16:48 16/02/2023

Năm phát hiện chính trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Anh Nhi

Báo cáo khảo sát 1.000 doanh nghiệp trên cả nước trong các lĩnh vực như nông lâm thủy sản, công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn bán lẻ… cho thấy nhiều doanh nghiệp đã tăng đầu tư vào ứng dụng công nghệ số để tăng tốc trong giai đoạn khó khăn chưa từng có tiền lệ…

Toàn cảnh buổi công bố Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2022.
Toàn cảnh buổi công bố Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2022.

Chia sẻ tại Hội thảo công bố Báo cáo thường niên “Chuyển đổi số doanh nghiệp 2022: Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam” ngày 16/2, bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng những tác động sau dịch Covid-19 và diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

“Tính tất yếu của xu hướng chuyển đổi số đã được nhiều doanh nghiệp nhìn nhận và tăng đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, giúp doanh nghiệp thích ứng, và thậm chí tăng tốc trong giai đoạn khó khăn chưa từng có tiền lệ vừa qua”, bà Hương nhận định.

Nhiều nghiên cứu và bài học thực tiễn đã chứng minh những doanh nghiệp biết áp dụng công nghệ tiên tiến sớm hơn có cơ hội tạo ra những bước tiến lớn hơn, bắt kịp với xu hướng phát triển và tạo thêm nhiều giá trị mới, tạo khoảng cách ngày càng xa với các doanh nghiệp chưa chuyển đổi.

Vì vậy, theo ông Dainel Fitzpatrick, Giám đốc Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện các sáng kiến và chiến lược chuyển đổi số của riêng mình.

“Nhờ đó, một số doanh nghiệp thực hiện quá trình chuyển đổi số nhanh và hiệu quả hơn các doanh nghiệp khác”, ông Daniel khẳng định.

Năm phát hiện chính trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa - Ảnh 1

Kết quả khảo sát 1.000 doanh nghiệp cũng cho thấy những những bước trưởng thành đáng kể của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hành trình chuyển đổi số so với năm 2021.

Thứ nhất, năm 2022, số lượng các doanh nghiệp được khảo sát đang tiến hành chuyển đổi số có dấu hiệu gia tăng và nhiều doanh nghiệp cũng đã dành ngân sách cụ thể cho hoạt động này dù ít hay nhiều.

Cụ thể, có gần 40% doanh nghiệp có ngân sách để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số từ mức trung bình đến đầy đủ để tiếp nhận các tư vấn và giải pháp chuyển đổi số.

So sánh với năm 2021, đây là kết quả khá tích cực khi nhiều doanh nghiệp đang ở bước học tập, tìm hiểu và tham khảo thông tin, chuẩn bị cho việc triển khai chuyển đổi số.

“Sự thay đổi này chủ yếu đến sự trưởng thành trong nhận thức, kỹ năng và kinh nghiệm liên quan tới chuyển đổi số của lãnh đạo và đội ngũ nhân lực của doanh nghiệp”, báo cáo cho biết.

Năm phát hiện chính trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa - Ảnh 2

Thứ hai, các doanh nghiệp đã có bước tiến về áp dụng các công nghệ số trong nghiệp vụ tiếp thị, phân phối, bán hàng đa kênh giúp gia tăng trải nghiệm và chăm sóc khách hàng tốt hơn (mức 2.9).

“Đây là khía cạnh dễ dàng nhìn nhận sự thay đổi của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt  Nam nhất bởi đây là những yếu tố cốt lõi để thu hút khách hàng và  tăng doanh thu”, báo cáo nhận định.

Ngoài ra, công nghệ số cũng được áp dụng phổ biến hơn trong một số nghiệp vụ như quản lý hàng tồn kho, dây chuyền sản xuất, quản lý mua hàng. Nhiều doanh nghiệp đã số hoá dữ liệu và chuẩn hoá quy trình để tiến tới chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn.

Tuy vậy, việc áp dụng công nghệ số tại nhiều doanh nghiệp mà đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn mang tính cục bộ và rời rạc do thiếu mục tiêu, kế hoạch cũng như chiến lược thực hiện chuyển đổi số một cách rõ ràng ngay từ đầu.

“Vì vậy mà việc đầu tư chuyển đổi số vẫn chưa mang lại thành công như mong đợi ở nhiều doanh nghiệp”, báo cáo cho biết.

Thứ ba, phân tích mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa) cho thấy doanh nghiệp trong hầu hết các ngành đã sẵn sàng cho sự chuyển đổi lên môi trường số. Tuy nhiên, từng lĩnh vực có mức độ sẵn sàng chuyển đổi số khác nhau đòi hỏi xây dựng lộ trình khéo léo để phù hợp với đặc trưng của từng doanh nghiệp và từng ngành nghề.

Thứ tư, định hướng và chiến lược, con người và tổ chức, trải nghiệm khách hàng và bán hàng đa kênh là 3 khía cạnh có mức độ sẵn sàng chuyển đổi số tốt nhất. Quản trị rủi ro vẫn là điểm hạn chế của hầu hết các doanh nghiệp trong các lĩnh vực, ngành nghề.

Thứ năm, các doanh nghiệp dù có đủ nhận thức, kiến thức về chuyển đổi số nhưng lại khó có thể tự mình thực hiện quá trình thay đổi mang tính toàn diện này.

“Vì vậy, việc hỗ trợ, tư vấn về lộ trình chuyển đổi số, hỗ trợ ứng dụng giải pháp chuyển đổi số phù hợp là thực sự cần thiết trong giai đoạn tiếp theo”, báo cáo khẳng định.

 

Báo cáo “Chuyển đổi số doanh nghiệp 2022: Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam” là ấn phẩm thường niên trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 do Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai.

Báo cáo cung cấp bức tranh tổng thể và cập nhật về tình hình và xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và tại Việt Nam, phân tích mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp và đưa ra những góc nhìn chuyên gia với một số bài học thành công của một số doanh nghiệp điển hình tiến hành chuyển đổi số thành công. 

Báo cáo thường niên nhằm nâng cao nhận thức chung về một số xu hướng công nghệ trên thế giới, hiểu được thực trạng, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, cũng như học hỏi từ những câu chuyện về chuyển đổi số sẽ giúp mỗi doanh nghiệp xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp của riêng mình, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”.