07:47 17/07/2023

Nan giải tình trạng thiếu giáo viên, không chỉ riêng Thanh Hóa

Nguyễn Thuấn

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước thiếu hơn 100.000 giáo viên, chủ yếu ở bậc mầm non, tiểu học, và với một số môn học theo chương trình mới như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, tiếng Anh. Trong đó, Thanh Hóa, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Bình Dương,... là những địa phương thiếu nhiều nhất...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại buổi chất vấn tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII vừa qua, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, lý giải những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên.

THANH HÓA THIẾU HƠN 10.000 GIÁO VIÊN

Người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho hay so với định mức quy định của tỉnh, thì hiện tại toàn tỉnh đang thiếu 6.884 giáo viên. Trong đó, giáo viên tiếng Anh thiếu 277 người, giáo viên Tin học thiếu 680 người, giáo viên Âm nhạc thiếu 12 người và giáo viên Mỹ thuật thiếu 209 biên chế.

Tuy nhiên, nếu so với định mức quy định của Bộ giao, thì ngànhGiáo dục và Đào tạo Thanh Hóa còn thiếu tới 10.256 giáo viên. Trong đó, giáo viên tiếng Anh thiếu 353 người, giáo viên Tin học thiếu 690 người, giáo viên Âm nhạc thiếu 72 người và giáo viên Mỹ thuật thiếu 277 biên chế.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, nguyên nhân của việc thiếu nhiều giáo viên như đã nêu, là do Trung ương giao biên chế cho tỉnh thấp hơn so với nhu cầu tính theo định mức quy định của tỉnh và thấp hơn nhiều so với quy định của Bộ. Đồng thời, hàng năm vẫn phải cắt giảm biên chế theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương.

Những năm trước đây, tỉnh Thanh Hóa không thực hiện tuyển dụng giáo viên để bổ sung cho số giáo viên nghỉ hưu. Hiện nay, đã có cơ chế tuyển giáo viên nhưng một số huyện, thị, thành phố chưa kịp thời xây dựng kế hoạch tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế được tỉnh giao. Hoặc, phải cân đối bù trừ trong việc thừa, thiếu giáo viên giữa các cấp học. Đối với giáo viên bậc THCS thì đang cơ bản thừa, còn giáo viên các bậc Tiểu học và Mầm non lại cơ bản thiếu so với biên chế tỉnh giao.

“Từ năm học 2021-2022 trở về trước, 100% học sinh lớp 1, lớp 2 học 2 buổi/ngày. Môn tiếng Anh và Tin học ở cấp Tiểu học là môn tự chọn. Các môn Âm nhạc, Mỹ thuật thì không có trong chương trình cấp THPT. Theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ năm học 2022-2023, các môn tiếng Anh, Tin học trở thành môn học bắt buộc ở cấp Tiểu học được dạy từ lớp 3. Các môn Âm nhạc, Mỹ thuật là môn lựa chọn ở cấp THPT được dạy từ lớp 10, nên việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên gặp nhiều khó khăn”, ông Thức nói.

Hiện nay chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở Thanh Hóa còn thấp so với yêu cầu và bình quân chung cả nước. Học tiếng Anh trên địa bàn 11 huyện miền núi phát triển chậm, do không tuyển được giáo viên, thiếu nhân lực, trang thiết bị. Việc dạy và học ngoại ngữ chỉ tập trung cho việc thi đỗ môn học; người dạy, người học ít thực hành, trau dồi để đạt được kỹ năng sử dụng ngoại ngữ như một công cụ giao tiếp, làm việc.

Để khắc phục việc thiếu giáo viên, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ trong việc hướng dẫn các huyện thị, thành phố thực hiện tuyển dụng giáo viên kịp thời hết chỉ tiêu biên chế được giao. Trong đó, ưu tiên tuyển dụng trước số giáo viên thuộc các bộ môn còn thiếu nhiều, như: giáo viên Văn hóa, Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật (cấp tiểu học); giáo viên Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật (cấp THCS); giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật (THPT).

Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII.
Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII.

Trong trường hợp chưa kịp tuyển dụng giáo viên thì thực hiện hợp đồng lao động làm giáo viên đối với sinh viên mới ra trường, giáo viên đã nghỉ hưu, còn đủ sức khỏe và tâm huyết với nghề. Bố trí giáo viên dạy liên trường, dạy liên cấp, dạy tăng tiết nhằm đảm bảo có đủ giáo viên dạy học theo chương trình mới.

Quan tâm thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước đối với đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở khu vực miền núi. Động viên, khuyến khích đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý yên tâm với nghề, gắn bó công tác lâu dài tại khu vực miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

CẢ NƯỚC THIẾU HƠN 100.000 GIÁO VIÊN

Không chỉ riêng tỉnh Thanh Hóa, các tỉnh, thành phố như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An và Bình Dương, Thái Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi,... cũng có số lượng giáo viên thiếu lên tới con số hàng nghìn.

