Mỹ-Nga bàn cách xuống thang khủng hoảng ở Venezuela
Mỹ và Nga chưa giải quyết được bất đồng giữa hai bên về tính chính danh của Tổng thống Nicolas Maduro
Cuộc đàm phán cấp cao giữa Mỹ và Nga nhằm tìm ra cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng ở Venezuela đã kết thúc vào ngày thứ 19/3 mà chưa giải quyết được bất đồng giữa hai bên về tính chính danh của Tổng thống Nicolas Maduro.
Theo hãng tin Reuters, Nga giữ nguyên quan điểm rằng ông Maduro vẫn là nhà lãnh đạo chính danh duy nhất của Venezuela, trong khi Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây khác ủng hộ và công nhận ông Juan Guaido - thủ lĩnh phe đối lập kiêm Chủ tịch Quốc hội Venezuela, người hồi tháng 1 tự phong là Tổng thống lâm thời của nước này.
"Chúng tôi không đạt được sự đồng thuận về quan điểm, nhưng tôi cho rằng cuộc thảo luận diễn ra tích cực bởi hai bên đã hiểu rõ hơn về lập trường của nhau", đại diện đặc biệt của Mỹ về vấn đề Venezuela, ông Elliot Abrams, nói với báo giới sau cuộc đàm phán với Nga.
Một tuyên bố của phía Nga cũng nói rằng hai bên đã hiểu rõ hơn về lập trường của nhau sau hai giờ đàm phán ở Rome, Italy. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tỏ ra thẳng thắn hơn.
"Có lẽ chúng tôi đã thất bại trong việc thu hẹp khoảng cách trong vấn đề này", hãng thông tấn nhà nước Nga Tass dẫn lời ông Ryabkov. "Nhưng chúng tôi cho rằng Washington có sự nhìn nhận nghiêm túc các ưu tiên, phương pháp tiếp cận và những lời cảnh báo của chúng tôi".
Hãng thông tấn Nga Ria dẫn lời ông Ryabkov nói rằng cuộc đàm phán Nga-Mỹ về vấn đề Venezuela diễn ra khó khăn nhưng thẳng thắn, rằng Mosow đã cảnh báo Washington không can thiệp quân sự vào Venezuela.
Đại diện Mỹ Abrams khẳng định vấn đề "ai giữ chức vụ Tổng thống" Venezuela vẫn là điểm căng thẳng giữa Mỹ và Nga. Ông cho biết cuộc đàm phán ngày thứ Ba diễn ra hữu ích, thực chất và nghiêm túc, đồng thời cho biết hai bên nhất trí "về mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng" ở Venezuela.
Ngoài ra, ông Ryabkov nói Nga ngày càng lo ngại về các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela.
Vài giờ trước đó, Mỹ áp lệnh trừng phạt lênh công ty khai mỏ vàng quốc doanh Minerven của Venezuela và Giám đốc của công ty này.
Thời gian gần đây, Mỹ đã siết chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Venezuela nhằm gây sức ép buộc ông Maduro phải từ chức. Trong đó, lệnh trừng phạt mà Mỹ áp lên ngành công nghiệp dầu lửa của Venezuela đã khiến xuất khẩu dầu, nguồn thu ngoại tệ chủ chốt của Caracas, sụt giảm mạnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng Washington đặt lên bàn mọi lựa chọn về vấn đề Venezuela. Tuyên bố này được xem là tín hiệu để ngỏ khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela.
Theo ông Abrams, trong cuộc gặp vào ngày thứ Ba, phía Nga đã đề cập tới vấn đề này, nhưng không cho biết cụ thể hơn.
Venezuela hiện đang chìm trong khủng hoảng chính trị-kinh tế-nhân đạo được xem là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử gần đây ở bán cầu Tây. Khoảng 3 triệu người Venezuela được cho là đã di cư ra nước ngoài từ năm 2015 để thoát khỏi cuộc sống cơ cực ở quê nhà.
Ngoài sự hậu thuẫn của Nga và Trung Quốc, ông Maduro hiện còn có sự ủng hộ của lực lượng quân đội Venezuela.
Ông Abrams dẫn một số ước tính gần đây cho rằng xuất khẩu dầu của Venezuela đang khoảng 50.000 thùng mỗi tháng và sẽ sớm tụt dưới ngưỡng 1 triệu thùng/ngày. "Đó sẽ là một thảm họa đối với Venezuela", vị quan chức Mỹ nói.