13:47 21/02/2019

“Mỹ-Trung bắt đầu phác thảo thỏa thuận thương mại song phương”

An Huy

Bước tiến quan trọng nhất hướng tới kết thúc cuộc chiến thương mại đã kéo dài 7 tháng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Florida vào tháng 4/2017 - Ảnh: Getty/CNBC.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Florida vào tháng 4/2017 - Ảnh: Getty/CNBC.

Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu vạch ra các cam kết mang tính nguyên tắc trong những vấn đề gai góc nhất của mâu thuẫn thương mại song phương, đánh dấu bước tiến quan trọng nhất hướng tới kết thúc cuộc chiến thương mại đã kéo dài 7 tháng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - hãng tin Reuters ngày 21/2 dẫn nguồn thạo tin cho hay.

Trong bối cảnh các quan chức Mỹ-Trung chuẩn bị bước vào các cuộc thảo luận cấp cao tại Washington vào ngày thứ Năm và thứ Sáu, giữa hai bên vẫn còn khoảng cách lớn trong các yêu cầu của Tổng thống Donald Trump muốn Trung Quốc thực hiện những thay đổi cơ cấu trong nền kinh tế nước này.

Tuy nhiên, nguồn tin nói rằng việc phác thảo các cam kết cho một thỏa thuận tiềm năng đã bắt đầu được hai bên tiến hành.

Theo nguồn tin, các nhà đàm phán Mỹ-Trung đang vạch ra 6 biên bản ghi nhớ (MoU) về các vấn đề cơ cấu, gồm: ép buộc chuyển giao công nghệ và tấn công mạng; quyền sở hữu trí tuệ; dịch vụ; tiền tệ; nông nghiệp; và hàng rào phi thuế quan.

Nguồn tin cũng nói trong vòng đàm phán ở Bắc Kinh vào tuần trước, hai bên đã trao đổi văn bản và thảo luận nhằm tiến tới vạch ra các cam kết trên giấy tờ tại vòng đàm phán ở Washington.

Nguồn tin cảnh báo thận trọng rằng cuộc đàm phán, dù đã đi đến giai đoạn này, vẫn có khả năng rơi vào đổ vỡ. Tuy nhiên, việc hai bên đi đến các biên bản ghi nhớ là một bước rất quan trọng để Trung Quốc nhất trí với những nguyên tắc cơ bản cũng như cam kết cụ thể trong các vấn đề mà Washington muốn Bắc Kinh có sự thay đổi.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc ép các công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc phải chia sẻ công nghệ và trao các bí mật về sở hữu trí tuệ cho đối tác địa phương.

Chính quyền ông Trump cũng phản đối các hàng rào phi thuế quan ở Trung Quốc, bao gồm trợ cấp công nghiệp, các quy chế giám sát, thủ tục cấp phép kinh doanh, tiêu chuẩn sản phẩm, và các yếu tố khác mà Washington cho là nhằm khiến hàng Mỹ không thể vào Trung Quốc hoặc phải cạnh tranh bất bình đẳng với các sản phẩm nội địa.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã thúc giục Trung Quốc mở cửa thị trường dịch vụ tài chính cho thêm các công ty nước ngoài, gồm hai hãng thẻ tín dụng khổng lồ Visa và MasterCard, hai công ty đã đợi nhiều năm để được vào Trung Quốc.

Về vấn đề tỷ giá, giới chức Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc không nên phá giá đồng Nhân dân tệ để giành lợi thế cạnh tranh. Năm ngoái, đồng Nhân dân tệ đã yếu đi nhiều so với USD, một phần do ảnh hưởng bất lợi của thuế quan mà Trung Quốc áp lên hàng hóa Mỹ.

Nguồn tin cũng cho biết Mỹ và Trung Quốc đang thảo luận về cơ chế thực thi thỏa thuận. Tháng trước, Reuters đưa tin nói rằng Mỹ muốn có sự kiểm tra thường xuyên đối với việc Trung Quốc thực thi cải cách và có thể tái áp thuế quan nếu Bắc Kinh vi phạm thỏa thuận.

Cũng theo nguồn tin, hai bên đang vạch ra một danh sách 10 biện pháp mà Trung Quốc có thể triển khai giảm thặng dư thương mại với Mỹ, bao gồm tăng mua hàng nông sản, năng lượng và hàng công nghệ của Mỹ.

Thời gian không còn nhiều trước ngày 1/3 - thời hạn mà Mỹ dự định sau đó sẽ áp thêm thuế quan lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, từ 10% lên 25%, nếu hai bên không đạt thỏa thuận. Hôm thứ Ba, ông Trump nói có thể lùi thời hạn này nếu có khả năng hai bên sớm chốt một thỏa thuận.