Mỹ: FDA cấp phép tiêm vaccine tăng cường bằng loại của Pfizer
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 22/9 đã cho phép triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường bằng vaccine do hãng Pfizer và BioNTech phát triển cho người trên 65 tuổi, người có nguy cơ mắc bệnh nặng và người thường xuyên tiếp xúc với virus..
Theo Reuters, quyết định này mở đường cho Mỹ nhanh chóng triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường ngay từ tuần này cho hàng triệu người đã tiêm đủ hai mũi ít nhất 6 tháng trước.
“Sự thay đổi trong cấp phép sử dụng vaccine trong trường hợp khẩn cấp được áp dụng cho các nhóm như nhân viên y tế, giáo viên và nhân viên chăm sóc ban ngày, nhân viên tạp hóa và những người cơ sở lưu trú cho đối tượng vô gia cư hoặc nhà tù”, Janet Woodcock, ủy viên FDA cho biết trong một thông cáo.
Trước đó, hãng dược Pfizer đã đề nghị FDA cấp phép bổ sung để tiêm mũi vaccine tăng cường cho tất cả người dân từ 16 tuổi trở lên. Tuần trước, trước một ủy ban cố vấn ngoài FDA, công ty này đã trình bày dữ liệu cho thấy khả năng miễn dịch sau khi tiêm vaccine giảm dần theo thời gian. Tuy phản đối đề xuất tiêm mũi tăng cường cho tất cả mọi người, ủy ban cố vấn cho rằng dữ liệu của Pfizer cho thấy việc này cần thiết với người cao tuổi và những người có nguy cơ cao.
Theo Tiến sĩ William Schaffner, Giám đốc y tế của Quỹ quốc gia về các bệnh truyền nhiễm (NFID), phạm vi cấp phép tiêm vaccine tăng cường của FDA rộng hơn nhiều so với khuyến nghị của ủy ban trên.
"Phạm vi thực sự rất rộng, đặc biệt là cụm từ ‘trong số những người khác’. Điều này có thể bật ‘đèn xanh’ cho việc tiêm vaccine tăng cường cho phần lớn dân số Mỹ trưởng thành đã tiêm vaccine đầy đủ trước đó”, ông Schaffner, cũng là liên lạc viên của NFID với Ủy ban Cố vấn về Thực hành tiêm chủng (ACIP) thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), nhận xét.
Theo một quan chức ACIP, cơ quan này có thể sẽ tiến hành biểu quyết việc triển khai tiêm vaccine tăng cường.
“Cuộc họp ngày mai (23/9) của ACIP tại CDC sẽ tập trung vào việc biến điều này thành một khuyến nghị chính thức để triển khai thực hiện”, Tiến sĩ Amesh Adalja, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế của Đại học Johns Hopkins, cho biết.
Theo Tiến sĩ Jesse Goodman, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Georgetown (bang Washington) và từng là nhà khoa học trưởng tại FDA, quyết định cấp phép của FDA thường khớp với biểu quyết của ủy ban này.
Trước đó, vào tháng 8, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng 8 quan chức y tế hàng đầu của Mỹ, trong đó có bà Woodcock, thông báo chính phủ dự định triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường cho người từ 16 tuổi trở lên và đang chờ FDA, CDC cấp phép.
Tuy nhiên, ủy ban cố vấn của CDC khi đó nói rằng chưa có đủ bằng chứng cho thấy mũi tăng cường là cần thiết. Ủy ban này cũng đồng thời cho biết đang tìm kiếm những dữ liệu an toàn hơn. FDA không nhất thiết phải làm theo khuyến nghị của ủy ban cố vấn này nhưng thường làm vậy.
"Việc cấp phép tiêm vaccine tăng cường của FDA là một dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến chống lại đại dịch”, CEO Albert Bourla của Pfizer nhận xét.
Công ty này cho rằng cần phải tiêm vaccine tăng cường cho đại đa số dân chúng để duy trì hiệu quả miễn dịch.
Các ủy viên hàng đầu tại FDA có sự chia rẽ khi bàn về sự cần thiết phải tiêm vaccine tăng cường. Trong khi bà Woodcock ủng hộ, một số nhà khoa cấp cao khác cho rằng những dữ liệu hiện tại chưa chứng minh được sự cần thiết của việc này.
Từ tháng trước, Mỹ đã cấp phép tiêm vaccine tăng cường cho người bị suy giảm hệ miễn dịch và đến nay đã có hơn 2 triệu người được tiêm, theo dữ liệu của CDC.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine tăng cường. Mới đây, Singapore cũng đã khởi động chương trình tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 3 cho người dân trong bối cảnh số ca nhiễm virus tại quốc gia này tăng mạnh trở lại bất chấp việc đã tiêm đủ 2 mũi cho 80% dân số.
Hồi tháng 7, Indonesia đã bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho nhân viên y tế. Tháng sau đó, chính phủ Indonesia thông báo rằng mũi tiêm thứ ba với vaccine do công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc – cũng được tính là mũi tăng cường.
Campuchia, quốc gia đã tiêm 2 mũi vaccine cho hơn 50% dân số, cũng bắt đầu tiêm mũi thứ 3 từ tháng trước. Còn Thái Lan dự kiến bắt đầu tiêm mũi tăng cường vào tháng 10, chủ yếu cho những người đã tiêm 2 mũi vaccine Sinovac trong khoảng thời gian từ tháng 3-5. Hàn quốc cũng đang cân nhắc tiêm mũi thứ ba bằng vaccine Pfizer hoặc Moderna vào tháng tới với khoảng cách 6 tháng kể từ mũi 2.