Mỹ đang mất dần sức mạnh chi phối giá dầu?
Thời kỳ bùng nổ sản lượng dầu đá phiến của Mỹ - yếu tố từng giúp kiềm chế đà tăng giá dầu thế giới trong hai năm qua - đang bắt đầu thoái trào...
Theo dữ liệu thông kê liên bang, sản lượng dầu thô năm 2024 của Mỹ được dự báo sẽ chỉ tăng 170.000 thùng/ngày so với năm 2023.
Con số này giảm mạnh so với mức tăng 1 triệu thùng/ngày của năm ngoái. Đây là mức tăng theo năm thấp nhất kể từ năm 2016, không tính giai đoạn đại dịch Covid-19.
Sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào đầu năm 2022, giá dầu có thời điểm tăng lên hơn 120 USD/thùng do ngành dầu khí Nga bị phương Tây trừng phạt. Tuy nhiên, đà tăng sau đó nhanh chóng bị hãm lại nhờ nguồn cung dầu đá phiến của Mỹ tăng lên, bất chấp việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cắt giảm sản lượng. Khi đó, sản lượng dầu đá phiến – loại dầu có trong các lớp đá phiến nằm sâu trong lòng đất – của Mỹ tăng mạnh khi các công ty tư nhân được sử dụng giàn khoan của quân đội để khai thác dầu.
Theo tờ báo Wall Street Journal, đà tăng sản lượng khai thác dầu của Mỹ được dự báo sẽ giảm đáng kể. Năm ngoái, nhiều công ty khai thác dầu phải “đắp chiếu” giàn khoan do giá dầu giảm và bị thâu tóm bởi các đối thủ lớn hơn. Những công ty lớn hơn này có xu hướng ưu tiên mang lại giá trị cho cổ đông, nghĩa là dùng lợi nhuận để trả cổ tức hoặc mua lại cổ phiếu, thay vì khai thác các mỏ dầu mới.
“Thời kỳ tăng trưởng sản lượng bùng nổ đã qua rồi, trừ khi có một sự cải tiến kỹ thuật mới đáng kể”, ông Paul Horsnell, giám đốc phụ trách nghiên cứu hàng hóa tại ngân hàng Standard Chartered, nhận định.
Tuần trước, các nhà phân tích tại ngân hàng Morgan Stanley đã hạ dự báo sản lượng dầu của Mỹ năm nay, đồng thời nâng dự báo giá dầu Brent lên ngưỡng khoảng 80-85 USD/thùng, từ mức dự báo 75-80 USD trước đó. Động thái này được đưa ra một ngày sau khi công ty dầu khí Diamondback Energy công bố kế hoạch mua lại công ty Endeavour trong thương vụ sáp nhập trị giá 26 tỷ USD và nhấn mạnh sau sáp nhập sẽ ưu tiên việc kiểm soát chi phí.
Những năm gần đây, các công ty tư nhân như Endeavor có hưởng lớn đến sản lượng dầu của Mỹ. Đây là những nhà khai thác có thị phần lớn, năng lực khai thác lớn với chi phí thấp và có khả năng điều chỉnh sản lượng để tác động tới giá cả. 10 công ty tư nhân, trong đó có Endeavor, đóng góp khoảng 50% mức tăng sản lượng ở khu vực Lòng chảo Permian (Permian Basin) của Mỹ trong giai đoạn tháng 12/2019 đến tháng 3/2023 – theo dữ liệu từ công ty cung cấp thông tin hàng hóa và năng lượng S&P Global Commodity Insights.
Vùng Lòng chảo Permian, trải dài từ phía Tây bang Texas tới phía Đông Nam bang New Mexico, đóng góp gần như toàn bộ mức tăng sản lượng dầu của Mỹ kể từ khi sau đại dịch. Ước tính sản lượng dầu năm ngoái của Mỹ đạt 12,9 triệu thùng/ngày – mức cao kỷ lục của nước này và cũng là mức sản lượng cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo dữ liệu từ công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes, kể từ cuối năm 2022 đến nay, số lượng giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ đã giảm gần 20% xuống còn khoảng 500 giàn. Sự sụt giảm này là dấu hiệu cho thấy tăng trưởng sản lượng sẽ chứng kiến sự giảm tốc đáng kể.
Bên cạnh đó, trong năm 2023, 39 công ty khai thác và sản xuất dầu tư nhân đã bị thâu tóm bởi các đối thủ lớn hơn. 4/10 công ty lớn nhất trong số này là động lực chủ chốt giúp vùng Lòng chảo Permian khôi phục sản lượng sau đại dịch.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích tin rằng ngành dầu khí Mỹ vẫn có thể một lần nữa gây bất ngờ cho thị trường.
Ông Walt Chancellor, chiến lược gia về năng lượng tại công ty dịch vụ tài chính Macquarie, cho rằng dù số lượng giàn khoan giảm, dự báo tháng 12 năm nay sản lượng dầu của Mỹ sẽ tăng 660.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2023 khi hiệu suất khai thác của các giàn khoan còn lại tăng lên. Bên cạnh đó, các công ty khai thác chưa sáp nhập, cùng với các công ty mới, có thể bắt đầu tăng sản lượng.
Còn theo ông Chris Wright, CEO công ty khai thác dầu đá phiến Liberty Energy, kể cả những công ty niêm yết lớn cũng sẽ phải tìm cách tăng sản lượng nếu giá dầu ở mức đủ cao trong thời gian đủ lâu.
“Các công ty dầu lửa sẽ không thay đổi kế hoạch hạn chế khai thác chỉ vì giá dầu tăng trong ngắn hạn. Nhưng không vì thế mà khả năng tăng sản lượng dầu của Mỹ sẽ mất đi”, ông Wright nhận định.