiện vào dịp lễ, Tết, mức khuyến mại đối với hàng hóa, dịch vụ tham gia chương trình có thể từ 50% và tối đa 100%. Ngoài chương trình trên, việc xử lý vi phạm khuyến mại trên 50% cũng được cơ quan chức năng của Bộ Công Thương (như Cục Xúc tiến thương mại, Tổng Cục Quản lý thị trường và Sở Công Thương) thường xuyên kiểm tra các sàn thương mại điện tử.
“Hiện các cơ quan quản lý Nhà nước đã phối hợp cùng Hiệp hội thương mại điện tử nhằm đảm bảo có đầy đủ thông tin để đưa ra các quyết sách phù hợp, đảm bảo hoạt động của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam đúng pháp luật, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh công bằng,” ông Hoàng Ninh nói.
Chiều 1/11, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương vừa đưa ra cảnh bảo tới người tiêu dùng về rủi ro mua sắm trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký cấp phép như Temu, Shein, 1688... Theo đó, khi các nền tảng thương mại xuyên biên giới nếu chưa hoàn thiện các nghĩa vụ đăng ký, cấp phép tại Việt Nam theo quy định sẽ không chịu sự giám sát từ các cơ quan chức năng về chất lượng hàng hóa hay cam kết về dịch vụ hậu mãi.
Trong trường hợp giao dịch phát sinh vấn đề không mong muốn, người tiêu dùng có nguy cơ đối mặt với một số rủi ro. Đầu tiên, người tiêu dùng khi phát hiện sản phẩm nhận được không đúng mô tả, phát sinh lỗi, hỏng hóc hoặc có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe, việc người tiêu dùng yêu cầu hoàn trả hoặc bảo hành sản phẩm sẽ trở nên khó khăn.
Cũng theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký, người tiêu dùng thường phải cung cấp các thông tin thanh toán phạm vi quốc tế như thẻ tín dụng hoặc thông tin ví điện tử. Những dữ liệu này, nếu không được quản lý và bảo vệ theo các quy định của pháp luật Việt Nam, có nguy cơ bị đánh cắp hoặc bị khai thác trái phép, dẫn đến các rủi ro lớn về bảo mật thông tin cá nhân.
Đặc biệt, nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký không có các cam kết về bảo mật thông tin người tiêu dùng theo quy định của Việt Nam, không có quy trình xử lý sự cố trong trường hợp xảy ra vấn đề và đương nhiên cũng không có trách nhiệm, nghĩa vụ pháp lý theo quy định tại Việt Nam. Do đó, nguy cơ rò rỉ thông tin, dữ liệu cá nhân người tiêu dùng trong quá trình phát sinh các giao dịch trên các nền tảng chưa đăng ký trên là rất lớn, tiềm ẩn khả năng gây ra những tổn thất lớn và ảnh hưởng lâu dài đến người tiêu dùng.
Đặc biệt, cục này cũng khuyến cáo, hàng hóa mua từ các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới không lường trước được các nghĩa vụ thuế với mặt hàng nhập khẩu, dẫn đến những vấn đề liên quan đến nghĩa vụ thuế và các vấn đề pháp lý khi sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này có thể khiến người tiêu dùng gặp rắc rối khi sản phẩm bị giữ lại tại cửa khẩu hoặc phải chịu thêm các chi phí phát sinh do thuế không được dự tính hoặc không như thông báo ban đầu.