15:47 29/09/2022

Nâng mặt bằng lãi suất huy động, các ngân hàng vẫn khó hút tiền

Vũ Phong

Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04% trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã đạt 10,54%, tương đương gấp 2,6 lần tốc độ tăng trưởng huy động vốn...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Báo cáo Tình hình Kinh tế - Xã hội quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022 do Tổng cục Thống kê mới công bố cho biết, tính đến thời điểm 20/9/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,95%).

Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%) trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã đạt 10,54% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,17%), tương đương gấp 2,6 lần tốc độ tăng trưởng huy động vốn.

Trước đó, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tiền gửi khách hàng của hệ thống tổ chức tín dụng trong 6 tháng đầu năm đã đạt 4,77%, cao hơn con số 4,04% đến tháng 9/2022 của Tổng cục Thống kê.

Như vậy, nhiều khả năng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống ngân hàng  đã sụt giảm trong quý 3 vừa qua. Đáng chú ý, điều này này được diễn ra trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động đã được các ngân hàng tăng lên rất cao.

Hiện tại, lãi suất trên 8%/năm đã xuất hiện tại biểu niêm yết của một số ngân hàng. Đồng thời, nhóm Big4 gồm Vietcombank, Vietibank, BIDV, Agribank cũng đã chính thức tham gia "cuộc đua" tăng lãi suất huy động.

Quay lại với những con số của Tổng cục Thống kê, cơ quan này cho biết thêm, thị trường bảo hiểm tiếp tục đạt mức tăng mức tăng trưởng ổn định. Tổng doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm 9 tháng năm 2022 ước tăng 17% so với cùng kỳ năm trước (quý 3/2022 ước tăng 18%), trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ ước tăng 17%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước tăng 18%.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán toàn cầu khi nhiều quốc gia thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt.

Cụ thể, tính đến ngày 27/9/2022, chỉ số VNIndex đạt 1.166,54 điểm, giảm 8,9% so với cuối tháng trước và giảm 22,14% so với cuối năm 2021. Tính đến ngày 16/9/2022, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.437 nghìn tỷ đồng, giảm 17,1% so với cuối năm 2021; giá trị giao dịch bình quân đạt 16.394 tỷ đồng/phiên, giảm 12% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 22.743 tỷ đồng/phiên, giảm 14,5% so với bình quân năm trước.

Thị trường cổ phiếu hiện có 753 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết; 858 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch đạt 1.901 nghìn tỷ đồng, tăng 9,32% so với cuối năm 2021.