Mỹ cùng loạt quốc gia nhất trí xả dự trữ dầu chiến lược để “hạ nhiệt” giá xăng dầu
Tuy nhiên, giá dầu lại tăng mạnh sau khi tuyên bố này được đưa ra, lên mức cao nhất 1 tuần...
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23/11 tuyên bố sẽ phối hợp cùng với các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Anh xả hàng triệu thùng dầu từ dự trữ chiến lược nhằm kéo giá dầu khỏi mức cao, sau khi liên minh OPEC+ liên tục phớt lờ lời kêu gọi tăng thêm sản lượng.
Tuy nhiên, giá dầu lại tăng mạnh sau khi tuyên bố này được đưa ra, lên mức cao nhất 1 tuần.
Đối mặt với tỷ lệ ủng hộ thấp và mức lạm phát cao nhất 3 thập kỷ ở Mỹ ngay trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào năm tới, ông Biden đã mất kiên nhẫn và liên tục đề nghị Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh của nhóm nay, tức liên minh OPEC+, bơm thêm dầu. Tuy nhiên, OPEC+ không hưởng ứng lời kêu gọi của người đứng đầu Nhà Trắng.
“Như tôi đã nói với các bạn từ trước, là chúng tôi sẽ hành động để giải quyết vấn đề này. Đây chính xác là những gì chúng tôi sẽ làm”, ông Biden nói từ Nhà Trắng. “Việc này sẽ mất thời gian, nhưng giá xăng sẽ giảm xuống, và trong dài hạn, chúng ta sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu vì chúng ta sẽ dịch chuyển sang năng lượng sạch”.
Tháng trước, giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường Mỹ đạt mức cao nhất 7 năm, và người tiêu dùng ở Mỹ và nhiều quốc gia khác đang cảm nhận rõ tác động của giá nhiên liệu leo thang. Giá xăng bán lẻ ở Mỹ đã tăng hơn 60% trong vòng một năm qua, tốc độ tăng mạnh nhất kể từ năm 2000, trong bối cảnh nhu cầu đi lại gia tăng mạnh khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau một thời gian đóng cửa vì đại dịch Covid-19.
Theo kế hoạch, Mỹ sẽ xả 50 triệu thùng dầu, tương đương khoảng 2 ngày rưỡi nhu cầu tiêu thụ dầu của Mỹ. Ấn Độ cho biết sẽ xả 5 triệu thùng và Anh xả 1,5 triệu thùng. Chi tiết về thời gian và mức xả dự trữ dầu của Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc chưa được công bố.
Giá dầu đã giảm trong mấy phiên gần đây, khi có những đồn đoán về việc Mỹ sắp xả dự trữ dầu. Tuy nhiên, giá dầu bật tăng mạnh trở lại trong phiên ngày thứ Ba, sau khi tuyên bố chính thức được đưa ra, đạt mức cao nhất trong 1 tuần.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 2,61 USD/thùng, tương đương tăng 3,3%, chốt ở 82,31 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,75 USD/thùng, tương đương tăng 2,3%, đạt 78,5 USD/thùng.
Đây là lần đầu tiên Mỹ phối hợp với các quốc gia tiêu thụ dầu vào hàng lớn nhất ở châu Á để bình ổn giá xăng dầu.
Trong các cuộc họp định kỳ hàng tháng, OPEC+, liên minh bao gồm Saudi Arabia và các đồng minh khác của Mỹ ở vùng Vịnh và Nga, đã hết lần này đến lần khác từ chối lời kêu gọi bơm thêm dầu. Trong cuộc họp vào đầu tháng này, OPEC+ giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng chứ không tăng nhiều hơn. Washington cho rằng mức tăng này là không đủ để đáp ứng nhu cầu.
Lý do mà OPEC+ đưa ra cho việc không khai thác nhiều dầu hơn là lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ yếu đi vì một làn sóng Covid mới đang nổi lên và thế giới sẽ lại chuyển sang tình trạng thừa dầu vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Cuộc họp tiếp theo của OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 2/12 và chưa có dấu hiệu nào cho thấy nhóm này sẽ thay đổi lập trường.
Việc giá dầu tăng mạnh thời gian qua là do nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu phục hồi mạnh sau khi giảm chóng mặt vì đại dịch. Giới phân tích cho rằng việc xả dự trữ có thể sẽ không đủ để ngăn giá dầu tăng cao hơn.
“Đợt xả này sẽ không đủ lớn để kéo giá xuống một cách đáng kể, thậm chí có thể phản tác dụng nếu khiến OPEC+ giảm tốc độ tăng sản lượng của họ”, chuyên gia kinh tế trưởng Caroline Bain của Capital Economics nhận định với hãng tin Reuters.
Đối thủ chính trị của ông Biden đã nhân cơ hội chỉ trích nỗ lực của chính quyền ông trong việc phi carbon hoá nền kinh tế và không khuyến khích việc phát triển các dự án năng lượng hoá thạch ở Mỹ.
“Xả dự trữ sẽ không giải quyết được vấn đề. Giá xăng dầu tăng vì chính quyền và những người Dân chủ trong Quốc hội đang gây ra một cuộc chiến tranh nhằm vào ngành năng lượng Mỹ”, thượng nghị sỹ Cộng hoà John Barrasso phát biểu.
Tuy nhiên, việc Mỹ phối hợp với các nền kinh tế lớn của châu Á để hạ nhiệt giá dầu được xem là một lời cảnh báo với OPEC và các nước sản xuất dầu lớn khác rằng các nước này cần giải quyết mối lo ngại về giá dầu cao.
“Động thái này gửi một tín hiệu tới OPEC+ rằng các nước tiêu thụ dầu sẽ không để họ muốn làm gì thì làm nữa”, nhà quản lý quỹ John Kilduff thuộc Again Capital phát biểu. “OPEC+ đã ‘ki bo’ về sản lượng trong suốt nhiều tháng rồi”.