13:31 02/11/2009

Mỹ chứng kiến vụ phá sản lớn thứ 5 trong lịch sử

Mai Phương

Tập đoàn cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ CIT Group của Mỹ đã chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên tòa án nước này

Vụ phá sản của CIT có thể sẽ đánh dấu khoản thua lỗ đầu tiên mà Chính phủ Mỹ phải gánh chịu trong chương trình TARP - Ảnh: Reuters.
Vụ phá sản của CIT có thể sẽ đánh dấu khoản thua lỗ đầu tiên mà Chính phủ Mỹ phải gánh chịu trong chương trình TARP - Ảnh: Reuters.
Tập đoàn cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ CIT Group của Mỹ đã chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên tòa án nước này vào buổi trưa ngày 1/11 theo giờ Mỹ, tức đêm 2/11 theo giờ Việt Nam.

Khủng hoảng tài chính đã khiến CIT cạn vốn, trong khi suy thoái làm cho bảng cân đối kế toán của tập đoàn này chất đầy những khoản nợ khó đòi.

Vụ phá sản của CIT không gây nhiều bất ngờ cho giới quan sát, vì khả năng tập đoàn này lâm nạn đã xuất hiện từ nhiều tháng nay. Động thái nộp đơn xin phá sản của CIT cũng ít có khả năng gây một cú sốc lớn trong ngắn hạn đối với hệ thống tài chính Mỹ, nhưng được cho là sẽ gây thêm áp lực cho sự phục hồi kinh tế còn mong manh của nước này.

Theo số liệu do hãng tin CNN công bố, đơn xin bảo hộ phá sản của CIT đã đánh dấu vụ phá sản lớn thứ 5 trong lịch sử nước Mỹ, sau các vụ phá sản của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers, ngân hàng Washington Mutual, hãng viễn thông WorldCom, và tập đoàn ôtô General Motors (GM).

Ngoài ra, vụ phá sản của CIT còn được xem là một thất bại của Chính phủ Mỹ, vì các nhà chức trách nước này đã bơm 2,33 tỷ USD vào tập đoàn này trong tháng 12/2008 theo chương trình giải cứu hệ thống tài chính mang tên Giải trừ nợ xấu (TARP). Nhiều khả năng, Chính phủ Mỹ sẽ không có khả năng thu hồi phần lớn khoản đầu tư này, vì khoản tiền này chỉ được trả về cho Chính phủ sau khi CIT trả được hết các khoản nợ cho chủ nợ và trái chủ.

Bởi thế, vụ phá sản của CIT có thể sẽ đánh dấu khoản thua lỗ đầu tiên mà Chính phủ Mỹ phải gánh chịu trong chương trình TARP.

Đơn xin phá sản của CIT đã được nộp lên một tòa án ở New York. Theo đơn này, tính tới giữa năm 2009, CIT và các chi nhánh có tổng tài sản 71 tỷ USD và số nợ 64,9 tỷ USD. Dự kiến, nhờ thông qua các thủ tục phá sản, CIT sẽ giảm được số nợ lên tới 10 tỷ USD.

Theo kế hoạch phá sản đã được các chủ nợ và trái chủ của CIT thông qua, các trái chủ sẽ trở thành chủ sở hữu mới của tập đoàn này. Trong đó, các trái chủ sẽ sở hữu những khoản nợ mới của CIT, với mệnh giá lên tới 70% giá trị các khoản nợ ban đầu. Các cổ đông sở hữu cổ phiếu ưu đãi, bao gồm cả Chính phủ Mỹ, chỉ được trả tiền sau khi các chủ nợ đã được thanh toán. Bộ Tài chính Mỹ đã thừa nhận số vốn có thể thu hồi là rất thấp.

Ở thời điểm đỉnh cao, giá cổ phiếu của CIT đạt mức 60 USD/cổ phiếu. Nhưng khi đóng cửa phiên giao dịch thứ Sáu, giá cổ phiếu này chỉ còn 0,72 USD/cổ phiếu.

Quay lại thời điểm năm 2003, CIT mới chỉ là một công ty cho vay quy mô nhỏ. Giám đốc điều hành (CEO) Jeff Peek khi đó mới gia nhập CIT đã nuôi tham vọng đưa công ty này thành một tập đoàn cho vay quy mô lớn và thu lợi nhuận cao hơn.

Bên cạnh hoạt động chính là cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Peek đã xây dựng mảng cho vay tiêu dùng, bao gồm cho vay thế chấp nhà dưới chuẩn, cho sinh viên vay học tập… đồng thời tăng cường mở rộng mảng ngân hàng đầu tư và chứng khoán hóa.

Nguồn vốn chính của CIT là huy động trên thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, khi khủng hoảng tài chính leo thang và CIT bị các hãng xếp hạng tín nhiệm đánh tụt hạng, thì các nguồn vốn ngày càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn đối với tập đoàn này.

Không chỉ có CIT, nhiều công ty tài chính khác phụ thuộc vào thị trường trái phiếu như Fannie Mae, Freddie Mac… đều đã bị đẩy tới bờ vực sụp đổ và thậm chí là sụp đổ hoàn toàn.

Ngoài ra, suy thoái kinh tế cũng khiến khối lượng nợ xấu tại CIT tăng mạnh. Tính tới giữa năm nay, gần 10% số dư nợ thuộc bộ phận tài chính doanh nghiệp của tập đoàn này là nợ xấu.

Được thành lập vào năm 1908, CIT là một trong những tập đoàn cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ lớn nhất tại Mỹ.

Hiện nay, trong bối cảnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ đang thiếu vốn trầm trọng, Tổng thống Barack Obama đang tìm cách dùng tiền thuế của dân để hỗ trợ các ngân hàng nhỏ nhằm thúc đẩy cho vay đối với các doanh nghiệp này - đối tượng tạo công ăn việc làm cho một nửa lực lượng lao động của Mỹ.

Trước nguy cơ phá sản, trong thời gian qua, CIT luôn hy vọng vai trò của mình là một tập đoàn cho vay lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ giúp CIT nhận được sự hỗ trợ từ phía các chính trị gia. Tuy nhiên, vào tháng 7, Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) đã từ chối bảo lãnh cho CIT phát hành nợ, khiến CIT gặp thách thức lớn trong việc tìm kiếm nguồn vốn.

Sau đó, các chủ nợ và trái chủ của CIT đã vài lần ra tay hỗ trợ tập đoàn này, nhưng không đủ sức cứu CIT ra khỏi bờ vực phá sản.

CIT dự định sẽ tiếp tục duy trì hoạt động sau khi hoàn tất các thủ tục bảo hộ phá sản. Nhiều chi nhánh của CIT cũng không nằm trong diện phá sản của công ty mẹ. Tuy nhiên, sau khi xin bảo hộ phá sản xong, CIT sẽ có sự điều chỉnh lớn về tổ chức và thu hẹp quy mô.

Mỹ chứng kiến vụ phá sản lớn thứ 5 trong lịch sử - Ảnh 1

(Theo Reuters, CNN)