07:00 21/03/2024

Nâng cao chất lượng hàng hóa, thị trường là điều kiện cần, lâu dài

Hoàng Xuân

Các số liệu thống kê cho thấy rằng kể từ khi công bố đến khi có hiệu lực, trung bình các chỉ số chứng khoán của các thị trường được nâng từ cận biên lên mới nổi tăng khoảng 23%. Một ví dụ mà nhiều người hay nêu là chỉ số chứng khoán Karachi của Pakistan tăng tới 300% khi họ được nâng hạng năm 2009...

Để giải bài toán nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi như mục tiêu đặt ra, trong cuộc trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, GS.TS. Quách Mạnh Hào, Đại học Lincohn, Vương quốc Anh, cho rằng nên làm từng bước mà chắc còn hơn cùng làm nhiều bước mà chậm. Ví dụ, chúng ta nên tập trung hoàn toàn cho việc nâng hạng bởi FTSE Russell vì chúng ta đã được thêm vào danh sách theo dõi từ cách đây 5 năm rồi, cũng đã tạo ra sự chú ý nhất định của giới đầu tư nước ngoài rồi, bây giờ thực chất chỉ còn một điều kiện mà điều kiện này có thể đáp ứng được thông qua sự phối hợp giữa các công ty chứng khoán và các ngân hàng thương mại.

Hiện nay, theo phân loại của ba tổ chức xếp hạng lớn của thế giới (MSCI, FTSE Russell và S&P Dow Jones) đã phân loại các thị trường tài chính thành ba loại theo từng năm: thị trường phát triển (DM), thị trường mới nổi (EM) và thị trường cận biên (FM). Ông đánh giá thế nào về cơ hội nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam?

Thông tin báo chí có khá nhiều về vấn đề này rồi nên tôi không nhắc lại. Có thể hình dung là việc phân loại thị trường dựa vào các tiêu chí cứng mà họ đặt ra, mỗi tổ chức có các tiêu chí khác nhau, nhưng có một đặc điểm chung là họ quan tâm nhiều tới vấn đề sở hữu và sự thuận tiện trong giao dịch. Chúng ta đang ở nhóm thị trường cận biên của cả ba tổ chức và chúng ta muốn nâng hạng lên thành thị trường mới nổi.

Trong ba tổ chức nêu trên thì hiện thực tế nhất đối với Việt Nam cho mục tiêu nâng hạng trước năm 2025 là FTSE Rusell khi mà Việt Nam đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí, chỉ còn lại vấn đề ký quỹ trước giao dịch cho người nước ngoài. Hiểu đơn giản là chúng ta yêu cầu tại lúc đặt lệnh phải có đủ tiền trong khi thông lệ quốc tế là tại lúc đặt lệnh chỉ cần một phần tiền ký quỹ và tại thời điểm thanh toán (T+2) mới cần có đủ tiền, và vấn đề mang tính hệ quả kèm theo là cơ chế xử lý với giao dịch thất bại, tức là họ không đủ tiền lúc thanh toán thì xử lý thế nào.

Còn với MSCI và S&P Dow Jones thì chúng ta còn khá xa, và cần thời gian vì chúng ta chưa đáp ứng được một nửa các tiêu chí họ đặt ra, mà toàn vấn đề khó liên quan tới việc phải sửa luật.

Vậy có thể lượng hóa được các cơ hội và thách thức của việc nâng hạng như thế nào, thưa ông?

Việc được nâng hạng chắc chắn mang lại tiền vì một khi nằm trong nhóm thị trường mới nổi, mức độ rủi ro có thể hiểu là thấp hơn, dẫn tới sự phân bổ tài sản của các quỹ đầu tư chỉ số thụ động. Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư chủ động và nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ tìm đến. Các số liệu thống kê cho thấy rằng kể từ khi công bố đến khi có hiệu lực, trung bình các chỉ số chứng khoán của các thị trường được nâng từ cận biên lên mới nổi tăng khoảng 23%. Một ví dụ mà nhiều người hay nêu là chỉ số chứng khoán Karachi của Pakistan tăng tới 300% khi họ được nâng hạng năm 2009.

