Mỹ, Nga đàm phán hòa bình mà không có Ukraine
Trong cuộc gặp kéo dài 4 giờ rưỡi ở Saudi Arabia, phía Nga đã gia tăng các yêu cầu của mình, trong đó đáng chú ý nhất là việc nước này nhất quyết không chấp nhận để Ukraine gia nhập NATO...

Chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 18/2 tuyên bố nhất trí có các cuộc đàm phán tiếp theo với Nga về chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine. Tuyên bố này - được đưa ra sau cuộc gặp đầu tiên của các quan chức Mỹ và Nga và không có sự tham gia của phía Ukraine - được xem là một sự đi chệch khỏi chính sách của Washington trước đó là tập hợp đồng minh để cô lập Moscow.
Trong cuộc gặp kéo dài 4 giờ rưỡi ở Saudi Arabia, phía Nga đã gia tăng các yêu cầu của mình, trong đó đáng chú ý nhất là việc nước này nhất quyết không chấp nhận để Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - theo hãng tin Reuters. Sau đó, ông Trump nói ông đã trở nên lạc quan hơn sau cuộc gặp của quan chức Mỹ-Nga ở thủ đô Riyadh và có thể ông sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trước khi tháng 2 kết thúc.
“Nga muốn làm một điều gì đó”, ông Trump nói với các nhà báo ở Palm Beach, Florida. Ông gạt sang bên mối lo của Ukraine khi nước này phải đứng ngoài cuộc gặp, đồng thời nói lẽ ra Kiev nên gia nhập đàm phán sớm hơn nhiều. “Tôi nghĩ rằng tôi có sức mạnh để chấm dứt cuộc chiến này”, ông Trump nói.
Cuộc gặp ở Riyadh đánh dấu lần đầu tiên giới chức Mỹ và Nga gặp nhau để thảo luận để chấm dứt chiến tranh Ukraine, cuộc chiến nghiêm trọng nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ukraine đã tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào mà không có sự đồng tình của Kiev, và Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhắc lại quan điểm “không được có quyết định nào được đưa ra trên đầu Ukraine”.
NGA KHÔNG ĐƯA RA NHƯỢNG BỘ NÀO
Từ trước cuộc gặp, một số chính trị gia châu Âu đã cáo buộc chính quyền Trump đưa ra những nhượng bộ miễn phí cho Moscow vào tuần trước khi loại trừ khả năng Ukraine được gia nhập NATO và nói sẽ là một sự ảo tưởng nếu Kiev tin có thể lấy lại 20% lãnh thổ đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga.
Phát biểu trước báo giới ở Riyadh ngày 18/2, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz nói chiến tranh Nga-Ukraine phải chấm dứt vĩnh viễn, và việc này sẽ cần tới các cuộc đàm phán về vấn đề lãnh thổ. “Có một thực tế là sẽ có sự thảo luận về lãnh thổ và sẽ có bàn bạc về đảm bảo an ninh”, ông Waltz nói.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết các đoàn cấp cao sẽ bước vào đàm phán về chấm dứt cuộc xung đột và sẽ làm việc riêng để lập lại cơ quan đại diện ngoại giao mỗi nước ở Washington và Moscow nhằm tạo điều kiện cho đàm phán. Ông Rubio cho biết sau cuộc gặp đầu tiên, ông tin tưởng Nga “sẵn sàng bắt đầu tham gia vào một quy trình nghiêm túc”, nhưng việc đạt tới hòa bình sẽ đòi hỏi sự nhượng bộ từ tất cả các bên.
Giới chức Nga không đề cập đến việc họ đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào và giới chức Mỹ cũng không tuyên bố đã giành được bất kỳ sự nhượng bộ nào từ phía Nga trong cuộc gặp ngày 18/2. Điều này khiến các nhà quan sát nghi ngờ về việc cuộc gặp này sẽ mở đuòng cho một tiến trình đàm phán hòa bình nghiêm túc.
Đề cập tới những mối quan ngại của Ukraine và châu Âu, ông Rubio nói sẽ không có ai phải đứng ngoài cuộc và bất kỳ giải pháp nào cũng đều phải nhận được sự chấp thuận của tất cả các bên. Sau đó, ông Rubio đã nói chuyện với người đồng cấp các nước Pháp, Đức, Italy, Anh và người đứng đầu vấn đề ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) để thông báo cho họ về cuộc gặp vừa diễn ra - Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.
