08:47 10/01/2024

Năm 2024, Việt Nam có nhiều động lực tăng trưởng

Vũ Khuê

Năm 2024 thế giới và cả Việt Nam dự kiến còn đối mặt rất nhiều rủi ro, thách thức, tuy nhiên với đà phục hồi thời gian qua và nỗ lực, quyết tâm cao hơn, khả năng Việt Nam có thể tăng trưởng 6 - 6,5%...

Khả năng Việt Nam có thể tăng trưởng 6-6,5% năm 2024.
Khả năng Việt Nam có thể tăng trưởng 6-6,5% năm 2024.

Chia sẻ trong buổi lễ tổng kết của ngành dệt may Việt Nam, TS Cấn Văn Lực cho rằng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 dự báo tăng khoảng 2,4-2,9% (giảm nhẹ từ mức khoảng 3% năm 2023); lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm; rủi ro tài chính, tiền tệ và nợ trên thế giới còn cao; rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực, rủi ro chuỗi cung ứng còn hiện hữu… Những yếu tố này đều có tác động tiêu cực đến Việt Nam.

NHIỀU ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG

Tuy nhiên, theo TS Lực, với đà phục hồi thời gian qua và nỗ lực, quyết tâm cao hơn, khả năng Việt Nam có thể tăng trưởng 6-6,5% và lạm phát tăng 3,5-4% năm 2024 là khả thi dù mức tăng trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương dự báo ở mức thấp hơn (4,5%) do Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.

Lý do là bởi Việt Nam có nhiều động lực tăng trưởng cho năm 2024. Đó là việc Trung Quốc mở cửa trở lại từ 8/1/2023 tạo điều kiện khá thuận lợi cho Việt Nam do nước này là đối tác thương mại lớn nhất chiếm khoảng 25% kim ngạch cả xuất và nhập. Đặc biệt, chuỗi cung ứng không bị đứt gãy. Năm qua, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu duy nhất mà Việt Nam có tăng trưởng dương (+6%).

TS Cấn Văn Lực: "Việt Nam có nhiều động lực tăng trưởng cho năm 2024".
TS Cấn Văn Lực: "Việt Nam có nhiều động lực tăng trưởng cho năm 2024".

"Dữ liệu cho thấy, chúng ta có dấu hiệu phục hồi bắt đầu từ tháng 6/2023 đến nay ở các lĩnh vực và ngành nghề, tất nhiên không đồng đều nhưng về cơ bản đã và đang phục hồi tích cực", TS Lực nhấn mạnh.

Đáng lưu ý, đầu tư công năm 2023 được đẩy mạnh chưa từng có. Đầu tư nước ngoài (FDI) của cả thế giới năm 2023 dự báo giảm 1-2% nhưng Việt Nam thu hút FDI mới tăng gần 15%, giải ngân tăng 3%...

Điểm sáng nữa là hội nhập quốc tế năm qua rất mạnh mẽ. Lạm phát và lãi suất đang giảm, tỷ giá cơ bản ổn định, rủi ro nợ xấu trong tầm kiểm soát; thị trường chứng khoán và bất động sản có dấu hiệu phục hồi.

Động lực lớn nữa đó là một loạt các luật quan trọng đã và đang được thông qua nhất là Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản… đây là những nền tảng pháp lý vô cùng quan trọng, là động lực phát triển tốt hơn trong thời gian tới. Dịch vụ, tiêu dùng tăng khá khả quan, dù có chậm hơn.

5 THÁCH THỨC CHÍNH

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cũng chỉ ra 5 thách thức chính với Việt Nam trong năm 2024.

Thứ nhất: Kinh tế thế giới không suy thoái nhưng tăng trưởng chậm lại, chậm hơn năm 2023. Điều này tác động khá lớn tới thị trường xuất khẩu và đầu tư bị thu hẹp, tăng chậm lại; du lịch quốc tế phục hồi chậm; tăng trưởng đầu tư tư nhân thấp.

Thứ hai: Mặt bằng lãi suất giảm nhưng còn cao; rủi ro thị trường tài chính – tiền tệ quốc tế tăng, tác động tiêu cực đến Việt Nam. Giải ngân Chương trình phục hồi 2022-2023 và đầu tư công chưa có đột phá.

Thứ ba: Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn (pháp lý, nguồn vốn, nhân sự, đơn hàng...); thu ngân sách nhà nước giảm, khiến dư địa chính sách tài khóa bị thu hẹp.

Thứ tư: Rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản cần thời gian xử lý, lành mạnh hóa.

Thứ năm: Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tín dụng gặp nhiều thách thức; nợ xấu gia tăng.

THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ THÁO GỠ KHÓ KHĂN 

Trước các thách thức trên, theo TS Lực, tất cả các chính sách được áp dụng như thời điểm Covid giờ cũng được áp dụng và sẽ tiếp tục được duy trì thực hiện trong thời gian tới theo hướng chính sách tài khóa “mở rộng, trọng tâm” (giãn hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí trước bạ...) và chính sách tiền tệ “linh hoạt, nới lỏng” nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị tác động nhiều bởi suy giảm kinh doanh, việc làm, thu nhập... Áp thuế tối thiểu toàn cầu kèm theo chính sách hỗ trợ...

Đồng thời ban hành nhiều chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho lĩnh vực y tế, thị trường đất đai, bất động sản, xây dựng, thị trường vốn, du lịch, đầu tư công...

Gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài, hiệp hội doanh nghiệp để lắng nghe, cùng tìm giải pháp tháo gỡ rào cản....; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh.

Tăng cường hoàn thiện và thực thi thể chế, trong đó sớm ban hành và hướng dẫn thực hiện các luật quan trọng như Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Đất đai sửa đổi, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi,... góp phần tạo điều kiện cho các thị trường đất đai, bất động sản, tài chính-ngân hàng phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững và bao trùm.

Đặc biệt, chú trọng hoàn thiện thể chế, khung pháp lý cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, thị trường tín chỉ carbon, năng lượng hydrogen...

Hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng...

Đối với doanh nghiệp, để ứng phó với các thách thức này, TS Lực cho rằng doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động; kiểm soát rủi ro dòng tiền, rủi ro lãi suất, tỷ giá... Chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ (nhất là các gói hỗ trợ tài khóa, thuế - phí, tín dụng...). Đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, nguồn cung.

Mặt khác, cần chủ động áp dụng sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và kinh doanh tuần hoàn. Thực thi chiến lược chuyển đổi số (gắn với bài toán đầu tư công nghệ, nhân sự số, dữ liệu và kiểm soát rủi ro...). Thích ứng, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro (nhất là rủi ro pháp lý, tài chính, công nghệ, dữ liệu...).