17:58 03/04/2014

NASA đột ngột tuyên bố “nghỉ chơi” với Nga

Huy Nam

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ nói rằng, đây là động thái đáp trả những hành động của Nga ở Ukraine

Kể từ khi tàu vũ trụ con thoi ngừng hoạt động, NASA đã phụ thuộc vào Nga trong việc đưa các nhà du hành vũ trụ lên ISS.
Kể từ khi tàu vũ trụ con thoi ngừng hoạt động, NASA đã phụ thuộc vào Nga trong việc đưa các nhà du hành vũ trụ lên ISS.
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) ngày 2/4 tuyên bố sẽ hủy toàn bộ quan hệ hợp tác với Nga, ngoại trừ hợp tác trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Cho dù trước đó, NASA từng khẳng định rằng, hợp tác vũ trụ sẽ không chịu ảnh hưởng bởi vấn đề chính trị thế giới.

Tin từ Reuters cho biết, với quyết định hủy hợp tác nói trên, nhân viên của NASA không được tới Nga hay đón tiếp khách từ Nga cho tới khi nào có thông báo khác. Họ cũng bị cấm gửi e-mail hay tổ chức điện đàm với đối tác Nga.

Trong bản ghi nhớ được NASA gửi cho toàn bộ nhân viên, cơ quan này nói rằng, đây là động thái nhằm đáp trả những hành động của Nga ở Ukraine.

Tuy nhiên, các hoạt động liên quan tới ISS vẫn được duy trì. NASA và cơ quan vũ trụ của Nga sẽ “tiếp tục làm việc cùng nhau để duy trì hoạt động an toàn và bình thường” của ISS - NASA cho biết trong một tuyên bố phát đi vào ngày 2/4.

Kể từ khi tàu vũ trụ con thoi ngừng hoạt động, NASA đã phụ thuộc vào Nga trong việc đưa các nhà du hành vũ trụ lên ISS. Trong đó, mỗi ghế trên con tàu vũ trụ Soyuz của Nga có mức giá gần 71 triệu USD/lượt đi.

Tuần trước, một tên lửa của Nga đã đưa ba nhà du hành vũ trụ, trong đó có nhà du hành vũ trụ người Mỹ Steve Swanson, lên trạm ISS. Trạm vũ trụ này là một phòng thí nghiệm hợp tác giữa Mỹ, Nga, châu Âu, Nhật Bản và Canada. Các nhà du hành vũ trụ của Mỹ được đào tạo tại Nga trước khi bay lên ISS và quyết định hủy hợp tác mà NASA vừa đưa ra sẽ không ảnh hưởng tới vấn đề hợp tác này.

Đáng chú ý, động thái của NASA được đưa ra ngay sau khi cơ quan này trấn an rằng, quan hệ hợp tác vũ trụ Mỹ-Nga vẫn tốt đẹp bất chấp căng thẳng xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine. “Hiện tại, mọi thứ trong quan hệ giữa chúng tôi với phía Nga vẫn bình thường”, Tổng giám đốc NASA Charles Bolden nói trong một cuộc điện đàm hôm 4/3.

Tuần trước, NASA nhắc lại quan điểm này sau khi bán đảo Crimea ly khai khỏi Ukraine và gia nhập Nga. “Chúng tôi không cho là tình hình hiện nay ở Nga-Ukraine sẽ có ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác vũ trụ dân sự lâu dài của chúng tôi với Nga, mối quan hệ đã kéo dài nhiều thập niên”, một tuyên bố của NASA viết.

Sau khi bản ghi nhớ của NASA của nhân viên bị rò rỉ ngày 2/4, cơ quan này lên tiếng xác nhận đã dừng hầu hết mọi liên lạc với phía Nga. Trước Quốc hội Mỹ, NASA nói rằng, họ sẽ không phải phụ thuộc vào Nga để đưa người lên trạm vũ trụ nếu ngân sách không bị cắt giảm. NASA cũng nói có thể sẽ dựa vào các công ty tên lửa khu vực tư nhân để đưa phi hành gia lên ISS vào năm 2017.

Các chuyên gia cho biết không ngạc nhiên vì động thái của NASA, bởi những bản ghi nhớ tương tự về dừng liên lạc với Nga cũng đã được gửi đi trong các cơ quan liên bang khác của Mỹ.

Trước đó, Quốc hội Mỹ và Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã có bước đi tương tự để trừng phạt Nga. Quốc hội đã gửi lên Tổng thống Barack Obama một dự luật cung cấp khoản hỗ trợ 1 tỷ USD cho Ukraine và bổ sung lệnh trừng phạt Nga. NATO thì hủy mọi quan hệ hợp tác dân sự và quân sự với Nga.

Theo ông Scott Pace, người phụ trách vấn đề chính sách vũ trụ thuộc Đại học George Washington, điều quan trọng là quan hệ Nga-Mỹ trên trạm vũ trụ ISS vẫn được duy trì. “Mỹ và Nga có một quan hệ mật thiết ở ISS. Mỹ phụ thuộc vào Nga cũng như Nga phụ thuộc vào Mỹ. Xóa bỏ mối quan hệ đó không phải là một lựa chọn”, ông Pace phát biểu.