Mỹ trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga vì vụ mưu sát cựu điệp viên
Hành động mạnh tay nhất của Tổng thống Donald Trump nhằm vào Nga kể từ khi ông lên cầm quyền
Mỹ ngày 26/3 tuyên bố trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga như một động thái trả đũa đối với Moscow trong vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal bị ám sát bất thành ở London. Cùng với đó, một loạt quốc gia châu Âu cũng trục xuất nhà ngoại giao Nga do cáo buộc Moscow đứng sau vụ mưu sát này.
Hãng tin Reuters cho biết, đây là hành động mạnh tay nhất của Tổng thống Donald Trump nhằm vào Nga kể từ khi ông lên cầm quyền.
Thủ tướng Anh Theresa May hoan nghênh động thái trên của các nước, cho biết đến nay đã có tổng cộng 18 quốc gia tuyên bố trục xuất quan chức Nga, trong đó có 14 nước trong Liên minh châu Âu (EU). Tổng số nhà ngoại giao Nga bị các nước trục xuất trong vụ này đã lên tới con số 100, đánh dấu đợt trục xuất nhà ngoại giao Nga lớn nhất kể từ thời đỉnh cao của chiến tranh lạnh.
Trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter ngày 26/3, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nói "sự đáp trả mạnh mẽ của các đồng minh đã đi vào lịch sử với tư cách là cuộc trục xuất tập thể lớn nhất từ trước đến nay đối với các nhân viên tình báo Nga. Hành động này sẽ giúp bảo vệ an ninh chung của chúng ta".
Thủ tướng May nói sự phối hợp hành động trên gửi đi "tín hiệu mạnh mẽ nhất tới Nga rằng họ không thể tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế". Phát biểu trước Quốc hội Anh, bà May nói Anh có bằng chứng cho thấy Nga đã xem xét các cách thức sử dụng chất độc thần kinh cho các vụ ám sát.
Bộ Ngoại giao Nga gọi việc phương Tây trục xuất các nhà ngoại giao của nước này là một hành động gây hấn. Phát ngôn viên điện Kremlin nói phương Tây đang phạm phải một sai lầm và Tổng thống Vladimir Putin sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về đáp trả.
Nga cương quyết phủ nhận cáo buộc cho rằng nước này đứng sau vụ tấn công nhằm vào ông Skirpal và con gái của ông này ở thành phố Salisbury thuộc miền đông nước Anh. Ông Skripal, 66 tuổi, và Yulia Skripal, 33 tuổi, được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh trên một ghế dài công cộng trong một trung tâm mua sắm hôm 4/3. Hiện cả hai cha con nhà Skripal vẫn đang được điều trị trong bệnh viện với tiên lượng xấu.
"Chúng tôi cho rằng hơn 130 người ở Salisbury có thể đã bị phơi nhiễm với chất độc thần kinh này", bà May nói.
Trong số các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất, có 12 người mà Mỹ cho là nhân viên tình báo thuộc phái bộ Nga tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York.
Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley nói những người Nga này có hoạt động bên ngoài nhiệm vụ chính thức của họ và lạm dụng đặc quyền về chỗ ở. Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Vassily Nebenzia gọi hành động của Mỹ là "rất thiếu thân thiện".
Ngoài trục xuất nhà ngoại giao Nga, ông Trump còn ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Nga ở Seattle vì lãnh sự quán này đặt gần một căn cứ tàu ngầm Mỹ và hãng sản xuất máy bay Boeing - một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay.
Giới chức Mỹ nói "có hơn 100 sỹ quan tình báo Nga" hoạt động ở Mỹ, và hành động của Washington cắt giảm 60 người trong số này.
Trước khi nhậm chức vào tháng 1 năm ngoái, Tổng thống Trump đã hứa cải thiện quan hệ với Nga. Tuần trước, ông đã gọi điện chúc mừng ông Putin tái đắc cử Tổng thống Nga và vấp phải sự chỉ trích của nhiều nhân vật trong cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Ông cũng từng bày tỏ mong muốn gặp ông Putin "trong thời gian không xa".
Trong cuộc điện đàm với ông Putin, ông Trump không đề cập đến vụ tấn công cựu điệp viên hai mang.
Ngày 26/3, sau khi trục xuất các nhà ngoại giao Nga, ông Trump cũng không nói gì trên mạng xã hội Twitter như thường thấy với các quyết sách khác. Tuy nhiên, Nhà Trắng sau đó nói Washington muốn có một "mối quan hệ hợp tác" với Nga.
Hiện Mỹ đã áp lệnh trừng phạt đối với một số cá nhân và tổ chức Nga bị cho là có liên quan đến việc can thiệp vào bầu cử Mỹ và tấn công mạng nhằm vào Mỹ, nhưng chưa nhằm vào các nhà tài phiệt và quan chức chính phủ thân cận với Tổng thống Putin.