Năm học 2022-2023, ngành giáo dục Thủ đô thiếu 10.265 giáo viên, tuy nhiên số biên chế được bổ sung trong năm học này chỉ có 2.361 biên chế. Tại Nghệ An, năm học 2022-2023, tỉnh này  được Bộ Chính trị phê duyệt bổ sung hơn 2.800 chỉ tiêu biên chế, trong đó có 2.164 biên chế giáo viên mầm non, 498 biên chế giáo viên tiểu học, 142 biên chế giáo viên trung học cơ sở và 16 biên chế giáo viên trung học phổ thông. Tuy nhiên toàn ngành giáo dục Nghệ An vẫn thiếu 5.200 giáo viên. Số lượng giáo viên còn thiếu tập trung chủ yếu ở cấp mầm non, giáo viên Tin học, Tiếng Anh cấp tiểu học. 

Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một “điểm nóng” về việc thiếu giáo viên. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2022-2023 ngành giáo dục thành phố còn thiếu hơn 5.200 giáo viên. 

Đối với tỉnh Bình Dương là tỉnh đặc thù khi có nhiều khu công nghiệp, do đó tập trung đông công nhân lao động từ khắp các nơi cả nước đến sinh sống và làm việc. Số lượng học sinh tăng nhanh chủ yếu ở tỉnh này chính là do sự dịch chuyển dân số.  Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương, năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 742 trường học, với 527.102 học sinh. So với năm học 2021-2022, toàn tỉnh Bình Dương tăng thêm 11 trường và tăng khoảng 29.922 học sinh. Số học sinh tăng cao cùng việc hàng loạt giáo viên nghỉ việc đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu giáo viên tại địa phương này. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương cho biết, năm học 2022-2023 toàn tỉnh thiếu hơn 3.000 giáo viên. 

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến cuối năm 2022, cả nước thiếu hơn 100.000 giáo viên, chủ yếu ở bậc mầm non, tiểu học, và với một số môn học theo chương trình mới như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, tiếng Anh... Tuy nhiên, đến đầu tháng 5/2023, cả nước mới tuyển được 15.540 giáo viên.

Lý giải về tình trạng thiếu giáo viên, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV tháng 10/2022, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng nhiều năm về trước giáo viên đã không đủ do nhiều người bỏ việc, giảng viên nhiều năm không tuyển, tuyển nhỏ hơn số nghỉ hưu do thừa, thiếu cục bộ, khó điều tiết và thiếu do tăng dân số tự nhiên.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ tháng 9/2015, tổng số học sinh khi bắt đầu năm học là trên 19 triệu học sinh và con số này là hơn 23 triệu học sinh vào tháng 9/2022. Trong khi đó, số giáo viên vào tháng 9/2015 có 1.156.000 người cho bậc mầm non đến phổ thông. Đến thời điểm tháng 9/2022 có 1.227.000 giáo viên.

Có thể thấy, số giáo viên nhiều hơn 100.000 trong khi số học sinh đã tăng trên 3.000.000. Bộ trưởng cho rằng đây là tình trạng thiếu do vấn đề tăng số học sinh do tăng dân số tự nhiên.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu giáo viên do biến động dồn dịch về dân số ở một số vùng, miền làm tăng ở các thành phố lớn hoặc các khu công nghiệp, cùng đó là việc dịch bệnh tác động đến các trường mầm non phải đóng cửa, đặc biệt là nhóm trẻ tư thục.

Việc thiếu cũng là do nhu cầu để thực hiện phổ cập mầm non bậc năm tuổi hoặc thiếu do việc tăng số buổi học từ một lên hai buổi một ngày…Người đứng đầu ngành giáo dục cũng nêu tình trạng thiếu giáo viên do một thời gian dài không tuyển và không tuyển được, thậm chí nhiều nơi dồn vài ba năm mới tuyển. Mặt khác, việc thiếu giáo viên còn do thiếu nguồn tuyển hoặc có nguồn đã được đào tạo nhưng không dự tuyển vì chọn các nghề khác…

Ngoài ra, việc thiếu còn do chuẩn về mặt tỷ lệ giáo viên trên học sinh và số học sinh trên lớp được quy định 35 học sinh/lớp ở tiểu học và 45 học sinh/lớp ở bậc trung học. Chuẩn này đã được xác định từ năm 2010 và đến năm 2019 trong điều lệ trường tiểu học, điều lệ trường trung học đã nhắc lại. Muốn nâng cao chất lượng thì không thể duy trì số lượng học sinh quá lớn trên lớp. Nếu số lượng học sinh/lớp mà 60-65 thậm chí hơn thế thì rất khó để nâng cao chất lượng dạy và học.

Về giải pháp, ông cho biết vừa qua Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ đã duyệt và giao cho ngành giáo dục 65.000 chỉ tiêu và sẽ tuyển dần trong từ nay đến năm 2026.

Ngoài chỉ tiêu mới, các tỉnh, thành tuy thiếu chỉ tiêu nhưng vẫn đang tồn đọng trên 10.000 chỉ tiêu từ các năm cũ vẫn chưa tuyển được. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị các địa phương vừa tuyển số mới, vừa tiếp tục tuyển số cũ để đáp ứng được nhu cầu.