14:38 05/06/2013

“Mũi tên thứ ba” của Thủ tướng Nhật

Thanh Hải

Nhật Bản sẽ tự do hóa hoàn toàn thị trường điện bán lẻ

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.<br>
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.<br>
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm nay (5/6) đã công bố chiến lược dài hạn về việc phục hồi nền kinh tế, trong đó gồm việc lập các khu kinh tế đặc biệt để hấp dẫn đầu tư nước ngoài vào các ngành như công nghệ và quản trị nhân lực.

Ông Abe nói rằng, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiến hành tự do hóa hoàn toàn thị trường điện bán lẻ và hướng tới thúc đẩy chi phí đầu tư liên quan tới điện lực lên mức 30 nghìn tỷ Yên (300 tỷ USD) trong vòng 10 năm tới.

Theo hãng tin CNBC, kế hoạch dài hạn này là "mũi tên" thứ ba trong chiến lược ba mũi tên của ông Abe đối với kinh tế Nhật Bản. Hai mũi còn lại là các gói kích thích tiền tệ và tài chính đã được thực thi trong năm nay.

Tuy nhiên, giới phân tích kinh tế cho rằng, nếu không có những thay đổi về cơ cấu thì các chính sách kinh tế mạnh mẽ của ông Abe cũng vẫn thất bại. Hiện Nhật Bản đang là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ. Nước này cho tới nay vẫn chưa hoàn toàn giảm bớt được những ảnh hưởng từ tình trạng giảm phát và liên tục thoát ra, rồi lại rơi trở lại suy thoái và nhiều nỗ lực được đưa ra nhưng chuốc phải thất bại nặng nề.

Trên thực tế, tình hình nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã có nhiều dấu hiệu tốt hơn kể từ sau khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền lãnh đạo và thực thi một loạt những chương trình cải cách, với mục tiêu giúp Nhật Bản thoát ra khỏi những khó khăn hiện tại.

Tờ The Economist số ra ngày 18/5 từng bình luận rằng, đương kim Thủ tướng Nhật Bản là một người “có tầm nhìn về một nước Nhật Bản thịnh vượng và có lòng yêu nước”.

Kể từ khi bị Trung Quốc qua mặt và đoạt lấy danh hiệu "nền kinh tế lớn thứ hai thế giới" vào năm 2010, hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản đã rơi vào tình trạng trì trệ và đồng Yên nhiều lúc o ép lợi ích kinh tế. Nhưng với việc đồng Yên giảm giá so với USD nhờ chính sách của ông Abe, các nhà xuất khẩu của xứ sở mặt trời mọc đã bắt đầu lấy lại được niềm tin và lợi nhuận. Thị trường xuất khẩu phục hồi đã giúp nền kinh tế Nhật Bản sôi động trở lại.

Quý 1 vừa qua, tăng trưởng GDP của Nhật Bản đạt 0,9%, giữa lúc khu vực đồng tiền chung châu Âu tiếp tục chìm trong đợt suy thoái dài nhất trong lịch sử khối này. Kinh tế Nhật Bản vượt lên là nhờ kim ngạch xuất khẩu trong ba tháng đầu năm tăng 3,8%, chủ yếu là các mặt hàng xe ôtô và máy móc vào thị trường Mỹ và sự ổn định của tiêu thụ nội địa. Chỉ số chứng khoán Nikkei 225 đã tăng khoảng 70% kể từ tháng 11 năm ngoái.

Chuyên gia kinh tế Hideki Matsumura thuộc Viện Nghiên cứu Nhật Bản nhận định, triển vọng lạc quan hơn của nền kinh tế làm tăng giá trị các loại tài sản, trong đó bao gồm cổ phiếu. Do đó chi tiêu cá nhân tăng trở lại và lĩnh vực xuất khẩu cũng đang được phục hồi. Còn theo ông Taro Saito, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu NLI ở Tokyo, kinh tế Nhật Bản đã bước vào con đường phục hồi toàn diện sau khi chạm đáy cuối năm 2012.

Do đó, nhiều chuyên gia tin tưởng chiến lược phục hồi kinh tế "ba mũi tên" của ông Shinzo Abe sẽ thành công. Tuy nhiên, cũng có không ít quan điểm cho rằng, chính sách này sẽ khó gây được ảnh hưởng lâu dài cho kinh tế Nhật, vốn đã trì trệ quá lâu. Trong suốt quá trình dài hơn 15 năm qua, người ta đã quá quen thuộc với hình ảnh một nước Nhật giảm phát và trì trệ, khó có khả năng thoát khỏi tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng.

Ngay như việc đồng Yên giảm giá cũng không hoàn toàn là yếu tố có lợi, bởi nó có tác động tích cực tới xuất khẩu nhưng lại khiến chi phí nhập khẩu tăng mạnh và kéo dãn thâm hụt thương mại của Nhật Bản. Chưa hết, việc tăng chi tiêu công trong lúc nợ công của Nhật Bản đang chất cao như núi, có thể làm gánh nặng này thêm khó gánh hơn và mức lạm phát cao hơn có thể khiến lãi suất tăng cao, từ đó làm tăng thêm chi phí vay mượn.