Mỹ-Trung còn nhiều bất đồng lớn trước giờ đàm phán
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đang là người tỏ ra lạc quan nhất về khả năng đạt thỏa thuận
Các quan chức Mỹ và Trung Quốc ngày 30/1 sẽ bắt đầu vòng đàm phán thương mại song phương kéo dài hai ngày tại Washington, nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, giữa hai bên còn tồn tại bất đồng lớn trong những vấn đề quan trọng.
Trước thềm đàm phán, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đang là người tỏ ra lạc quan nhất về khả năng đạt thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung. Trong chính quyền Tổng thống Donald Trump, ông Mnuchin được xem là người đứng đầu phe ủng hộ thỏa thuận với Trung Quốc, đối lập với quan điểm cứng rắn của hai nhân vật "diều hâu" là đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Bộ Thương mại Wilbur Ross.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn chương trình Fox Business Network ngày 29/1, ông Mnuchin nói ông kỳ vọng "tiến bộ quan trọng" trong vòng đàm phán chuẩn bị diễn ra.
Trong khi đó, các quan chức của Mỹ và giới thạo tin nói rằng giữa Bắc Kinh và Washington vẫn còn cách xa nhau về quan điểm trong những vấn đề chủ chốt như bảo vệ tài sản trí tuệ và trợ cấp doanh nghiệp nhà nước. Trong nội bộ Nhà Trắng cũng đang tranh cãi về cách đàm phán với Trung Quốc và chưa có sự chuẩn bị tốt cho lần đàm phán này - nguồn tin của Bloomberg cho biết.
Chưa kể, việc Mỹ mới đây công bố các cáo buộc chính thức đối với tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei cũng được xem như một "đám mây đen" phủ bóng lên bàn đàm phán.
Được dẫn đầu bởi ông Lighthizer và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, đây là cuộc gặp Mỹ-Trung cấp cao nhất kể từ khi ông Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Argentina hôm 1/12. Trong một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của vòng đàm phán này, ông Trump dự kiến sẽ gặp ông Lưu trong thời gian Phó thủ tướng Trung Quốc ở Washington.
Giới thạo tin nói rằng ông Trump có vẻ như đã muốn đi đến một thỏa thuận với Trung Quốc. Tuy nhiên, khả năng đạt một thỏa thuận đang bị cản lại bởi sự trái ngược quan điểm giữa ông Mnuchin và ông Lighthizer.
Chưa kể, ông Trump vốn là nhà một lãnh đạo "khó lường", nên quan điểm của ông có thể thay đổi bất kỳ lúc nào. Hồi tháng 5, ông Trump từng nhất trí thỏa thuận với Trung Quốc, nhưng sau đó bất ngờ rút lui.
"Vào cuối tuần này, có thể chúng ta sẽ đón một vài tuyên bố chung chung rằng đàm phán có bước tiến. Tôi không cho là họ có thể đưa ra được điều gì lớn trong vài ngày tới", chuyên gia David Dollar thuộc Viện Brookings dự báo về kết quả vòng đàm phán sắp diễn ra.
Ông Trump từng cho rằng sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc sẽ gia tăng sức ép buộc Bắc Kinh phải thỏa thuận với Mỹ. Tuy nhiên, nền kinh tế và các doanh nghiệp Mỹ cũng đang hứng chịu tổn thất từ chiến tranh thương mại.
Trong một báo cáo ra hôm thứ Hai, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo thuế quan của ông Trump đối với nhôm, thép nhập khẩu và hàng hóa từ Trung Quốc sẽ gây thiệt hại ít nhất 0,1% đối với tổng sản phẩm trong nước (GDP) thực tế của Mỹ trong thời gian từ nay đến 2029. CBO cũng dự báo kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc từ mức tăng trưởng 2,3% trong năm 2019, còn 1,7% trong 2020 và 1,6% trong 2021.