Mặc dù vậy, chúng ta cần phải hết sức thực tế bởi việc tiền vào bao nhiêu còn phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng hàng hóa của chúng ta. Việc phân bổ thụ động nếu được nâng hạng lên nhóm mới nổi của FTSE Russell ước tính khoảng 800 triệu đến 1 tỷ USD, và sẽ tăng lên khoản 4-5 tỷ USD nếu được nâng hạng bởi MSCI và S&P Dow Jones và khi đó tiềm năng có thể tới 10 tỷ USD theo ước tính của Ngân hàng Thế giới nếu tính cả thụ động và chủ động.

Như vậy, với việc chúng ta hiện tại khả thi nhất là được nâng hạng bởi FTSE Russell vào cuối năm nay thì con số ước tính chỉ là trên dưới 1 tỷ USD. Con số này thực ra cũng tương đương với số tiền mà nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trong năm 2023 (khoảng 22,600 tỷ đồng). Tất nhiên ý nghĩa của việc nâng hạng là lớn vì nó giúp chúng ta thu hút thêm các nguồn vốn chủ động, nâng danh tiếng của Việt Nam trong con mắt giới đầu tư toàn cầu, cơ hội kinh doanh khác chứ không hẳn chỉ là tiền vốn đầu tư.

Mục tiêu chúng ta hướng tới trong việc thu hút vốn nước ngoài không phải là vốn thụ động mà là vốn chủ động cho doanh nghiệp.
Mục tiêu chúng ta hướng tới trong việc thu hút vốn nước ngoài không phải là vốn thụ động mà là vốn chủ động cho doanh nghiệp.

Nhưng tất nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng được chọn để đưa vào chỉ số, hoặc ngay cả việc Việt Nam được nâng hạng thì cũng có thể xuống hạng nếu không luôn đáp ứng tiêu chí mỗi kỳ xem xét. Tình huống này đã từng xảy ra với Pakistan và ngay cả khi họ nằm trong nhóm mới nổi của FTSE Russell như hiện tại thì thực tế họ cũng chỉ có một doanh nghiệp được chọn. Điều này có nghĩa rằng bên cạnh xử lý các điều kiện cứng, các điều kiện mềm liên quan tới chất lượng hàng hóa, doanh nghiệp là điều quan trọng.

Các vấn đề liên quan tới thao túng giá, công bố thông tin không đúng (chưa kể vấn đề tiếng Anh) đã là một trở ngại và chúng ta cần phải xử lý triệt để các điều kiện mềm này. Mục tiêu chúng ta hướng tới trong việc thu hút vốn nước ngoài không phải là vốn thụ động mà là vốn chủ động cho doanh nghiệp, thì câu nói đó cho chúng ta hiểu rằng trong con mắt người nước ngoài, việc nâng hạng là một điều kiện cần thiết, nhưng nâng cao chất lượng hàng hóa và thị trường mới là điều kiện đủ, lâu dài.

Theo phân loại hiện nay, cả ba tổ chức xếp hạng lớn này đều đang phân loại Việt Nam là thị trường cận biên và đưa vào danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi. Theo ông, Việt Nam cần giải bài toán nâng hạng như thế nào một cách nhanh nhất?

Theo quan điểm cá nhân tôi, chúng ta nên làm từng bước mà chắc còn hơn cùng làm nhiều bước mà chậm. Ví dụ, chúng ta nên tập trung hoàn toàn cho việc nâng hạng bởi FTSE Russell vì chúng ta đã được thêm vào danh sách theo dõi từ cách đây 5 năm rồi, cũng đã tạo ra sự chú ý nhất định của giới đầu tư nước ngoài rồi, bây giờ thực chất chỉ còn một điều kiện mà điều kiện này có thể đáp ứng được thông qua sự phối hợp giữa các công ty chứng khoán và các ngân hàng thương mại...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 12-2024 phát hành ngày 18/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Nâng cao chất lượng hàng hóa, thị trường là điều kiện cần, lâu dài - Ảnh 1