10:26 08/04/2014

Mỹ tỏ thái độ khi miền Đông Ukraine đòi ly khai

Diệp Vũ

Người biểu tình thân Nga đã chiếm tòa nhà chính quyền tại ba địa phương miền Đông của Ukraine

Người biểu tình chiếm giữ tòa nhà chính quyền ở Donetsk ngày 7/4 - Ảnh: EPA.<br>
Người biểu tình chiếm giữ tòa nhà chính quyền ở Donetsk ngày 7/4 - Ảnh: EPA.<br>
Trước tình hình căng thẳng leo thang ở miền Đông Ukraine, Mỹ thúc đẩy trở lại các nỗ lực giao nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng. Hôm qua (7/4), người biểu tình thân Nga đã chiếm tòa nhà chính quyền tại ba địa phương miền Đông của Ukraine và đòi trưng cầu dân ý về gia nhập Nga.

Tờ Wall Street Journal cho biết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov thông báo rằng, ông sẽ có cuộc gặp với các quan chức Nga, Ukraine và châu Âu trong vòng 10 ngày tới. Trong khi đó, ông Lavrov nói rằng, ông và người đồng cấp Nga Andriy Deshchytsia đã có cuộc nói chuyện vào tối ngày 7/4.

Đây được xem là cuộc đối thoại quan trọng đầu tiên giữa hai ngoại trưởng Nga-Ukraine kể từ khi căng thẳng leo thang ở miền Đông Ukraine từ hơn 1 tháng trước.

Giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ lo ngại rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đang tìm cách đẩy căng thẳng gia tăng ở miền Đông Ukraine, tạo ra tiền đề cho hành động quân sự tiếp theo ở đây. Chính phủ mới của Ukraine cũng cáo buộc Moscow kích động những người biểu tình, trong khi Nhà Trắng nói đã có bằng chứng chứng tỏ rằng, những người biểu tình được trả tiền.

Hiện Moscow chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về lời buộc tội này của Washington.

Thư ký báo chí của Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Jay Carney không nói rõ về bằng chứng mà Nhà Trắng có về việc người biểu tình được trả tiền, nhưng nói: “Tôi nghĩ, bằng chứng mà chúng tôi có được ít nhất cho thấy, các lực lượng bên ngoài chứ không phải lực lượng địa phương đang tham dự vào nỗ lực nhằm tạo ra những gây hấn này”.

Căng thẳng ở miền Đông Ukraine gia tăng từ cuối tuần vừa rồi và đến đêm ngày 7/4 theo giờ địa phương, căng thẳng vẫn ở mức cao. Hàng trăm người tiếp tục tụ tập bên ngoài tòa nhà chính quyền địa phương ở Donetsk, nghe những bài hát từ thời Liên Xô được phát từ loa phóng thanh.

Bên trong tòa nhà, phía sau những rào chắn làm từ dây thép và lốp xe, hàng trăm người chủ yếu là thanh niên, ngồi hút thuốc và chế tạo vũ khí từ những thanh sắt. Hội đồng Nhân dân của Donetsk tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tách khỏi Ukraine và gia nhập Nga vào ngày 11/5 tới.

Bất ổn ở miền Đông Ukraine đã đẩy thị trường chứng khoán Nga lao dốc mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần. Chỉ số Micex có thời điểm giảm 3,3%, chỉ số RTS Index tính theo đồng USD sụt 4,5%. Đồng Rúp kết thúc ngày giao dịch mất giá khoảng 1% so với USD.

Theo Wall Street Journal, các cuộc biểu tình hiện nay ở Donest, Lugansk và Kharkiv không nhận được sự ủng hộ rộng rãi như các cuộc biểu tình dẫn tới việc Crimea tách khỏi Ukraine và gia nhập Nga hồi tháng trước. Tuy nhiên, nếu tiếp diễn, các cuộc biểu tình này có thể cản trở kế hoạch tổ chức bầu cử tổng thống Ukraine vào ngày 25/5. Đây là cuộc bầu cử được phương Tây hậu thuẫn, nhưng bị Nga kêu gọi trì hoãn với lý do những địa phương mà người dân tộc Nga chiếm đa số của Ukraine sẽ không có được tiếng nói bình đẳng.

“Để tiến thêm một bước, Putin sẽ phải tạo ra tình huống trong đó ông ấy cần bảo vệ người dân tộc Nga. Khi nhìn lại những gì đã diễn ra ở Chechnya và Georgia, có thể hình dung ra những gì sẽ diễn ra ở Đông Ukraine”, một quan chức Lầu năm góc nói.

Quyền Tổng thống Ukraine, ông Oleksandr Turchynov, cho rằng, các cuộc biểu tình hiện nay thể hiện “làn sóng thứ hai của hoạt động chống phá đặc biệt mà Nga nhằm vào Ukraine, với mục đích phá hoại sự ổn định, lật đổ chính phủ hiện tại, cản trở bầu cử và chia tách đất nước” Ukraine.

“Kẻ thù của Ukraine đang tìm cách lặp lại kịch bản Crimea, nhưng chúng tôi sẽ ngăn chặn điều đó”, ông Turchynov nói.