10:30 27/09/2007

Nạn nhân sập cầu Cần Thơ sẽ được Bảo hiểm Dầu khí hỗ trợ

Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) là đơn vị thu xếp bảo hiểm đúng đoạn cầu Cần Thơ bị sập sáng 26/9

Đưa nạn nhân sập cầu đi cấp cứu - Ảnh: AP.
Đưa nạn nhân sập cầu đi cấp cứu - Ảnh: AP.
Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) là đơn vị thu xếp bảo hiểm đúng đoạn cầu Cần Thơ bị sập sáng 26/9.

>>Theo dòng sự kiện

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuyến, Giám đốc Ban Giải quyết bồi thường ca PVI, giá trị bảo hiểm toàn bộ cầu Cần Thơ là 3.000 tỉ đồng. PVI sẽ hỗ trợ tài chính cho các nạn nhân trong vụ sập cầu này.

Được biết, toàn bộ cầu Cần Thơ được chia ra làm 4 gói thầu bảo hiểm do bốn công ty bảo hiểm phi nhân thọ thu xếp bảo hiểm. Đoạn cầu đầu tiên thuộc trách nhiệm bảo hiểm của công ty bảo hiểm Bảo Minh (bảo hiểm trị giá khoảng 600 tỉ đồng); kế tiếp là đoạn bị sập sáng nay do PVI thu xếp bảo hiểm; tiếp theo là đoạn của công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (Pjico), và đoạn cuối cùng thuộc trách nhiệm bảo hiểm của Bảo hiểm Bảo Việt. Tổng giá trị toàn bộ bốn gói thầu bảo hiểm cầu Cần Thơ hơn 3.000 tỉ đồng.

Theo ông Nguyễn Quế Phong, Trưởng phòng Bảo hiểm tài sản và kỹ thuật của Bảo Minh, trong trường hợp cầu xây dựng hoàn tất, vì một lý do như động đất, lụt, sóng thần... làm tổn thất, sụp đổ toàn bộ cầu thì giá trị bồi thường là hơn 3.000 tỉ. Tuy nhiên, với phần xây dựng như hiện nay, ước tính giá trị bồi thường khoảng vài mươi tỉ đồng.

“Tổn thất đến đâu, bồi thường đến đấy”, ông nói.

Được biết, PVI đã thông báo công ty giám định quốc tế Crawford tới giám định thiệt hại. Khoảng 5 giờ chiều 26/9, ông Nguyễn Ngọc Tuyến, Giám đốc Ban Giải quyết bồi thường của PVI cũng đã ra sân bay Nội Bài bay đến Cần Thơ.

Theo một nguồn tin từ PVI, PVI chỉ có trách nhiệm đối với cầu Cần Thơ, không có bảo hiểm cho con người. Tuy nhiên, PVI đã quyết định sẽ hỗ trợ tài chính cho các nạn nhân ở cầu Cần Thơ.