09:34 14/04/2021

Mỹ, EU dừng tiêm vaccine Covid-19 Johnson & Johnson vì gây đông máu hiếm gặp

Trang Linh

Tất cả 6 trường hợp bị đông máu sau khi tiêm vaccine của Johnson & Johnson đều là nữ giới trong độ tuổi 18-48

Vaccine của Johnson & Johnson chỉ cần tiêm một liều và có thể được bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường - Ảnh: Reuters
Vaccine của Johnson & Johnson chỉ cần tiêm một liều và có thể được bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường - Ảnh: Reuters

Mỹ, Nam Phi và Liên minh châu Âu (EU) sẽ tạm thời dừng triển khai chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 của hãng dược Johnson & Johnson (J&J) sau khi một số trường hợp có hiện tượng đông máu hiếm gặp sau khi tiêm, BBC cho biết.

Theo Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA), trong số hơn 6,8 triệu liều vaccine được tiêm, có 6 trường hợp gặp phải hiện tượng trên. Chiến dịch tiêm chủng tại EU vừa được triển khai đầu tuần này cũng sẽ tạm dừng. 

Vụ việc này cũng tương tự như một số trường hợp đông máu được cho là gây ra bởi vaccine Covid-19 của công ty AstraZeneca trước đó. Thời điểm đó, nhiều nước cũng tạm dừng tiêm để chờ kết quả điều tra. 

FDA cho biết cơ quan này khuyến nghị dừng tiêm vaccine "một cách thận trọng". Cơ quan này cũng xác nhận đã có một bệnh nhân tử vong vì hiện tượng đông máu hiếm gặp sau khi tiêm vaccine của Johnson & Johnson và một trường hợp khác đang nguy kịch. Tất cả 6 trường hợp bị đông máu đều là nữ giới trong độ tuổi 18-48 với các triệu chứng xuất hiện trong vòng 13 ngày sau tiêm. 

Sau khuyến nghị trên của FDA, tất cả các điểm tiêm phòng liên bang tại Mỹ đã dừng sử dụng vaccine của Johnson & Johnson để chờ kết quả điều tra tính an toàn của loại vaccine này. Các điểm tiêm phòng tư nhân và tại các bang dự kiến cũng sẽ có động thái tương tự.

Đến nay, Mỹ là quốc gia có số lượng ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới với lần lượt hơn 31 triệu ca và 562.000 ca. 

Vaccine Johnson & Johnson được cấp phép sử dụng tại Mỹ vào ngày 27/2. Tuy nhiên, các cơ sở tiêm chủng tại quốc gia này chủ yếu vẫn dùng vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna. Đến nay, gần 7 triệu người đã được tiêm vaccine của Johnson & Johnson tại Mỹ, chiếm khoảng 3% tổng số lượng vaccine được tiêm chủng. 

Theo Giáo sư Anthony Fauci, cố vấn về Covid-19 hàng đầu tại Mỹ, vẫn còn quá sớm để bình luận về việc vaccine của Johnson & Johnson có thể bị thu hồi giấy phép hay không. 

Hiện tại, Nam Phi, quốc gia đầu tiên tiêm vaccine của Johnson & Johnson, cũng đã dừng tiêm chủng loại vaccine này dù chưa ghi nhận trường hợp đông máu nào. Tính từ giữa tháng 2, khoảng 300.000 nhân viên y tế tại Nam Phi đã được tiêm vaccine này. Ngày 17/2, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cũng đã tiêm vaccine Johnson & Johnson. 

Mỹ, EU dừng tiêm vaccine Covid-19 Johnson & Johnson vì gây đông máu hiếm gặp - Ảnh 1.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tiêm vaccine Johnson & Johnson tại một bệnh viện ở Cape Town - Ảnh: Reuters

Chia sẻ với Reuters, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang theo dõi tình hình và đợi các báo cáo từ nhà chức trách Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, vaccine Johnson & Johnson chỉ mới được chuyển tới các nước EU vào đầu tuần này và chưa được triển khai tiêm chủng tại đây. Do đó, các chuyên gia đang trông chờ động thái tiếp theo của Mỹ. 

Chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 tại EU vốn bị chỉ trích là diễn ra quá chậm. Việc dừng tiêm vaccine Johnson & Johnson khiến nhiều người quan ngại về tình trạng trì trệ nghiêm trọng hơn trong thời gian tới.

Johnson & Johnson là hãng dược của Mỹ nhưng vaccine của công ty này được nghiên cứu chủ yếu tại chi nhánh của công ty tại Bỉ - Janssen. Không giống như hầu hết các loại vaccine Covid-19 hiện nay, vaccine của Johnson & Johnson chỉ cần tiêm một liều và có thể bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường, do đó sẽ phân phối hơn tại các khu vực có thời tiết nóng cũng như vùng sâu vùng xa.

Dù đã có nhiều quốc gia đặt mua vaccine của Johnson & Johnson nhưng mới chỉ vài nước cấp phép tiêm chủng vaccine này.