18:20 13/03/2023

Năm nhóm đối tượng không phải nộp quyết toán thuế cá nhân gồm những ai?

Trâm Anh

Tổng cục Thuế vừa thông tin, trong mùa quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm nay, tiếp tục đẩy mạnh số hóa để người nộp thuế thuận tiện kê khai, nộp thuế điện tử; nêu rõ 5 nhóm đối tượng không phải nộp quyết toán thuế cá nhân...

Cục Thuế TP. Hà Nội phấn đấu số lượng cá nhân nộp hồ sơ quyết toán thuế trên 90%, cơ bản cá nhân nộp thuế điện tử thông qua ứng dụng Etaxmobile.
Cục Thuế TP. Hà Nội phấn đấu số lượng cá nhân nộp hồ sơ quyết toán thuế trên 90%, cơ bản cá nhân nộp thuế điện tử thông qua ứng dụng Etaxmobile.

Tổng cục Thuế cho biết căn cứ khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Công văn số 636/TCT-DNNCN của Tổng cục Thuế, thời hạn quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2022 đối với hồ sơ của tổ chức chậm nhất là ngày 31/3; đối với hồ sơ của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế chậm nhất là ngày 30/4 và sẽ được tính bù thành ngày 2/5.

Cơ quan thuế khuyến khích người nộp thuế là cá nhân đăng ký tài khoản giao dịch thuế điện tử để có thể kê khai nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân trên dịch vụ thuế điện tử mà không phải đem hồ sơ đến nộp trực tiếp tại cơ quan thuế, từ đó, giảm ách tắc khi nộp hồ sơ giấy tại cơ quan thuế.

ĐẨY MẠNH QUYẾT TOÁN THUẾ QUA PHƯƠNG THỨC ĐIỆN TỬ

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện quyết toán thuế và hưởng ứng triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia, trong năm 2023, Cục Thuế TP. Hà Nội chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các cá nhân quyết toán thuế thực hiện đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan thuế và thực hiện nộp thuế điện tử, phấn đấu số lượng cá nhân nộp hồ sơ quyết toán thuế trên 90%.

Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội, cho biết việc này giúp cho cá nhân có thể thực hiện quyết toán thuế dễ dàng, thuận lợi, tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại. Theo đó, cá nhân có thể thực hiện kê khai và nộp tờ khai thuế điện tử; nộp thuế điện tử thông qua ứng dụng Etaxmobile.

Hiện Cục Thuế TP. Hà Nội đang triển khai kế hoạch tới từng phòng, ban, chi cục thuế triển khai chương trình trực tiếp hướng dẫn người nộp thuế đăng ký, cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile trên thiết bị di động. Đồng thời, giao chỉ tiêu đến từng cán bộ trực tiếp quản lý trực tiếp thống kê số lượng cá nhân phải tự quyết toán, cá nhân hoàn thuế, số lượng cá nhân chưa có tài khoản giao dịch thuế điện tử, từ đó có giải pháp hướng dẫn phù hợp theo từng đối tượng cụ thể.

Cùng với đó, từ ngày 15/3 đến ngày 4/5, Cục Thuế TP. Hà Nội cũng triển khai chương trình “Đồng hành cùng tổ chức, cá nhân thực hiện quyết toán thuế năm 2022” tại văn phòng cục và 25 chi cục hỗ trợ về chính sách, công nghệ thông tin và kê khai thuế.

“Cục Thuế TP. Hà Nội khuyến cáo tổ chức, cá nhân nên sắp xếp chủ động nộp hồ sơ sớm để tránh trường hợp tập trung số lượng lớn hồ sơ vào một số ngày cuối cùng để đảm bảo hệ thống tiếp nhận hoạt động thông suốt”, lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội nhấn mạnh.

Liên quan đến các đối tượng phải nộp quyết toán thuế thu nhập cá nhân, theo Tổng cục Thuế, căn cứ Điểm d Khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP và Công văn 636/TCT-DNNCN hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập cá nhân, những đối tượng sau phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân: tổ chức, cá nhân trả tiền lương, tiền công thực hiện quyết toán thuế thay cho cá nhân có uỷ quyền mà không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không.

Việc ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân áp dụng với người lao động ký hợp đồng từ 3 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm thực hiện quyết toán thuế.

"Trường hợp này áp dụng cho cả đối tượng có thu nhập vãng lai không quá 10 triệu đồng ở nơi khác và đã được khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân nếu không có yêu cầu quyết toán với phần thu nhập này", Tổng cục Thuế cho biết.

Cũng theo Tổng cục Thuế, cá nhân trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế gồm các đối tượng: có số thuế phải nộp thuế/nộp thừa đề nghị hoàn/bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo trừ trường hợp số thuế phải nộp thuế sau khi quyết toán của từng năm dưới 50.000 đồng trở xuống; thuế phải nộp nhỏ hơn thuế đã tạm nộp và không yêu cầu hoàn thuế, bù trừ vào kỳ tiếp theo…; người nước ngoài hết hợp đồng làm việc tại Việt Nam quyết toán thuế trước khi xuất cảnh…

5 ĐỐI TƯỢNG KHÔNG PHẢI NỘP QUYẾT TOÁN THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

Tổng cục Thuế cũng nêu rõ một số trường hợp sẽ không phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân căn cứ theo Điểm d Khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP và Công văn 636/TCT-DNNCN.

Cụ thể, thứ nhất, tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Nghĩa là, trong kỳ tính thuế thu nhập cá nhân không trả lương, tiền công cho người lao động thì không phải khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân.

Riêng trường hợp có trả tiền lương, tiền công nhưng không phát sinh khấu trừ thuế thu nhập cá nhân thì vẫn phải khai quyết toán thuế theo quy định.

Thứ hai, đối với cá nhân trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế, nếu cá nhân có số thuế thu nhập cá nhân phải nộp thêm sau quyết toán của từng năm từ 50.000 đồng trở xuống sẽ không phải quyết toán thuế.

Khi đó, cá nhân được miễn thuế trong trường hợp này tự xác định số tiền thuế được miễn, không bắt buộc phải nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân và không phải nộp hồ sơ miễn thuế. Trường hợp kỳ quyết toán từ năm 2019 trở về trước đã quyết toán trước thời điểm 5/12/2020 thì không xử lý hồi tố.

Thứ ba, cá nhân có số thuế thu nhập cá nhân phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo.

Thứ tư, cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

Thứ năm, cá nhân được người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm mà người sử dụng lao động, hoặc doanh nghiệp bảo hiểm đã khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm tương ứng với phần người sử dụng lao động mua, hoặc đóng góp cho người lao động, khi đó, người lao động không phải quyết toán đối với phần thu nhập này.

 

Trường hợp người nộp thuế chậm quyết toán thuế thu nhập cá nhân, căn cứ Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, tùy theo thời gian chậm quyết toán mà có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt thấp nhất là 2 triệu đồng và mức cao nhất là 25 triệu đồng.

Ngoài nộp phạt, nếu chậm nộp thì còn phải nộp khoản tiền chậm nộp, với số tiền chậm nộp tiền phạt tính theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền phạt nộp chậm.