“Năm nay, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục cất cánh”
Đó là nhận định của ông Trần Đắc Sinh, Giám đốc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu năm với chúng tôi
Đó là nhận định của ông Trần Đắc Sinh, Giám đốc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu năm với chúng tôi.
Ông đánh giá như thế nào về hoạt động của thị trường chứng khoán trong năm qua?
Năm 2006 là năm đầy bất ngờ của thị trường chứng khoán Việt Nam với sự tăng trưởng đột biến ngoài dự tính của các nhà quản lý cũng như các nhà đầu tư. Nhìn chung thị trường phát triển nhanh cả về lượng và chất.
Về lượng, chỉ riêng năm qua đã có trên 120 công ty niêm yết trên sàn giao dịch Tp.HCM và Hà Nội. Nguồn vốn nước ngoài đổ vào thị trường tăng gấp 5 lần so với năm trước. Đến hết 31/12/2006, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt 17% GDP, vượt qua cột mốc 15% GDP. Với kết quả này, thị trường chứng khoán đã vượt mục tiêu 10-15% GDP mà Thủ tướng đặt ra trong chiến lược phát triển của thị trường chứng khoán đến năm 2010.
Dự kiến, đến 2010 GDP của Việt Nam ước đạt 80 tỉ USD và tổng giá trị vốn hoá được nâng lên từ 25-30% GDP.
Về chất, trong năm qua các nhà đầu tư ngày càng tỏ ra chuyên nghiệp hơn, không còn đầu tư theo tâm lý như những năm trước đây. Bằng chứng là trong khi rất nhiều cổ phiếu “sốt” thì vẫn có những cổ phiếu giảm giá hoặc đứng chứ không phải cổ phiếu nào cũng tăng như trước.
Về phía các công ty niêm yết, đã có những nghiên cứu kỹ hơn về thị trường chứng khoán và các báo cáo tài chính của các công ty cũng bài bản và rõ ràng hơn. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đóng vai trò quan trọng tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.
Nguyên nhân nào đã thúc đẩy thị trường có được sự tăng trưởng vượt bậc này?
Trước hết là các định chế cho thị trường đã mở hơn. Cơ sở hạ tầng, các khung pháp lý để giám sát thị trường, hệ thống công nghệ... đã được chuẩn bị kỹ cho phát triển của thị trường đến năm 2010.
Cụ thể, cơ sở vật chất của thị trường được chuẩn bị để đáp ứng cho 3 triệu tài khoản, và 2.000 tổ chức niêm yết. Hiện tại mới có khoảng 100.000 tài khoản, hơn 100 công ty niêm yết và hơn 30 công ty chứng khoán.
Một yếu tố tác động mạnh đến thị trường chứng khoán trong năm qua, đó là việc Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO, và đặc biệt là sự viếng thăm Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM của Tổng thống Mỹ George Bush nhân chuyến tham dự Hội nghị APEC lần thứ 14. Đây được coi là “cú hích” làm thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ.
Cũng may là chúng tôi đã chuẩn bị về cở sở hạ tầng như khung pháp lý để giám sát thị trường, công nghệ cũng như chủ thể tham gia thị trường đến 2010 nên chúng tôi không bị động lắm cho việc tăng trưởng “đột biến” của thị trường trong những tháng cuối năm vừa qua.
Nhìn vào hoạt động của thị trường năm 2006 và dự báo của ông trong năm tới thì thật khả quan, nhưng Việt Nam đã vào WTO, vậy thị trường chứng khoán có gặp phải áp lực và thách thức nào trong tiến trình hội nhập sắp tới không, thưa ông?
Đó là áp lực chúng ta phải mở cửa. Thứ hai là trình độ, cơ sở hạ tầng và Luật Chứng khoán của chúng ta phải sớm hoàn thiện và phù hợp với quốc tế. Riêng về Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM đã trình Chính phủ và trong quý I/2007 sẽ chuyển thành Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM.
Mặt khác trong năm 2007, chúng tôi sẽ ký kết quan hệ hợp tác với các Sở Giao dịch chứng khoán trên thế giới như: Ba Lan, Mỹ (NewYork), Toronto(Canada), Singapore...để học hỏi, trao đổi thông tin, và hợp tác toàn diện. Đặc biệt trong năm 2007, chúng tôi sẽ ký kết hợp tác kỹ thuật (IT) với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc.
Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM có đầu tư gì mới trong năm 2007 để đảm bảo và đáp ứng nhu cầu giao dịch ngày càng tăng và ngày càng lớn của thị trường?
Riêng về hệ thống kỹ thuật chúng tôi đã có những dự phòng và vào tháng 4/2007, chúng tôi sẽ chính thức khớp lệnh tự động. Chúng tôi đã họp và thông báo đến các công ty chứng khoán để họ chuẩn bị.
Tiếp theo đó, chúng tôi sẽ triển khai việc bỏ sàn giao dịch và thực hiện nhận lệnh từ xa. Chúng tôi cũng đang xây dựng một hệ thống giao dịch hoàn thiện bao gồm: giao dịch, công bố thông tin, giám sát... cho toàn thị trường. Dự án này khoảng trên 10 triệu USD. Hiện dự án đang chuẩn bị đấu thầu quốc tế, dự kiến 2009, Trung tâm sẽ đưa hệ thống giao dịch hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế vào hoạt động.
Việc chuyển thành Sở Giao dịch chứng khoán có mang lại thuận lợi gì và thúc đẩy Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM phát triển không, thưa ông?
Từ 01/01/2007, Luật Chứng khoán bắt đầu có hiệu lực và theo luật mới thì các sàn giao dịch sẽ trực tiếp cấp phép cho các công ty niêm yết chứ không qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước như hiện nay. Điều này giúp các công ty niêm yết được nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Mặt khác, việc chuyển lên thành Sở Giao dịch chứng khoán sẽ giúp chúng tôi điều hành thị trường độc lập hơn, quyền tự chủ cao hơn nhưng cũng sẽ vất vả hơn. Hiện chúng tôi đang có những bước chuẩn bị về nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu trên.
Theo đánh giá của ông, năm 2007 xu hướng thị trường sẽ phát triển như thế nào?
Năm 2007, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục “cất cánh”, phát triển với tốc độ nhanh và ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Lượng hàng hoá sẽ tiếp tục tăng và ổn định chứ không dồn dập như tháng cuối năm 2006. Lý do vì 2007, chủ trương của Nhà nước là đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, nhiều doanh nghiệp lớn sẽ niêm yết khiến hàng hóa trên thị trường hấp dẫn và sôi động hơn.
Một lý do khác là hiện thu hút vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài của Việt Nam mới chiếm 5% trong tổng vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó ở các nước thường chiếm từ 30-40%, nên thị trường chứng khoán sẽ là kênh thu hút vốn đầu tư gián tiếp mạnh trong những năm tới.
Huy động vốn trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam cũng dễ dàng và thông thoáng hơn. Hiện đã có rất nhiều quỹ đầu tư nước ngoài có mặt ở Việt Nam và nhiều quỹ khác đang có ý định tham gia vào thị trường tài chính của Việt Nam.
Tính đến hết ngày 31/12/2006: có 106 cổ phiếu đăng ký niêm yết với tổng khối lượng niêm yết gần 1.510 tỷ cổ phiếu (15,100 nghìn tỷ đồng): 372 trái phiếu Chính phủ và công ty với tổng mệnh giá niêm yết khoảng 57,7 ngàn tỷ đồng và 2 chứng chỉ quỹ VF1 và PRUBF1 với tổng giá trị mệnh giá 1.000 tỷ đồng. |