Sau cuộc gặp, phía Mỹ và Nga đều cho biết chưa quyết định được ngày cho cuộc gặp giữa ông Trump và ông Putin. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói ông đã hoãn cho tới tháng 3 một chuyến thăm Saudi Arabia dự kiến diễn ra vào ngày 19/2. Nguồn thạo tin cho biết quyết định này được đưa ra nhằm tránh việc “công nhận” cuộc gặp Mỹ-Nga vừa diễn ra ở Riyadh.
Kiev giữ lập trường rằng đàm phán kết thúc cuộc chiến tranh ở Ukraine không nên diễn ra sau lưng Ukraine. Theo bà Evelyn Farkas - một cựu quan chức Lầu Năm Góc, hiện là Giám đốc điều hành Viện McCain - Ukraine rốt cục sẽ có tiếng nói trong việc chấp nhận hay không chấp nhận một thỏa thuận mà Washington và Moscow đàm phán, và có thể từ chối một thỏa thuận tồi.
“Trong kịch bản xấu nhất, Ukraine sẽ tiếp tục chiến đấu. Nếu sự phòng thủ của họ sụp đổ, tôi không cho là người Mỹ sẽ muốn nhìn thấy những hình ảnh đó trên truyền hình và phải chịu trách nhiệm vì việc đó”, bà Farkas nói.
CƠ HỘI HỢP TÁC NGA-MỸ?
Trong lúc các nước châu Âu thảo luận về khả năng đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới đảm bảo cho việc thực thi một thỏa thuận hòa bình ở Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói ở Riyadh rằng Moscwo sẽ không chấp nhận việc triển khai lính NATO ở Ukraine, cho dù những binh sỹ đó hoạt động dưới lá cờ nào. “Dĩ nhiên, đây là việc chúng tôi không thể chấp nhận”, ông Lavrov phát biểu.
Tuyên bố của ông Lavrov cho thấy Nga sẽ tiếp tục gây sức ép để giành thêm sự nhượng bộ trong các cuộc đàm phán. Cuộc gặp ngày 18/2 là cuộc đàm phán giữa ông Lavrov và cố vấn chính sách đối ngoại của điện Kremlin, ông Yuri Ushakov - hai nhân vật kỳ cựu đã có 34 năm làm việc ở cương vị hiện tại - với 3 quan chức chính quyền Trump đang trong tháng đầu tiên đảm nhiệm vị trí mới.
“Hiện tại, tôi chưa thấy có dấu hiệu nào về việc Nga sẵn sàng lùi một li để đạt được một thỏa thuận hòa bình”, ông Michael McFaul, người từng là đại sứ Mỹ tại Nga thời Tổng thống Barack Obama, viết trên mạng xã hội X.

Ông Lavrov nói có “lợi ích cao” trong việc dỡ bỏ các hàng rào kinh tế giữa hai nước. Sau khi chiến tranh nổ ra, Mỹ và các nước phương Tây khác đã áp hàng loạt biện pháp trừng phạt lên Nga.
Ông Rubio nói các nước châu Âu cũng đã áp trừng phạt đối với Moscow và châu Âu nên tham gia vào đàm phán để dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt đó. Nếu xung đột chấm dứt, việc đó sẽ mở ra cơ hội cho hợp tác Mỹ-Nga, bao gồm “một số mối quan hệ đối tác tương đối độc đáo và có thể có tầm quan trọng lịch sử”.
Nỗ lực ngoại giao được đẩy nhanh, bắt đầu từ cuộc điện đàm giữa ông Trump với ông Putin cách đây 6 ngày, đã dẫn tới lo ngại ở Ukraine và các nước châu Âu rằng Mỹ - Nga sẽ nhanh chóng đi tới một thỏa thuận bỏ qua các lợi ích an ninh của Ukraine và châu Âu trong khi mang lại nhiều lợi ích cho Nga.
Cuộc đàm phán ngày 18/2 cũng làm dấy lên một số lo ngại ở Mỹ, quốc gia đã hậu thuẫn an ninh cho Ukraine bằng hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự với sự đồng thuận của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. “Nga đã thắng vòng 1”, hạ nghị sỹ Dân chủ Jake Auchincloss phát biểu. “Điện Kremlin đã bình thường hóa được quan hệ ngoại giao song phương với Mỹ mà không cần đả động đến Ukraine hay NATO. Họ chẳng phải nhượng bộ gì để có được điều đó”.